Áp lực kỳ thi tuyển sinh 10 ở khu vực đô thị hiện nay đang quá lớn

22/06/2022 06:33
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Áp lực thi tuyển sinh 10 ở Hà Nội trong năm nay và những năm vừa qua là rất lớn bởi như năm nay thì chưa thi thì mọi người đã biết có hơn 30 ngàn thí sinh trượt.

Nhìn hình ảnh những phụ huynh đưa con đến các điểm thi tuyển sinh 10 ở Hà Nội trong mấy ngày qua được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, có lẽ ai cũng cảm nhận được những lo lắng và sự hy vọng của những bậc làm cha, làm mẹ vào con em mình.

Áp lực kỳ thi tuyển sinh 10 ở Hà Nội trong năm nay và cả những năm vừa qua là rất lớn bởi như năm nay thì chưa thi nhưng mọi người đã biết sẽ có gần 40 ngàn thí sinh sẽ trượt vào lớp 10 công lập.

Nhưng, đâu chỉ riêng ở Hà Nội mà gần như khu vực đô thị của bất kỳ tỉnh, thành nào cũng đang xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt trong kỳ thi tuyển sinh 10 hàng năm. Và, tình trạng này rất khó khắc phục trong những năm tới đây vì nó có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố cấu thành khác nhau.

Những khuôn mặt lo âu, căng thẳng của nhiều phụ huynh khi con tham gia kỳ thi tuyển sinh 10 (Ảnh minh họa: Trần Lý)

Những khuôn mặt lo âu, căng thẳng của nhiều phụ huynh khi con tham gia kỳ thi tuyển sinh 10

(Ảnh minh họa: Trần Lý)

Kỳ thi tuyển sinh 10 đang cạnh tranh gay gắt ở những khu vực đô thị

Những khu vực đô thị là những nơi mà mọi điều kiện đều tốt hơn rất nhiều những khu vực nông thôn, miền núi bởi phần lớn các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, các gia đình chỉ có 1- 2 đứa con nên phụ huynh đầu tư, kỳ vọng rất nhiều vào tương lai của con mình.

Việc phụ huynh đầu tư cho con học tập không chỉ là thời điểm nước rút mà thường có sự đầu tư dài hơi để con em mình có thể trang bị những kiến thức tốt nhất làm hành trang bước vào các kỳ thi và hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Vì thế, ngoài việc học chính khóa ở trường thì nhiều phụ huynh đã cho con học thêm, đã tìm đến những trung tâm gia sư uy tín, đến những thầy cô giỏi để gửi gắm. Bởi, ai cũng biết kỳ thi mang tính bước ngoặc để vào lớp 10 công lập hiện nay ở một số đô thị lớn phải nói là rất khó khăn.

Chính vì điều này mà chất lượng giảng dạy và học tập ở những trường đô thị thường rất cao so với mặt bằng chung của các khu vực còn lại. Một khi chất lượng các lớp dưới đồng đều và đa phần học sinh đều có học lực giỏi, khá cũng đồng nghĩa là kỳ thi tuyển sinh 10 sẽ cạnh tranh gay gắt.

Chẳng hạn như kỳ thi tuyển sinh 10 năm nay của Thành phố Hà Nội có 106.586 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường trung học phổ thông không chuyên sẽ cạnh tranh cạnh tranh 69.020 suất vào lớp 10 công lập.

Nếu so với 6 kì tuyển sinh 10 trong những năm vừa qua thì tỷ lệ chọi trung bình vào lớp 10 công lập Hà Nội năm nay là cao nhất với tỉ lệ chọi trung bình là 1/1,54. Kỳ thi năm 2021, tỷ lệ này chỉ là 1/1,38; năm 2020 là 1/1,39; năm 2019 là 1/1,36…[1]

Nhiều trường trung học phổ thông không chuyên ở Hà Nội có tỉ lệ chọi cao như Yên Hòa (1/3,03); Nhân Chính (1/2,53); Lê Quý Đôn-Hà Đông (1/2,51); Cầu Giấy (1/2,46); Quang Trung-Hà Đông (1/2,39); Phan Đình Phùng (1/2,34); Nguyễn Thị Minh Khai (1/2,33)…[2]

Không chỉ Hà Nội mà nhiều trường nội đô như ở Thành phố Hồ Chí Minh, các trường ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn ở đa phần các tỉnh đều có tỉ lệ chọi cao. Điều này cũng đồng nghĩa những trường có tỉ lệ chọi cao thì học sinh vào được phải có học lực giỏi.

Những học sinh có học lực khá thì có thể vào những trường trung học phổ thông bình thường, còn học sinh trung bình gần như là không có cơ hội đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập mà phải chọn cho mình một hướng đi khác.

Áp lực tuyển sinh 10 đè nặng lên vai học sinh, thầy cô các trường trung học cơ sở

Kỳ thi tuyển sinh 10 không chỉ là gánh nặng về kinh tế và sự lo toan của các phụ huynh mà áp lực đối với học sinh, các thầy cô giáo dạy các môn thi tuyển sinh 10 ở các trường trung học cơ sở cũng chưa bao giờ dễ chịu chút nào.

Học sinh đương nhiên muốn vào được lớp 10 công lập, nhất là những trường uy tín thì phải học tập gấp nhiều lần bạn bè của mình mới đủ kiến thức và tự tin cạnh tranh 1 suất vào các trường uy tín ở khu vực thị thành.

