Áp dụng kiểu ngồi học như VNEN ở lớp 1 nơi quê tôi đã hoàn toàn thất bại

14/12/2019 07:36
Đỗ Quyên
(GDVN) - Giáo viên lo lắng việc thay đổi cách dạy, cách học cho học sinh lớp 1 theo đúng mục tiêu của chương trình thì 100% học sinh sắp vào lớp 1 sẽ phải đi học thêm.

Mặc dù mô hình trường học mới VNEN bị nhiều địa phương trong cả nước tẩy chay vì chưa thật sự hiệu quả.

Học sinh lớp 1 mà xếp ngồi học nhóm kiểu này thì chẳng biết chất lượng sẽ đi về đâu? (Ảnh minh họa Phan Tuyết)
Học sinh lớp 1 mà xếp ngồi học nhóm kiểu này thì chẳng biết chất lượng sẽ đi về đâu? (Ảnh minh họa Phan Tuyết)

Thế nhưng dù không bỏ thì nhiều trường học tại quê tôi vẫn duy trì mô hình dạy học này và hằng năm còn phát triển thêm nhiều trường học mang tên VNEN mở rộng.

Điều khó hiểu hơn, theo chỉ đạo chuyên môn từ các phòng giáo dục, lớp 1 cũng buộc học sinh phải ngồi theo mâm và tự học như mô hình VNEN (ngồi theo mâm và học tự học, trao đổi với bạn và chia sẻ với nhóm). Người ta gọi đó là kiểu dạy học phát triển theo năng lực.

Khi lệnh trên ban xuống hầu như các giáo viên đang dạy ớp 1 đều phản ứng một cách dữ dội với lý do nếu để học sinh lớp 1(chưa biết tí gì về cách đọc cách viết) mà tự học kiểu này, đảm bảo rằng cuối năm sẽ có nhiều học sinh không biết đọc, biết viết.

Hoặc sẽ buộc học sinh phải đi học thêm 100% mới có thể theo kịp chương trình.

Trước sức ép của nhiều giáo viên, trước thực tế chính Ban giám hiệu các trường cũng nhận thấy điều bất cập này, cho nên có trường lần lữa đến gần hết học kỳ 1 mới buộc học sinh ngồi học nhóm.

Áp dụng kiểu ngồi học như VNEN ở lớp 1 nơi quê tôi đã hoàn toàn thất bại ảnh 2
Giáo viên dạy chương trình VNEN sẽ không bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới

Ban giám hiệu nhiều trường giải thích, dù biết bắt các em lớp 1 ngồi học kiểu ấy không hiệu quả nhưng lệnh trên áp xuống sao dám không nghe?

Những thắc mắc vì sao lại cứ giữ mô hình trường học mới VNEN mặc dù chưa thật phù hợp với tình hình của giáo dục Việt Nam (khi sĩ số học sinh một lớp quá đông, khi phòng học lại quá chật chội, khi bệnh thành tích còn quá nặng nề nên nhiều học sinh ngồi nhầm lớp…) mà nay còn kéo cả lớp 1 vào kiểu dạy này?

Chúng tôi đã được nghe một số lời giải thích đó là làm tiền đề cho chương trình mới vì kiểu học của VNEN gần như là kiểu học của chương trình mới sau này?

Nếu quả như thế thì thật đáng lo cho học sinh lớp 1

Học sinh bước vào lớp 1 hiện nay nhiều em gần như chưa biết cầm viết, chưa biết mặt một số chữ cái đơn giản.

Khi dạy các em, giáo viên thường phải phát âm mẫu để học sinh phát âm theo. Thầy cô giáo phải đi từng bàn, cầm tay từng em đưa từng nét cong, nét hất, nét xiên, nét thẳng…

Mỗi ngày học một âm vần mới nhưng giáo viên phải cho từng em đọc đi đọc lại đến hàng chục lần. Phải “ăn cắp” cả thời gian của một số tiết học như thủ công, các tiết bổ sung khác để rèn đọc, rèn viết.

Thế mà cứ học xong âm vần hôm nay, ngày mai nhiều em lại cứ như âm vần mới.

Nhiều giáo viên dạy lớp 1 đã than rằng, một buổi lên lớp dạy học sinh lớp 1 có khi bằng mấy buổi dạy học sinh các khối khác vì quá vất vả. Vậy mà học sinh vẫn rất khó khăn khi tiếp thu kiến thức.

Lớp học chỉ hơn 30 em còn thế thì lớp học với 60 em giáo viên sẽ vất vả, khổ sở đến thế nào? Phải là giáo viên dạy lớp 1 mới thấu hiểu được điều này.

Chúng tôi lo khi áp dụng chương trình mới học sinh lớp 1 phải ngồi theo nhóm như VNEN để tự học là chính thì chất lượng sẽ ra sao?

Áp dụng kiểu ngồi học như VNEN ở lớp 1 nơi quê tôi đã hoàn toàn thất bại ảnh 3
Sản phẩm của VNEN thế này, chúng tôi phải dạy làm sao?

Trong dạy học, đối với học sinh lớp 1 giáo viên chủ yếu phải làm mẫu các hoạt động và các em phải làm theo mà còn như thế.

Nếu như cứ để các em ngồi theo nhóm, tự học là chính theo cách người ta nói dạy học phát triển năng lực chẳng biết rồi chất lượng sẽ thế nào đây?

Dù giáo viên hiện vẫn chưa được đi tập huấn chương trình mới, chưa được tiếp xúc trực tiếp với bộ sách giáo khoa lớp 1 nên chưa biết sẽ thế nào.

Thế nhưng ngay thời điểm này, khá nhiều giáo viên lớp 1 đang lo lắng việc thay đổi cách dạy, cách học cho học sinh lớp 1 theo đúng mục tiêu của chương trình thì 100% học sinh sắp vào lớp 1, đang học lớp 1 sẽ phải đi học thêm để biết trước kiến thức mới có thể tự học.

Đỗ Quyên