6 giải pháp để có học thật, thi thật, nhân tài thật thầy Bùi Nam hiến kế với Bộ

11/05/2021 13:47
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ có nhìn thẳng vào những tồn tại hạn chế để khắc phục, sửa chửa thì ngành giáo dục mới có sự thay đổi.

Ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước.

Nhấn mạnh yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật" là một nhiệm vụ trọng tâm, cần phải làm ngay là một chỉ đạo vô cùng đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó cho thấy tầm nhìn rộng lớn, chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ với giáo dục.

Giải pháp nào để ngành giáo dục “học thật, thi thật, nhân tài thật”? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giải pháp nào để ngành giáo dục “học thật, thi thật, nhân tài thật”? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hiện nay, bệnh chỉ tiêu thành tích trong giáo dục rất nặng

Chỉ có nhìn thẳng vào những tồn tại hạn chế để khắc phục, sửa chửa thì mới có sự thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phải bắt đầu từ hoàn thiện thể chế, đây là việc phải làm và không ai làm thay được Bộ; lựa chọn một số việc cấp bách, khả thi, có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, có tác động lan tỏa mạnh mẽ để làm trước, làm dứt điểm; phải vươn lên mạnh mẽ, đổi mới tư duy quản lý.

Do đó, giải pháp “học thật, thi thật, nhân tài thật” chính là một trong những giải pháp mang tính đòn bẩy, điểm tựa để cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục.

Phải nhìn thẳng rằng hiện nay bệnh chỉ tiêu thành tích trong giáo dục còn rất nặng, chính vì việc chạy theo chỉ tiêu thành tích đã đẩy chất lượng ảo lên quá cao chính là do chưa học thật, chưa thi thật và nhân tài cũng chưa thật.

Hiện tượng một lớp có 100% học sinh giỏi hay 100% học sinh được giấy khen, 100% lên lớp thẳng,… đã cho thấy tình trạng chạy theo thành tích ảo đã tồn tại nhiều năm, khó mà thay đổi nếu không có biện pháp quyết liệt, mạnh tay.

Hiện tượng "dạy thêm - học thêm" phát triển tràn lan, khiến cho việc "dạy giả - học giả" lấn át "dạy thật - học thật".

Dư luận rất bức xúc việc học sinh ngồi nhầm lớp, chuyện nâng điểm, sửa học bạ, lên lớp 100%, tốt nghiệp 100%,… nó chính là một trong những nguyên nhân làm cho việc dạy thật, học thật khó mà triển khai thực hiện.

Muốn có học thật, thi thật, nhân tài thật phải trị tận gốc căn bệnh chỉ tiêu thành tích lâu nay làm ảnh hưởng đến nền giáo dục.

Đề xuất một số giải pháp cấp bách

Dưới góc độ cá nhân, người viết xin được mạnh dạn đề xuất một số giải pháp để có thể “học thật, thi thật, nhân tài thật” trong thời gian hiện nay.

Thứ nhất, muốn học thật thì phải dạy thật

Trong bức thư Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn gửi thư cho giáo viên cả nước có đoạn nêu “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn.

Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta.

Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn chúng ta mới dần làm cho nghề giáo tôn nghiêm thêm.”

Ý kiến của Bộ trưởng vô cùng đúng đắn, muốn giáo dục thay đổi, ổn định và lâu dài phải xuất phát từ chính những giáo viên.

Hiện nay, thực tế một số giáo viên chưa “dạy thật”, một số giáo viên chưa cố gắng hết sức mình trong việc dạy dỗ, một số giáo viên lại vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, một số giáo viên lại dạy kiểu qua loa, đối phó, một số giáo viên lấy việc dạy trên lớp là phụ, dạy thêm là chính nên chắc chắn tìm mọi cách lôi kéo học sinh học thêm nên dạy không thật,…

Chính một số giáo viên này đã không “dạy thật” nên chắc chắn sẽ không “học thật, thi thật và nhân tài thật”.

Thứ hai, sửa đổi quy chế đánh giá, xếp loại học sinh

Chỉ tiêu 95%, 100% lên lớp thẳng đã kéo theo chất lượng bộ môn rất cao, kéo theo căn bệnh ngụy thành tích nặng nề hiện nay.

Vì muốn học sinh được lên lớp, được tiếp tục đi học, không bỏ học đã khiến nhà trường “đẩy” giáo viên vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, nếu chạy theo thành tích thì học sinh ngày càng học yếu, giáo viên “mất giá”, không “học thật, thi thật” nếu làm thật thì sẽ có rất nhiều học sinh ở lại, bỏ học lại mang tiếng “ác” và quan trọng hơn là bị cắt thi đua, xếp không hoàn thành nhiệm vụ,…

Muốn vậy, phải mạnh tay sửa đổi quy chế đánh giá, xếp loại học sinh làm sao để giáo viên có thể đánh giá thật mà hạn chế học sinh ở lại, bỏ học, đánh giá thật mà giáo viên không mang tiếng “ác” và không bị cắt thi đua.

Quy định học sinh học không đạt 1, 2 môn phải ở lại đã không còn phù hợp, phải được sửa đổi, thay thế.

