5 năm sau công bố chương trình mới vẫn thiếu giáo viên 2 môn, ai chịu?

22/03/2022 06:50
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tình trạng thiếu giáo viên một số môn học mới ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ diễn ra ở một vài địa phương mà diễn ra ở gần hết các tỉnh, thành.

Chiều ngày 28/7/2017, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua, đến ngày 27/12/2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua Chương trình môn học.

Như vậy, kể từ lúc Bộ thông qua Chương trình tổng thể đến thời điểm hiện nay thì cũng đã gần 5 năm trời nhưng khi các trường phổ thông bước vào áp dụng giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì nhiều môn học mới vẫn chưa có giáo viên.

Các địa phương vẫn còn khó khăn trong biệc bồi dưỡng, đào tạo và tuyển dụng giáo viên ở những môn học mới.

Tại sao Chương trình tổng thể, Chương trình môn học, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nằm trong quyền tự quyết và Bộ hoàn toàn chủ động được mà lại rơi vào tình cảnh “nước đến chân mới nhảy” như hiện nay? Trách nhiệm này thuộc về ai để đến khi triển khai giảng dạy các môn học mới thì nhiều địa phương lên tiếng là thiếu giáo viên?

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Nhiều địa phương rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên đối với những môn học mới

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì cấp tiểu học sẽ có thêm môn Tin học được dạy bắt buộc từ lớp 3 và môn tiếng Anh sẽ được dạy tự chọn từ lớp 1. Ở cấp trung học cơ sở có thêm môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp…

Đối với cấp trung học phổ thông có 2 môn học mới hoàn toàn và phải tuyển mới 100% giáo viên là môn Âm nhạc và Mĩ thuật.

Chính vì thế, đối với các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở thì có thể tận dụng đội ngũ giáo viên hiện có là Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí để dạy 2 môn học mới.

Cấp tiểu học thì môn Tiếng Anh dù có thiếu nhưng vẫn có thể tận dụng đội ngũ giáo viên tiếng Anh của nhà trường để có kế hoạch dạy môn học tự chọn này từ lớp 1.

Tuy nhiên, đối với môn Tin học ở tiểu học, môn Âm nhạc và Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông thì thiếu hoàn toàn, bắt buộc các địa phương, nhà trường phải tuyển dụng mới hoặc phải có kế hoạch điều chuyển giáo viên ở những cấp học khác dạy liên cấp.

Song, đây là một vấn đề rất khó vì số lượng cần cho các môn học này ở các nhà trường là rất lớn.

Nói về tình trạng thiếu giáo viên đối với những môn học mới trong năm học 2022-2023 tới đây thì ngày 19/3 vừa qua, Báo Người Lao động đưa tin:

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho hay khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7, 10 từ năm học 2022 - 2023, nguồn tuyển rất khó khăn, tỉnh thiếu giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở tiểu học, cấp trung học phổ thông thiếu giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật.

Trừ 3 trường phổ thông liên cấp, còn lại 43/46 trường trung học phổ thông của tỉnh này chưa có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật.

Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang còn thiếu 185 giáo viên dạy Tin học lớp 3 cho năm học 2022 - 2023. Tỉnh này cũng chưa có giáo viên dạy các môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Cấp trung học phổ thông, địa phương này chưa có giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật, đó là chưa kể đến việc lựa chọn tổ hợp các môn học theo chương trình mới đối với học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 còn nhiều bỡ ngỡ.

An Giang hiện cũng chưa có sách biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn tự chọn tiếng dân tộc (Khmer).

Nói về sự thiếu hụt giáo viên, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, cho hay một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp ở tiểu học.

Một số trường tiểu học chưa có giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh nên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ gặp khó khăn.

Cấp trung học phổ thông chưa có giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật, thiếu giáo viên bộ môn cục bộ trong 3 tổ hợp môn lựa chọn. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long cũng cho hay chưa giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông...”. [1]

Như vậy, tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học mới đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ diễn ra cá biệt ở một vài địa phương mà nó diễn ra trên một diện rộng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Nếu Bộ, Sở chủ động hơn về nhân lực các môn học mới

Việc thiếu giáo viên đối với những môn học mới cũng đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập, phản ánh khá nhiều - kể từ khi Bộ thông qua Chương trình tổng thể và Chương trình môn học.

Nếu như Bộ và các Sở Giáo dục chủ động thì tình trạng giáo viên dạy các môn học mới sẽ ít gặp khó khăn hơn nhiều.

Bởi lẽ, chúng ta đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục từ năm 2013; Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…

Và thực tế, Chương trình tổng thể thông qua vào năm 2017, Chương trình môn học được thông qua từ năm 2018 nhưng Bộ đã manh nha đưa các môn học mới này vào chương trình mới từ trước đó.

Thế nhưng, khi năm học 2021-2022 bước vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 thì các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở gần hết các địa phương gần như chưa được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo.

Đến ngày 21/7/2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.

Khi Bộ ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên các môn học này thì các địa phương còn tiếp tục xây dựng kế hoạch, tham mưu kinh phí và triển khai đến các nhà trường để bồi dưỡng giáo viên.

Trong khi, theo 2 quyết định này thì việc bồi dưỡng giáo viên tích hợp kéo dài từ 20-36 tín chỉ. Vì thế, phần lớn giáo viên dạy 2 môn học này ở các địa phương vẫn chưa được bồi dưỡng kiến thức các môn tích hợp - dù năm học lớp 6 đã đi hết 2/3 chặng đường.

Đối với môn Âm nhạc và Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông đến thời điểm này mà phần lớn các địa phương vẫn loay hoay tìm nguồn tuyển thì quả là rất nan giải.

Bởi, cả nước có khoảng 2.700 trường trung học phổ thông nên phải tuyển mới tương đương với 5.400 giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật nhưng đây là 2 môn đặc thù không dễ dàng tuyển dụng trong ngày một, ngày hai mà có được.

Ông bà ta xưa có câu: “Nước đến chân mới nhảy” nhưng trong hoàn cảnh chỉ còn mấy tháng nữa là môn Tin học ở lớp 3, môn Âm nhạc và Mĩ thuật ở lớp 10 sẽ chính thức được giảng dạy ở các nhà trường thì lúc này có lẽ “nhảy” cũng khó có thể kịp nữa rồi.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thieu-giao-vien-tram-trong-cho-nam-hoc-moi-20220318222804059.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN