Ai sẽ công nhận kết quả bầu hiệu trưởng của Hội đồng trường?

14/12/2017 07:55
Thùy Linh
(GDVN) - Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, nếu việc bầu hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận thì sẽ thuận lợi hơn.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định, hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện các bên có lợi ích liên quan và đại diện quyền sở hữu nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học.

Hội đồng này có nhiệm vụ và quyền hạn: quyết định đường lối phát triển, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; quyết nghị chủ trương thu chi tài chính của nhà trường; được tổ chức bầu hiệu trưởng, hiệu phó và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đột xuất nếu cần thiết...

Hội đồng trường phải có ít nhất 17 người và là số lẻ. Thành viên trong đó ngoài hiệu trưởng, một hiệu phó, chủ tịch công đoàn, đại diện hội sinh viên... phải có ít nhất 25% là giảng viên khoa/bộ môn, tối thiểu 30% thành viên bên ngoài trường.

Ai là người công nhận kết quả Hội đồng trường bầu hiệu trưởng? (Ảnh minh họa: Nguồn Báo Công an nhân dân)
Ai là người công nhận kết quả Hội đồng trường bầu hiệu trưởng? (Ảnh minh họa: Nguồn Báo Công an nhân dân)

Góp ý cho dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, nhiều đại biểu quan tâm đến việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thành viên của hội đồng trường.

Theo dự thảo, ban soạn thảo xin ý kiến ở khoản 2 mục d Điều 16 với 2 phương án chọn về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường. 

Phương án 1 là hội đồng trường sẽ tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. 

Phương án 2 là hội đồng trường sẽ tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.

Ai sẽ công nhận kết quả bầu hiệu trưởng của Hội đồng trường? ảnh 2Ai đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch Hội đồng trường?

Theo ông Đào Văn Đông - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải nghiêng về phương án 2 bởi theo ông điều này đảm bảo nếu sau này không còn cơ chế bộ chủ quản thì vẫn áp dụng được.

Đồng thời, theo ông Đông, hội đồng trường không nên quy định “cứng nhắc” với các thành viên trong trường là có 1 phó hiệu trưởng.

“Cần xem xét thực tế rằng 1 trường thường có 2 đến 3 phó hiệu trưởng. Mỗi người thường được hiệu trưởng giao phụ trách một số lĩnh vực nhất định.

Trong khi thành viên hội đồng trường cần sâu về từng lĩnh vực để góp ý xây dựng định hướng, chiến lược phát triển.

Nếu giả sử chỉ lấy 1 phó hiệu trưởng thiên về đào tạo thì mảng tài chính hay khoa học công nghệ lại hụt,…”, ông Đông phân tích. 

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cũng đồng tình phương án 2 vì cho rằng nếu việc bầu hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận thì sẽ thuận lợi hơn.

“Bởi như trường chúng tôi, nếu chỉ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thôi thì vai trò của Bộ chủ quản như thế nào? Nếu sau này cơ chế bộ chủ quản xem xét lại thì việc này cũng giúp dễ khắc phục hơn sau này về luật”, ông Thi nói. 

Qua góp ý này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, “dự thảo đưa ra 1 phó hiệu trưởng nhằm mục đích để bộ máy của hội đồng trường không trùng với bộ máy quản lý hành chính của hiệu trưởng.

Nó là cơ quan quyền lực chứ không phải cơ quan điều hành. Do đó chỉ cần 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng tham gia”.

Hội đồng trường không nên can thiệp vào những việc hành chính “hậu cần””

Về vấn đề nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng đồng trường, ông Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:

Việc đưa vào dự thảo nhiệm vụ và quyền hạn cho hội đồng trường “quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính; mua sắm tài sản thiết bị hằng năm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển nhà trường” là chưa hợp lý.

“Công việc đó dành cho hội đồng trường tôi nghĩ là không thực sự cần thiết. Theo tôi, chỉ nên dừng ở việc thông qua kế hoạch tài chính hàng năm và báo cáo quyết toán tài chính hằng năm là đủ rồi”. 

Ai sẽ công nhận kết quả bầu hiệu trưởng của Hội đồng trường? ảnh 3Một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học

Đồng tình với ông Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội nêu quan điểm:

“Hội đồng trường theo tôi chỉ nên có nhiệm vụ là định hướng và thông qua tất cả những chiến lược phát triển, chủ trương chính, chứ không phải vai trò là can thiệp quá sâu vào những việc hành chính “hậu cần””. 

Tuy nhiên, đại diện một số trường đại học cho rằng, không nên để hội đồng trường can thiệp quá sâu vào hành chính, mua sắm vì không đúng vai trò. 

Theo Hiệu trưởng Đại học Điện lực Trương Huy Hoàng, nếu để hội đồng trường quyết nghị thu chi tài chính, mua sắm hàng năm thì sẽ phải có một ban bệ để xem xét được những báo cáo đó, như vậy hội đồng trường sẽ “phình” lên rất lớn.

Là một trong số ít đại học đầu tiên của Việt Nam có hội đồng trường từ năm 2007, nhưng Hiệu phó Đại học Hàng hải Việt Nam - Nguyễn Khắc Khiêm cho biết, đến nay vai trò của hội đồng trường vẫn chưa rõ ràng. 

Ông Khiêm cho hay: "Khi họp để ra quyết sách cuối cùng thì hiệu trưởng và bí thư Đảng ủy vẫn là người quyết định”.

Từ thực tiễn này, ông Khiêm cho rằng, cần tăng thực quyền cho hội đồng trường. 

Ngoài ra, ông Khiêm cũng đặt ra băn khoăn rằng, liệu có mâu thuẫn khi Luật giáo dục đại học nêu ra việc hội đồng trường sẽ bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng nhưng hiện nay rất nhiều bộ ngành đã tiến hành thi chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó.

Trước các ý kiến góp ý này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Thùy Linh