9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp của ngành giáo dục trong năm học 2019-2020

14/08/2019 10:20
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục.

Ngày 13/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Chỉ thị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học 2019 - 2020.

Đây là những nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được toàn ngành triển khai xuyên suốt trong 3 năm qua, căn cứ tình hình cụ thể, mỗi năm sẽ có những hoạt động trọng tâm để triển khai thực hiện theo hướng đảm bảo chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục ở từng bậc học.

9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu bao gồm:

Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước;

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp;

Nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên;

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc;

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục;

Ngày 13/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Chỉ thị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học 2019 - 2020. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ngày 13/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Chỉ thị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học 2019 - 2020. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục;

Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo;

Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

5 nhóm giải pháp cơ bản bao gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo;

Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục;

Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo;

Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục;

Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Bộ Giáo dục giải trình về các vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể của đơn vị;

Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch năm học, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ nhiệm vụ, giải pháp và tình hình thực tiễn của địa phương, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2019 - 2020 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học;

Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2019 - 2020; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học.

Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp năm học 2019 - 2020.

Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan quản lý giáo dục các cấp; nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Thùy Linh