Các em học chính khóa, học thêm ở trường, ở nhà thầy cô hoặc các trung tâm gia sư và phải tranh thủ học, ôn ở nhà trong mọi thời điểm có thể. Nhiều em thể hiện sự mệt mỏi, thiếu ngủ đến phờ phạc trong quá trình ôn thi tuyển sinh 10.

Bởi, các em học ngày, học đêm, học mọi nơi, mọi lúc và tất cả đều khẩn trương, tranh thủ để “nạp” kiến thức và giải các dạng đề thi tuyển sinh.

Và, thầy cô dạy các môn thi tuyển sinh 10 ở các trường trung học cơ sở cũng áp lực không kém gì học trò. Thầy cô dạy lớp 9 phải có kế hoạch dạy, định hướng, ôn tập cho học trò ngay từ những ngày đầu năm học.

Những thầy cô dạy 9 thường phải là những người cũng từng “chinh chiến” nhiều năm và đúc kết ra nhiều kinh nghiệm mới có thể truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và thậm chí là mưu mẹo cho học trò khi tiếp cận và làm các đề thi trong kỳ thi tuyển sinh 10.

Áp lực của thầy cô giáo không chỉ khi ôn thi mà khi học sinh thi xong rồi vẫn còn những áp lực không hề nhỏ khi các trường trung học cơ sở sẽ tổng hợp điểm thi của trường mình đối với từng môn thi để so sánh với các trường khác.

Sau đó, chia tỉ lệ phần trăm điểm số từng lớp, từng giáo viên ôn thi để so sánh điểm thi, số lượng học sinh đậu lớp nào cao, lớp nào thấp và tất nhiên lúc này thì giáo viên nào mà chất lượng ôn thi thấp hơn đồng nghiệp trong tổ chuyên môn cũng sẽ chịu nhiều áp lực về tinh thần.

Áp lực không chỉ từ những lời xì xào, bàn tán của đồng nghiệp mà trong các buổi họp chi bộ, họp hội đồng sư phạm, họp tổ chuyên môn cũng được đưa ra bàn luận. Ban giám hiệu chỉ cần khen vài giáo viên ôn thi đạt chất lượng tốt thì những giáo viên còn lại cũng thấy “nhột” trong lòng.

Giảm áp lực kỳ thi tuyển sinh 10 ở khu vực đô thị bằng cách nào?

Chúng tôi cho rằng giảm áp lực kỳ thi tuyển sinh 10 ở các trường trung học phổ thông công lập khu vực đô thị hiện nay vẫn đang là bài toán khó giải từ hàng chục năm nay nhưng không phải không có hướng giải quyết.

Thông thường, những khu vực đô thị luôn chịu áp lực về tình trạng di dân từ nông thôn đến nên dân số khu vực đô thị ngày một cao. Trong khi, các trường được xây dựng mới thì ít. Cũng chừng ấy trường học mà số thí sinh ngày càng nhiều hơn thì ắt áp lực sẽ ngày một cao.

Giải pháp cho bài toán này là phải xây dựng thêm trường mới nhưng nếu xây dựng trường mới thì kinh phí sẽ rất tốn kém và không phải nói là làm được ngay.

Chính vì thế, việc đầu tiên là chúng ta phải thay đổi về chính sách để giảm áp lực đối với trường công và tăng chất lượng đầu vào đối với các trường ngoài công lập.

Hiện nay, khối trường ngoài công lập nhiều nhưng cũng chỉ có một số ít trường ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là đã tạo được thương hiệu, uy tín. Phần nhiều các trường ngoài công lập đang tuyển sinh bằng cách lấy những thí sinh không đỗ lớp 10 công lập mới đến trường mình.

Vì thế, thay vì chỉ tổ chức tuyển sinh 10 đối với các trường trung học phổ thông công lập thì chính sách cần mở rộng ra cho các trường ngoài công lập cũng được tổ chức thi tuyển cùng thời gian, cùng đề chung với các trường công lập.

Bên cạnh đó, cần bỏ quy định tuyển sinh trong cùng địa bàn để khuyến khích các thí sinh có thể thi ở một trường ngoài địa bàn nhưng trong tỉnh để kéo giãn số thí sinh ở các trường nội đô ra khu vực lân cận.

Còn nếu vẫn duy trì chính sách tuyển sinh 10 như hiện nay thì các trường công lập ở khu vực thành thị vẫn luôn trong tình trạng quá tải.

Nhiều trường huyện nhiều khi không đủ thí sinh để tuyển và đa phần các trường ngoài công lập ở các tỉnh lẻ luôn trong tình trạng thiếu học trò hoặc chất lượng đầu vào thấp. Vì thế, nhiều trường công ở khu vực đô thị quá tải mà cũng lắm trường ngoài công lập thì tuyển đầu vào khó khăn, lãng phí cơ sở vật chất đã đầu tư.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://congly.vn/truoc-gio-g-ky-thi-tuyen-sinh-lop-10-o-ha-noi-209106.html

[2] https://www.vietnamplus.vn/thi-vao-lop-10-o-ha-noi-truong-thpt-yen-hoa-co-ty-le-canh-tranh-cao/793222.vnp

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG