5 môn 2,9 điểm thi đỗ vào lớp 10, nghịch lý vì sao tồn tại?

21/08/2020 06:40
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo công bố của nhiều tỉnh, điểm trúng tuyển lớp 10 công lập năm 2020 nhiều trường quá thấp khi chỉ lấy 2,9 điểm cho 3 môn thi (2 môn điểm nhân hệ số 2).

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa công bố mức điểm chuẩn vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập năm học 2020-2021, trong đó trường thấp nhất là 8,6 điểm.

Một số địa phương khác cũng có điểm chuẩn đầu vào lớp 10 khá thấp như tại Thanh Hóa, trong 55/88 trường Trung học phổ thông công lập có điểm chuẩn dưới 20 điểm.

Thậm chí, có những trường mà điểm chuẩn dưới 1 điểm 1 môn vẫn trúng tuyển vào lớp 10 công lập.

Điển hình như trường Trung học phổ thông Lang Chánh có điểm chuẩn là 2,9 điểm, điểm Toán và Văn nhân hệ số 2. Như vậy thí sinh chỉ cần đạt trung bình 0,58 điểm 1 môn là trúng tuyển.

Ngoài ra còn các trường lấy điểm chuẩn thấp từ dưới 5 điểm đến 9 điểm như Trường Trung học phổ thông Thường Xuân III lấy 4,6 điểm. Trường Trung học phổ thông Lê Lai: 5 điểm. Trường Trung học phổ thông Ba Đình: 6,3 điểm.

Được biết, không riêng trường Trường Trung học phổ thông Lang Chánh mà điểm chuẩn vào lớp 10 ở các huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa cũng thấp vì số học sinh dự thi không nhiều.

Thậm chí, có trường số chỉ tiêu tuyển vào còn lớn hơn số thí sinh dự thi, như vậy em nào thoát điểm liệt là trúng tuyển.

Theo công bố điểm chuẩn của các tỉnh thành trong cả nước, điểm trúng tuyển Trung học phổ thông nhiều trường thấp "tới đáy" khi chỉ lấy 0,58 điểm/môn thi.Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo công bố điểm chuẩn của các tỉnh thành trong cả nước, điểm trúng tuyển Trung học phổ thông nhiều trường thấp "tới đáy" khi chỉ lấy 0,58 điểm/môn thi.Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Tỉnh Hà Tĩnh có tới 19/36 trường Trung học phổ thông lấy điểm chuẩn ở mức 15 điểm.

Tại Cần Thơ, điểm chuẩn vào lớp 10 Trung học phổ thông Giai Xuân là 5,3, như vậy trung bình mỗi môn 1,06 điểm là trúng tuyển.

Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Trường Xuân có điểm chuẩn là 6,4, trung bình mỗi môn 1,28 điểm.

Trường Trung học phổ thông Thạnh Thắng có điểm chuẩn là 7,5, trung bình mỗi môn 1,5 điểm. Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh có điểm chuẩn là 8, trung bình mỗi môn 1,6 điểm.

Trường Trung học phổ thông Thới Long có điểm chuẩn là 9, trung bình mỗi môn 1,8 điểm là trúng tuyển vào lớp 10 công lập...

Ở Hà Nội, một số trường như Trung học phổ thông Đại Cường có mức điểm chuẩn là 12,5, trung bình mỗi môn thí sinh chỉ cần đạt 2,5 điểm là đỗ.

Ngoài ra còn có các trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng, Trung học phổ thông Minh Quang, Trung học phổ thông Bất Bạt có điểm chuẩn là 13, thí sinh cũng chỉ cần đạt 2,6 điểm mỗi môn.

Với Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn lớp 10 ở 4 trường Trung học phổ thông của huyện Cần Giờ chỉ là 16 điểm, trung bình thí sinh chỉ đạt 3-3,5 điểm 1 môn là đỗ.

Điều này khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn khi điểm thi vào lớp 10 trường công lập năm nay thấp như vậy thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao, liệu rồi tiếp theo không khéo là các em này cũng sẽ đỗ đại học?

Chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết:

“Việc phổ cập của chúng ta hiện nay đang tiến tới phổ cập trung học phổ thông.

Và điều lý tưởng nhất là đứa trẻ nào cũng được đi học, có nghĩa được học từ mầm non cho đến hết lớp 12 hoàn thành cấp phổ thông.

Nếu xét trên góc độ nhân văn của một nền giáo dục, khi những đứa trẻ được đi học thì chính là niềm hạnh phúc của nền giáo dục đó.

Khi chúng ta có cơ hội đào tạo các cháu, kể cả các cháu điểm thi thấp học lệch, có thể thấp ở môn này nhưng môn khác lại cao.