Thứ ba, phải có cách nhìn khác về phổ cập giáo dục

Chính sách phổ cập giáo dục là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về học tập suốt đời, xóa mù chữ,… để mọi người ai cũng được học hành như ý nguyện của Bác kính yêu.

Sinh thời ý nguyện của Bác Hồ đã được trình bày một cách giản dị: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay việc các báo cáo phổ cập, con số phổ cập,… không còn thực chất là mong muốn mọi người được đi học, nâng cao dân trí mà là cuộc “chạy đua” trên các báo cáo như 100% học sinh vào lớp 1, lớp 6; học sinh tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở 100%; tỷ lệ ra trường,… nó khiến các trường, địa phương chạy đua “đẩy” chất lượng lên rất cao, chạy đua thành tích,…

Nhiều trường đẩy sĩ số học sinh lên lớp 100% trong khi thực tế có học sinh học đến lớp 5, lớp 6 còn chưa đọc thông, viết thạo...

Thứ tư, hạn chế các hội thi của giáo viên và học sinh

Một số hội thi trong nhà trường rất hình thức, tốn rất nhiều thời gian, nó lại là căn cứ để xét thi đua trong các trường, nên các trường tích cực tham gia các hội thi các phong trào mà quên đi nhiệm vụ chính là “dạy thật, học thật, nhân tài tật” như chỉ đạo của Thủ tướng.

Chúng ta phải thay đổi tư duy, quan niệm mỗi giáo viên đến lớp phải dạy hết mình, cống hiến hết mình trên lớp, mỗi giáo viên đều là giáo viên giỏi mà không cần phải có danh hiệu.

Hội thi giáo viên giỏi hiện nay rất hình thức, không cần thiết, nó vô hình trung phân loại có giáo viên giỏi, giáo viên chưa giỏi, dạy 1 tiết học, trình bày một giải pháp thì được công nhận là giáo viên giỏi thật sự không còn cần thiết, gây áp lực không đáng có, giáo viên nên dành thời gian để “dạy thật, học thật”.

Các hội thi sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học,… phải dần dần được thay thế bằng các hoạt động có ý nghĩa thiết thực hơn.

Các cuộc thi khoa học kỹ thuật được dư luận lao xao đồn đoán là cuộc thi của giáo viên, không thực chất.

Thứ năm, dẹp "chợ chứng chỉ”

Hiện nay, giáo viên khi ra trường đi dạy không chỉ có bằng cử nhân sư phạm mà còn phải có hàng hoạt các chứng chỉ như là các “giấy phép con” hành giáo viên như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (các Thông tư mới đã không còn yêu cầu nhưng khi thực hiện một số địa phương vẫn còn yêu cầu có chứng chỉ để làm minh chứng biết sử dụng ngoại ngữ, tin học), chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ bồi dưỡng,….

Giáo viên đã đi dạy nên việc học các chứng chỉ, các lớp bồi dưỡng, các lớp tập huấn,… không mang lại hiệu quả.

Có thể hiểu kiểu “bằng thật – tiền thật – kiến thức giả” nó gây tốn kém, bức xúc và không mang lại hiệu quả tích cực.

Muốn có thi thật thì trước hết phải có học thật, như đã nói ở trên. Trên cơ sở đó, phải áp dụng nhiều biện pháp chống gian lận sao cho có hiệu quả.

Trước hết, phải chống lại "bệnh thành tích" trong thi đua: chỉ tính thành tích dạy thật - học thật chứ không tính tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao hay thấp.

Thay vì khen thưởng giáo viên đạt chỉ tiêu cao, nên chuyển sang khen thưởng giáo viên “dạy thật, đánh giá thật”.

Bên cạnh đó các em phải có chính sách tạo điều kiện, việc làm, phân luồng cho học sinh tốt nghiệp 12, trung cấp, cao đẳng,... vị trí việc làm ổn định, lâu dài.

Phải chấm dứt việc các công ty, doanh nghiệp nhận học sinh chưa tốt nghiệp trung học cơ sở đó chính là động lực để các em mong muốn được đi học.

Bên cạnh đó, chính gia đình các em phải có trách nhiệm trong việc học tập của con em mình, gia đình nào có học sinh bỏ học phải bị xử phạt, cắt các nguồn hỗ trợ,… để mọi người đều phải có ý thức, động viên con em họ đi học.

Thứ sáu, giữ trường trung học phổ thông chuyên, bỏ lớp chọn

Mô hình trường trung học phổ thông chuyên là mô hình phù hợp để đào tạo nhân tài chất lượng cao của cả nước, các em học trường chuyên được đào tạo bài bản góp phần hình thành nhân tài cả nước. Nhưng mô hình lớp chọn là không phù hợp.

Hiện nay còn tình trạng tồn tại các lớp chọn chính là việc đẩy tình trạng chạy theo thành tích, “gom” các em giỏi vào một lớp thì học sinh các lớp còn lại đương nhiên là học không tốt, không có động lực học, giáo viên không có động lực dạy, nên khó mà “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Muốn “học thật, thi thật, nhân tài thật” như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì rất cần sự chung tay, đồng lòng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cần có cơ chế, chính sách phù hợp.

Rất mong có thêm nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của nhân dân cả nước về chủ đề “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM