Ai tính nhầm cho ông Lê Văn Sửu nhận tiền khống 108 tiết vượt giờ?

20/08/2020 06:38
Vũ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo Phòng Đào tạo cho rằng, do tính nhầm nên thầy Lê Văn Sửu nhận số tiền vượt giờ 108 tiết năm học 2016-2017 từ tiền Ngân sách Nhà nước.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam làm mất điểm môn Marketing của lớp Thiết kế đồ họa K6 (Khoa Đồ họa), nhưng vẫn cấp bằng đại học, bảng điểm cho sinh viên.

Một giảng viên Khoa Đồ Họa thẳng thắn chỉ rõ, việc cấp bằng đại học, bảng điểm cho sinh viên thiếu điểm môn Marketing là không đúng quy định. Hơn nữa, với bảng điểm thiếu điểm số cụ thể một môn sẽ làm mất quyền lợi của sinh viên sau khi ra trường nếu các em muốn học sau đại học.

Không ít giảng viên nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, ngôi trường có bề dày lịch sử hàng trăm năm đã bày tỏ sự thất vọng trước cung cách, năng lực lãnh đạo của ông Lê Văn Sửu, hiệu trưởng nhà trường.

Một vấn đề được giảng viên chỉ rõ, ông Lê Văn Sửu, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam nhận khống số tiền vượt giờ 108 tiết năm học 2016-2017 từ tiền Ngân sách nhà nước.

Theo bảng thống kê số lượng vượt tiết của ông Lê Văn Sửu thì năm 2015-2016 số tiết vượt giờ là 67,5 tiết; năm 2016-2017 là 175,5 tiết; năm 2017-2018 là 54 tiết và năm 2018-2019 số tiết vượt giờ là 43,5 tiết.

Về nội dung này, làm việc với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Giang Nguyệt Ánh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam xác minh có nội dung này và hiệu trưởng Lê Văn Sửu đã trả lại tiền.

Cô Giang Nguyệt Ánh thông tin chi tiết: “Năm học nào thầy Sửu (hiệu trưởng nhà trường – PV) cũng tham gia công tác giảng dạy và đảm bảo số tiết theo quy định vì thầy Sửu vẫn nhận lương giảng viên.

Việc nói thầy Sửu không giảng dạy vẫn nhận tiền vượt giờ từ ngân sách là không đúng”.

Bà Giang Nguyệt Ánh cho rằng: “Việc thầy Sửu nhận tiền 108 tiết vượt giờ là do nhầm lẫn vào năm học 2016-2017.

Việc vượt giờ 108 tiết của thầy Sửu là do tính nhầm của phòng Đào tạo. Việc này Phòng cũng đã giải thích với bên Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Năm học nào thầy Sửu cũng vượt giờ, nhưng số giờ vượt trong năm học 2016-2017 gấp 3 lần so với các năm học trước và sau.

Thầy Sửu cũng đã hoàn trả số tiền vượt giờ 108 tiết đã nhận và làm kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo nhà trường”.

Không ít giảng viên nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, ngôi trường có bề dày lịch sử hàng trăm năm đã bày tỏ sự thất vọng trước cung cách, năng lực lãnh đạo của ông Lê Văn Sửu, hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: Vũ Phương.

Không ít giảng viên nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, ngôi trường có bề dày lịch sử hàng trăm năm đã bày tỏ sự thất vọng trước cung cách, năng lực lãnh đạo của ông Lê Văn Sửu, hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: Vũ Phương.

Được biết, theo quy định, định mức giờ chuẩn của ông Sửu là 40,5 tiết/năm. Năm 2016-2017 số tiết vượt giờ của ông là 67,5 tiết. Phòng Đào tạo đã “tính nhầm” thành 175,5 tiết dẫn tới số tiết bị nhầm là 108.

Kết quả xác minh nội dung tố cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng kết luận nội dung này: “Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hoàn trả số tiền vượt giờ 108 tiết năm học 2015-2016 đã nhận về Ngân sách Nhà nước (qua Phòng Tài vụ của trường). Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân”.

