Ai là người có bản lĩnh đẩy việc của Ban Giám hiệu ra ngã ba đường?

05/08/2019 07:18
Minh Anh
(GDVN) - Thầy cô giáo đứng trên bục giảng đều đồng tình với việc bắt thăm chọn lớp và chỉ trừ giáo viên có phe cánh với Ban Giám hiệu là không đồng tình.

Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có loạt bài viết về việc bắt thăm chọn lớp chủ nhiệm, chọn lớp dạy. Hầu hết các bình luận của độc giả đều đồng tình với việc bắt thăm chọn lớp và ca ngợi chủ trương này của Sở giáo dục Nghệ An là sáng suốt.

Ngày 30/7, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài: “Việc của Ban Giám Hiệu, sao lại đẩy ra ngã ba đường đầy rủi ro như vậy?” [1] của tác giả Đỗ Tấn Ngọc. Dưới bài viết này, bình luận của đa số độc giả không đồng tình với quan điểm của tác giả.

Phụ huynh vào mùa chạy trường cho con (Ảnh minh họa: ĐAN).
Phụ huynh vào mùa chạy trường cho con (Ảnh minh họa: ĐAN).

Với quan điểm cá nhân tôi, đã là một giáo viên ai cũng tâm huyết với nghề, ai cũng yêu mến học sinh, coi học sinh như con của mình, luôn mong muốn học sinh của mình trở thành con ngoan, trò giỏi.

Có như vậy họ mới đứng vững trên bục giảng, trong khi cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, áp lực công việc càng ngày càng lớn.

Dù ở mọi hoàn cảnh nào họ cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ai không tâm huyết với nghề chắc chắn sẽ bị đào thải.

Tác giả thừa nhận: “Thực tế cho thấy, các trường Trung học cơ sở, trung học phổ thông lâu nay có lớp chọn (lớp chất lượng cao) ở từng khối lớp". [2]

“Tôi đồng tình với việc bốc thăm chọn lớp”
“Tôi đồng tình với việc bốc thăm chọn lớp”

Như vậy, phải chăng các trường đã phớt lờ công văn số 2449/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công văn này nêu rõ: “Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp Mầm non, Tiểu học và trung học cơ sở”

Chạy lớp, chạy trường ở đây không chỉ nói đến học sinh mà còn đối với cả giáo viên. Cuộc đua này rất “khốc liệt”. Tại vì sao mà giáo viên phải “chạy” để được chủ nhiệm dạy lớp chọn? Ở bài trước tôi đã đề cập. [3].

Không thể đánh giá “Giáo viên năng lực yếu kém”. Bởi  giáo viên ai cũng trải qua quá trình được đào tạo bài bản ở các trường sư phạm, được học chuyên môn nghiệp vụ...

Điều quan trọng là Ban giám hiệu có tin tưởng họ, cho họ cơ hội thể hiện mình hay không? Ban giám hiệu có phân công một cách công tâm khách quan hay không?

Nếu ban giám hiệu “Công, tư phân minh” thì chắc chắn giáo viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ ban giám hiệu giao phó, mà không một lới kêu ca.

Và, ai có đủ bản lĩnh để “đẩy được việc của Ban Giám hiệu ra ngã ba đường”?

Thực tế thì những trường có tổ chức lớp chọn và giáo viên dạy những lớp này phải là những người “tâm phúc”, là những người biết “có qua, có lại” làm vui lòng Ban Giám hiệu.

Giáo viên chủ nhiệm và dạy lớp có cần thiết phải “cân bằng giới tính” hay không? Theo tôi điều này là không cần thiết, bởi thầy hay cô cũng dạy thì cũng cùng một kiến thức mà thôi.

Do đó, để có sự công bằng trong giáo dục, tránh sự xào xáo, mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường thì trước hết cần phải bỏ ngay hình thức tổ lớp chọn trong nhà trường.

Ban Giám hiệu cần phải tổ chức cho giáo viên bốc thăm chọn lớp chủ nhiệm và lớp dạy.

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/viec-cua-ban-giam-hieu-sao-lai-day-ra-nga-ba-duong-day-rui-ro-nhu-vay-post200967.gd   [1], [2]

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toi-dong-tinh-voi-viec-boc-tham-chon-lop-post200928.gd [3]

Minh Anh