Ai cũng mong tương lai tươi đẹp cho con nên xin đừng ích kỷ

23/03/2020 11:39
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Nhiều phụ huynh sẵn sàng sẻ chia khó khăn cùng nhà trường, vì mục tiêu các con được học tập tốt nhất trong thời gian chống dịch.

Sau nhiều tuần học sinh tạm nghỉ, chỉ làm bài tập ôn luyện thì đến lúc này ngành giáo dục đã phải tính đến các giải pháp khác để bù đắp kiến thức nhằm chạy đua hoàn thành chương trình học cho học sinh. Vì vậy các biện pháp ôn tập, tiến tới học bài mới đã được triển khai trên nhiều kênh truyền hình.

Mặc dù vậy biện pháp này chỉ là để bù đắp tạm thời, chưa phải giải pháp tối ưu vì không có tương tác giữa giáo viên với học sinh; chỉ là bài giảng kiến thức căn bản và ngắn gọn (25 phút mỗi lần phát sóng), không phân loại được bài với năng lực của từng nhóm học sinh.

Những yếu điểm này được giải quyết đối với những trường ở thành phố có khả năng triển khai dạy trực tuyến. Giải pháp này cũng được đánh giá là rất phù hợp trong xu thế phát triển được nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển áp dụng.

Ở nước ta trong giai đoạn dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì dạy và học trực tuyến có lẽ là giải pháp rất hợp lý. Giáo viên vẫn sẽ quản lý được học sinh với từng bài giảng và trao đổi, làm rõ những câu hỏi của học trò.

Bản thân các trường và các thầy cô (nhất là trường ngoài công lập) đang hết sức nỗ lực tìm cách bù đắp kiến thức cho học trò. Nhưng vấn đề đặt ra là cho tới nay vẫn chưa thể dự báo chính xác được là khi nào dịch bệnh kết thúc để học trò quay lại trường. Khi quay lại trường thì mới tiếp tục tính học phí, nhưng nếu dịch còn kéo dài thì rõ ràng phải sử dụng biện pháp học trực tuyến thay thế.

Lúc này, giáo viên vẫn phải làm việc bình thường để đảm bảo hàng ngày lên lớp dạy học trò (chỉ khác là học sinh kết nối với giáo viên và các bạn qua internet với một chiếc máy tính).

Giáo viên vẫn làm việc, giảng bài cho học trò, nghĩa là họ cũng phải được chi trả thù lao để tái tạo sức lao động, chứ không thể nào các trường tự chi trả mãi được (trên thực tế là các trường ngoài công lập đã phải sử dụng cạn kiệt cả chi phí dự phòng để thanh toán lương, hỗ trợ giáo viên trong 2 tháng qua).

Trong lúc học sinh ở nhà, giáo viên phải đến trường tập huấn và triển khai các hoạt động dạy trực tuyến. ảnh: ngs.edu.vn
Trong lúc học sinh ở nhà, giáo viên phải đến trường tập huấn và triển khai các hoạt động dạy trực tuyến. ảnh: ngs.edu.vn

Người Việt ta từ xưa đã có câu “Không thầy đố mày làm nên”; “... Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”; "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy"... Ai cũng mong tương lai của các con tươi sáng và giải pháp duy nhất là phải học tập tốt, có nền tảng kiến thức căn bản giúp lựa chọn hướng phát triển sau này.

Đa phần phụ huynh đều sẵn sàng sẻ chia, cùng chung tay với nhà trường tìm giải pháp học tập hiệu quả nhất cho con em mình. Nhưng cá biệt cũng có một số phụ huynh, có lẽ vì chưa hiểu được vấn đề hoặc vì ích kỷ đã “vô tư” viết lên mạng xã hội những lời lẽ 'vô tình' nhằm vào nhà trường, về thầy cô đang dạy con em họ. Có thể thấy hiện tượng này trên mạng xã hội đã xảy ra với một số trường như Lương Thế Vinh, Archimedes, Ngôi sao...

Học trực tuyến khác học trên truyền hình thế nào?
Ai cũng mong tương lai tươi đẹp cho con nên xin đừng ích kỷ ảnh 2

Nhiều người phung phí cả đống tiền cho một bộ đồ rồi lại không dùng đến, có thể mua sắm vô tội vạ, nhưng một khoản tiền nhỏ chi phí cho học tập online của con em thì họ không muốn chi trả.

Tất nhiên đó chỉ là tâm lý của một bộ phận rất nhỏ phụ huynh mà thôi, nhưng những hiện tượng nhỏ lẻ ấy phần nào cũng khiến cho các giáo viên chạnh lòng, chẳng khác gì muốn xô đổ những nỗ lực sáng tạo và tâm huyết của giáo viên dành cho học trò.