Thông tin với phóng viên về việc Phòng Đào tạo tính nhầm số tiết vượt giờ của Hiệu trưởng Lê Văn Sửu, một giảng viên của trường này cho rằng, nói tính nhầm số tiết vượt giờ cho hiệu trưởng là không thuyết phục.

Vị giảng viên này cũng đặt vấn đề, sao Phòng Đào tạo không tính nhầm vào những giảng viên khác mà lại tính nhầm vào hiệu trưởng. Việc nhầm lẫn này có chủ đích hay vô tình. Không thể cứ tính nhầm, rồi rút tiền ngân sách sau khi bị lộ, bị tố đem trả lại là xong.

Đáng nói, có ý kiến cũng cho rằng, ông Lê Văn Sửu là đảng viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường lại nhận nhầm tiền vượt giờ khi mình số tiết thực dạy không như thế, vậy ông Lê Văn Sửu đã thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết trung ương hay chưa.

Một giảng viên khác của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng bức xúc trước việc 3 năm liền trường không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức các năm 2014, 2015 và 2016.

“Việc lãnh đạo nhà trường không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức là vi phạm nguyên tắc công khai dân chủ. Nhưng trong báo cáo chính trị lại không đề cập đến việc này”, một giảng viên nói.

Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam có bề dày gần trăm năm, những vấn đề xảy ra gần đây khiến không ít giảng viên thấy rất đáng buồn. Ảnh: Vũ Phương.

Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam có bề dày gần trăm năm, những vấn đề xảy ra gần đây khiến không ít giảng viên thấy rất đáng buồn. Ảnh: Vũ Phương.

Cũng theo giảng viên này công tác cán bộ ngôi trường này có rất nhiều vấn đề từ khi ông Lê Văn Sửu làm hiệu trưởng (từ năm 2012), số cán bộ quản lý nộp đơn từ nhiệm hoặc xin nghỉ nhiều một cách bất thường. Cụ thể khoa Hội hoạ có 1 Quyền Trưởng khoa; khoa Đồ hoạ có 1 Phó khoa;

Khoa Điêu khắc có 2 Phó khoa; khoa Sư phạm mỹ thuật có 1 Phó khoa; phòng Nghiên cứu khoa học có 1 Trưởng phòng, phòng Tổ chức có 1 Trưởng phòng; phòng Khảo thí có 1 Trưởng phòng; phòng Công tác sinh viên có 1 Trưởng phòng và nhiều Tiến sĩ xin chuyển công tác đi chỗ khác.

Về nội dung này, làm việc với phóng viên, thầy Ngô Tuấn Phong, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đó là lý do cá nhân của cán bộ quản lý họ xin từ nhiệm. Có thầy cô từ nhiệm không làm quản lý để làm chuyên môn là việc hết sức bình thường.

Về nội dung Đối với nội dung tố cáo Trường không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức các năm 2014, 2015 và 2016 được Thanh tra Bộ xác minh là tố cáo đúng.

Việc không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức đã vi phạm quy định của Nghị định 04/2015/NĐ-CP. Trách nhiệm trước hết thuộc về cá nhân ông Lê Văn Sửu với tư cách là người đứng đầu đơn vị (được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng phụ trách từ tháng 12/2012, Hiệu trưởng từ tháng 4/2013). Đồng thời có phần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ quan đã không có ý kiến với thủ trưởng đơn vị về việc tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức hằng năm, để xảy ra vi phạm kéo dài.

Kết luận nêu với vai trò là Hiệu trưởng, ông Lê Văn Sửu chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu đơn vị theo khoản 4, Điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 - tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở.

Thanh tra Bộ kiến nghị cá nhân ông Lê Văn Sửu cùng tập thể lãnh đạo Trường, Chủ tịch Công đoàn nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thanh tra Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị tập thể Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với trách nhiệm tập thể và cá nhân về các nội dung: Khoa Đồ họa làm mất điểm môn Marketing, Viện Mỹ thuật trong công tác quản lý tài liệu và việc không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức năm 2014, 2015, 2016; tập thể lãnh đạo trường họp kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của ông Lê Văn Sửu.

Vũ Phương