76% nhân lực ngành giáo dục là phụ nữ nhưng tỉ lệ lãnh đạo còn thấp, cần tăng

30/06/2020 06:16
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới đã lồng ghép tối đa vấn đề bình đẳng giới.

Ngày 29/6, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức hội nghị tập huấn công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, các thành viên trong Ban và đại diện Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục các địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Năm 2006, Quốc hội thông qua Luật Bình đẳng giới, đưa bình đẳng giới vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, như: chính trị; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao; y tế; gia đình.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị (Ảnh: moet.gov.vn)

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị (Ảnh: moet.gov.vn)

“Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng luôn quan tâm và coi trọng công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Năm 2016, ngành Giáo dục đã ban hành Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020.

Kế hoạch này đưa ra 6 mục tiêu quan trọng mà chúng ta phải cố gắng triển khai thực hiện tốt trong ngành”, Thứ trưởng nói.

Mục tiêu thứ nhất trong Quyết định là tăng tỉ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ trong ngành giáo dục là hơn 76% , nhưng không phải đơn vị nào cũng đã có cán bộ nữ trực tiếp lãnh đạo.

Vì thế, cần đặc biệt quan tâm thực hiện mục tiêu này, có chính sách hỗ trợ cán bộ nữ đi học tập, bồi dưỡng đáp ứng các yêu cầu của vị trí lãnh đạo và tăng cơ hội được tham gia vị trí này.

Mục tiêu thứ hai là thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong tiếp cận giáo dục, tăng tỉ lệ biết chữ của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn.

Các vấn đề về giới, bình đẳng giới được đảm bảo lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, là mục tiêu thứ ba của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020.

“Sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới đã lồng ghép tối đa vấn đề bình đẳng giới.

Điều này thể hiện rõ qua các tranh ảnh trong sách luôn có tỷ lệ hình ảnh nam giới và nữ giới tương đồng, mọi hoạt động, lĩnh vực nghề nghiệp đều có sự xuất hiện của cả hai giới này”, Thứ trưởng nói.

Các mục tiêu còn lại của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020 gồm:

Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, cha mẹ học sinh và cộng đồng;

Phòng chống bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới, thúc đẩy môi trường học tập an toàn và thân thiện;

Tăng cường công tác thống kê có trách nhiệm giới, lồng ghép giới vào hoạch định chính sách, lập kế hoạch và quản lý ngành Giáo dục.

Tại hội nghị tập huấn công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các đại biểu thảo luận, chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay, mô hình triển khai hiệu quả.

Những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành giáo dục, cũng được đưa ra bàn thảo để tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong giai đoạn 2020-2025.

Linh Hương