Áp lực khi trường quản lý hồ sơ kiểu “nửa nạc nửa mỡ”

06/01/2020 06:17
Mai Hoa
(GDVN) - Quy định dùng hai hình thức vừa điện tử, vừa hồ sơ giấy, giáo viên đã không được giải phóng bớt thời gian mà trái lại càng làm tăng áp lực công việc cho họ.

Hiện nay, nhiều trường học trong cả nước đang sử dụng phần mềm mạng Giáo dục Việt Nam VnEdu.vn .

Mạng Giáo dục Việt Nam có khá nhiều danh mục giúp nhà trường và giáo viên quản lý và nhận xét, đánh giá học sinh nhưng chưa được khai thác triệt để (Ảnh tác giả)
Mạng Giáo dục Việt Nam có khá nhiều danh mục giúp nhà trường và giáo viên quản lý và nhận xét, đánh giá học sinh nhưng chưa được khai thác triệt để (Ảnh tác giả)

Với hàng chục danh mục như: Nề nếp học sinh; Sổ theo dõi chất lượng; Lịch báo giảng; Quản lý lớp học; Sổ nhận xét;

Cập nhật nề nếp học sinh; Điểm danh; Tổng kết; Thống kê báo cáo…sẽ giúp cho giáo viên, cho nhà trường khá nhiều thuận lợi trong việc quản lý và đánh giá học sinh.

Thế nhưng hiện nay, nhiều trường học chưa biết khai thác triệt để những ưu điểm của phần mềm mang lại.

Ưu điểm của phần mềm này đối với giáo viên và nhà trường

Mạng Giáo dục Việt Nam đã giúp cho nhà trường, giáo viên làm việc một cách khoa học, tiện ích để giảm bớt công việc thủ công, các thủ tục hành chính trong quản lý.

Đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc. Với vnEdu, việc tính toán, tổng hợp số học lực, hạnh kiểm… được hệ thống thực hiện tự động tuân theo các quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành nên tránh được sai sót do việc tính toán thủ công.

Các số liệu báo cáo được hệ thống cung cấp một cách nhanh chóng, chính xác. Hệ thống vnEdu còn tích hợp các mẫu báo cáo thống kê EMIS theo các giai đoạn của năm học, các mẫu báo cáo về hồ sơ và điểm của học sinh tương thích với phân hệ quản lý học sinh VEMIS và quản lý điểm.

Nhà trường có thể chủ động trong việc in ấn một số mẫu sổ gọi tên và ghi điểm, mẫu sổ theo dõi và đánh giá học sinh tiểu học…;

Áp lực khi trường quản lý hồ sơ kiểu “nửa nạc nửa mỡ” ảnh 2
Giáo viên mệt nhoài với...vào điểm thủ công

Tổ chức và quản lý kỳ thi một cách nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, vnEdu là một kênh liên lạc giúp phụ huynh nắm bắt dễ dàng, trực tiếp và nhanh chóng kết quả học tập, rèn luyện của con em để kịp thời khích lệ, uốn nắn con em mình.{1}

Thực hiện không khoa học, giáo viên thêm việc và áp lực nhiều hơn

Nếu khai thác triệt để những ưu điểm vốn có của phần mềm mạng Giáo dục Việt Nam VnEdu.vn thì chính giáo viên sẽ được giải phóng nhiều công việc tính toán thủ công như từ trước đến nay.

Ví như xếp loại học lực, hạnh kiểm học sinh, đếm số lượng để thống kê, báo cáo…

Tuy nhiên với các quy định cứng nhắc thì nhiều thầy cô ở nhiều trường học cho biết: “Giảm công việc đâu không thấy mà thấy thêm việc vì vừa phải hoàn thành trên mạng, vừa phải hoàn thành trên giấy tờ còn mệt mỏi hơn nhiều”.

Ví như, giáo viên vừa phải làm học bạ điện tử, vừa phải làm học bạ giấy bên ngoài.

Mặc dù trong phần mềm sau khi giáo viên nhập điểm, đánh giá học sinh về năng lực, phẩm chất, về hạnh kiểm thì phần mềm tự thống kê.

Nhưng có trường lại đưa ra thang điểm thống kê khác với phần mềm. Thế là, giáo viên phải “nổ đom đóm mắt” ra để đếm từng em, thống kê từng nhóm.

Áp lực khi trường quản lý hồ sơ kiểu “nửa nạc nửa mỡ” ảnh 3
Sổ điểm điện tử góp phần làm hạn chế tiêu cực và thành tích ảo trong giáo dục

Mặc dù cấp quản lý chỉ cần nhấp vào từng lớp, từng khối là mọi thông tin về chất lượng học tập, rèn luyện sẽ có đầy đủ.

Nhưng có trường vẫn buộc các tổ chuyên môn làm thêm vào sổ tổ, đồng thời in thêm nhiều bản để kẹp vào sổ tổ, sổ chủ nhiệm, nộp riêng về nhà trường.

Hay như, sau khi hoàn thành việc xếp loại đánh giá, chỉ cần giáo viên in kết quả từng em là có ngay một phiếu liên lạc hoàn chỉnh. Nhưng vẫn có trường lại yêu cầu viết tay phiếu liên lạc.

Một giáo viên ở thị xã Cai Lậy, Tiền Giang cho biết: “Trường có phần mềm Vnedu.vn, nhưng giáo viên vẫn phải làm sổ thủ công, (mặc dù hàng tháng vẫn nhập điểm vào phần mềm đầy đủ).

Cộng tay điểm bình quân, báo cáo, sau đó Ban giám hiệu mới cho nhập điểm thi vào phần mềm lấy kết quả.

Giáo viên lại phải đối chiếu điểm giữa phần mềm với điểm cộng thủ công trước đó.

Một giáo viên khác cũng bất bình: "Vào sổ điểm in ra lưu lại làm một việc được cả hai nhưng ngược lại phải vô sổ điểm cá nhân rồi vào sổ điểm trên mạng 2 lần vào điểm giống hệt nhau quá phí thời gian. Để thời gian dạy học sinh yếu có hiệu quả hơn rất nhiều

Đã dùng phần mềm mạng Giáo dục Việt Nam sao không thể bỏ việc làm trên hồ sơ sổ sách bằng giấy?

Áp lực khi trường quản lý hồ sơ kiểu “nửa nạc nửa mỡ” ảnh 4
Sao không thể là học bạ điện tử?

Nếu sử dụng hết các chức năng của mạng Giáo dục Việt Nam, giáo viên sẽ được giải phóng công việc làm điểm, thống kê, nhận xét, xếp loại, ghi học bạ, ghi phiếu liên lạc…cho học sinh bằng cách thủ công như bao nhiêu năm trước đây.

Thế nhưng, không thể hiểu vì sao nhiều trường học lại không áp dụng một cách triệt để?

Việc họ quy định dùng song song hai hình thức vừa điện tử, vừa hồ sơ giấy giáo viên đã không được giải phóng bớt công việc mà trái lại càng làm tăng áp lực thêm việc cho họ.

Vì thế, dù phần mềm này có nhiều ưu điểm vượt trội thì vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các thầy cô giáo hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

https://baokhanhhoa.vn/doi-song/201709/nhieu-tien-ich-tu-mang-giao-duc-viet-nam-vnedu-8054161/{1}

Mai Hoa