Họ có bao giờ nghĩ rằng, tại sao khi học sinh ở nhà mà giáo viên vẫn phải đến trường? Dạy online giáo viên vất vả hơn rất nhiều so với dạy ở lớp nhưng họ vẫn luôn rất nỗ lực không hề phàn nàn điều gì? Tại sao đã quay các video giảng bài rồi mà giáo viên vẫn phải tham gia vào dạy trực tuyến? Họ cũng có con cái, cha mẹ (những người cần được chăm sóc) nhưng phải dành phần lớn thời gian tham gia tập huấn, soạn giáo án… để đảm bảo truyền thụ kiến thức thật tốt cho học trò.

Nếu như được lựa chọn, có lẽ nhiều người có thể tìm sự an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình chứ không mấy ai đi làm, tới những nơi đông người những ngày này. Cũng giống như các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ khám và điều trị bệnh cho người dân, các thầy cô vẫn phải tới trường dạy trực tuyến cho học trò. Họ biết mình giống như những người làm vườn, không thể nào hái được bông hoa đẹp mà không trạm tới những cái gai.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (người vốn luôn nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn) nói rằng, trong thời gian nghỉ vì dịch Covid -19 thì việc học online, dạy trực tuyến, bán hàng online, các giao dịch online càng được khuyến khích.

Dạy online cho thấy ưu điểm như vừa chống được dịch, vừa không tập trung đông người, vừa không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, ở nhà vẫn học được.

Đây là phương pháp khoa học, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng và dành thời gian khá nhiều để học trực tuyến, ra bài tập online, sửa bài và trả bài qua mạng internet… Rất nhiều chương trình của nước ngoài ở Việt Nam học hoàn toàn trên máy tình, điện thoại, máy tính bảng ở nhà.

Cần phát triển hình thức dạy học online nhất là trong tình hình hiện nay. Đã có hình thức dịch vụ giáo dục online thì chắc chắn có phí dịch vụ. Trường tư tự lập không có kinh phí của nhà nước thì họ phải có kinh phí để duy trì hoạt động của trường.

Tôi ủng hộ việc thu phí học phí online với điều kiện thu phí phải phù hợp, không được thu cao quá phụ huynh học sinh không chịu được. Còn thu phù hợp thì phải khuyến khích và tạo điều kiện”.

Học trực tuyến là giải pháp tốt trong thời gian chống dịch. Học trực tuyến cũng đang được áp dụng phổ biến tại các nước có nền giáo dục phát triển.
Học trực tuyến là giải pháp tốt trong thời gian chống dịch. Học trực tuyến cũng đang được áp dụng phổ biến tại các nước có nền giáo dục phát triển.

Chia sẻ về những nỗ lực trong thời gian chống dịch Covid-19, lãnh đạo trường Newton cho biết nhà trường đang triển khai các hoạt động dạy và học trực tuyến, kết quả bước đầu rất thuận lợi, học sinh rất hào hứng. Hệ thống Newton-Pascal luôn kiên trì thực hiện khẩu hiệu: "Thầy cô đến trường vì học sinh, học sinh học ngoan vì thầy cô", vì hai tiếng thiêng liêng "Cô, Thầy".

Trong lúc khó khăn đang bủa vây, các thầy cô rất xúc động vì thường xuyên nhận được tin nhắn của học trò, của phụ huynh hỏi thăm sức khỏe, động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn dịch bệnh này.

Có phụ huynh nhắn rằng “Cô ơi! Em cảm ơn các cô và ban giám hiệu nhà trường đã luôn đổi mới phương pháp dạy để cho các con được duy trì nếp học ạ.Hôm nay em quan sát các con học thấy rất tập trung cô ạ. Tuy các con không được đến trường, nhưng ở nhà học vẫn được nhìn, được trao đổi bài với các cô và các bạn, theo giờ nề nếp như thế này em thấy vui lắm. Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các cô và ban giám hiệu nhà trường ạ!”.

Một phụ huynh khác nhắn “Cô ơi bạn lớn (lớp 7) vẫn đang học cô ah. Bạn lớp 2 nhà em học học xong rồi! Con rất hào hứng! Âm thanh thầy nói nghe rõ, các con bé hơn nhưng học cũng rất nghiêm túc. Hôm nay con học buổi đầu em cũng lo cô ah, nhưng thấy được học như thế quá tuyệt ah! Không chỉ riêng em đâu, nhóm phụ huynh lớp bạn bé khi con học xong đều thấy tốt và rất happy cô ah!”.

Những lời nói chân thành, giản dị ấy chính là nguồn động viên tinh thần rất cần thiết để các thầy cô vượt khó khăn, mở ra trí tuệ của học trò.

Nguyễn Hoàng