Tuy nhiên nếu nhìn ở góc độ các cháu đang lứa tuổi đi học đều được học tập, được giáo dục và về mặt kiến thức sau này là cả một câu chuyện, rồi đạo đức, nhân cách của một thế hệ được đào tạo trong môi trường chuyên biệt, đó mới là điều quan trọng.

Vì thế một số trường hợp đơn lẻ có điểm thi thấp sẽ không phản ánh được hết cả một quá trình giáo dục của một hệ thống.

Tuy nhiên những trường tuyển học sinh như vậy và chính các em đó đã vượt qua được rào cản tâm lý về lực học, nay lại được đi học thì đó cũng chính là hạnh phúc của các em và gia đình.

Hơn nữa là các trường đó lại được tiếp tục thực hiện sứ mệnh đào tạo, bản chất những trường đó nếu như không tuyển được học sinh thì họ sẽ không hoàn thành chỉ tiêu. Như vậy là sứ mệnh của trường không hoàn thành”.

Học sinh Trung học cơ sở tham dự buổi tư vấn du học nghề của Đức tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Học sinh Trung học cơ sở tham dự buổi tư vấn du học nghề của Đức tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Thầy Cường nêu quan điểm: “Tiến tới một xã hội học tập, người người nhà nhà đều học tập thì đứa trẻ có thể khuyết một môn này ở giai đoạn này, nhưng điều mà giáo dục về đạo đức, nhân cách, kỹ năng…trong một môi trường giáo dục thì sẽ tốt hơn nhiều so với không được đi học.

Chúng ta không nên quá khắt khe về câu chuyện điểm thi thấp như vậy mà vẫn được vào lớp 10 công lập.

Giờ những em đó không được đi học, tự ra ngoài xã hội với những tệ nạn, cám dỗ luôn rình rập trong khi các em chưa được chuẩn bị kỹ năng sẽ dẫn đến xa ngã thì điều đó còn chua xót hơn nhiều”.

Theo thầy Cường: “Những em có lực học tốt hơn đã được vào những trường tốp trên, có bề dày thành tích đào tạo.

Còn những trường ở tốp dưới rõ ràng là không có sự thu hút học sinh, trường nằm ở vùng sâu vùng xa nhưng được giao nhiệm vụ phải đào tạo công lập thì rõ ràng phải nhận những em học sinh như vậy để hoàn thành sứ mệnh đào tạo.

Còn nếu quay lại vấn đề lựa chọn thì liệu các trường tốp trên có nhận học sinh với điểm thi thấp như thế hay không?

Mà nếu nhận thì cũng không đủ chỗ mà học, như vậy thì cuộc đời những đứa trẻ đó sẽ đi về đâu?

Một điều nữa cần phải xem lại nhiệm vụ phân luồng của các trường Trung học cơ sở như hiện nay chưa được tốt, có nhiều em chưa học tốt ở những môn văn hóa thì rất cần sự định hướng chuyển sang giáo dục nghề nghiệp song song tại một số trường cấp 3.

Có thể vừa học văn hóa ở mức độ đủ đáp ứng nhu cầu tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhưng lại được đào tạo nghề cơ bản, điều đó sẽ hợp lý và có ý nghĩa với các em hơn so với việc cố học văn hóa.

Còn trường Trung học phổ thông mà lại đào tạo toàn những em có điểm văn hóa thấp như vậy thì chính là trường đó không hoàn thành được sứ mệnh đào tạo đã được giao phó”.

Điểm thấp những vẫn được đi học, đó là hạnh phúc?

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội cho rằng: “Điểm chuẩn là điểm tối thiểu để đỗ vào một trường Trung học phổ thông nhưng lại thấp như vậy.

Theo tôi đề tuyển sinh sẽ phân loại học sinh, và có những câu khó để phát hiện học sinh giỏi đạt 9-10 điểm mỗi môn.

Tuy nhiên, những câu hỏi khó phải ít hơn, những câu hỏi đáp ứng chuẩn Trung học cơ sở phải là phổ biến. Học sinh ở đây không đạt trung bình 4-5 điểm, thậm chí mỗi môn chỉ đạt 0,58 thì dư luận thấy xôn xao là đúng rồi”.

Thầy Khang nhấn mạnh: “Việc điểm chuẩn của mỗi vùng hay mỗi trường có điều kiện khác nhau thì sẽ khác nhau, chúng ta không thể lấy những vùng sâu, vùng xa khó khăn như thế này so sánh với những trường ở thành phố lớn”.

Cần làm tốt công tác phân luồng học sinh từ cấp Trung học cơ sở. Ảnh minh họa: Tùng dương.

Cần làm tốt công tác phân luồng học sinh từ cấp Trung học cơ sở. Ảnh minh họa: Tùng dương.

Đồng quan điểm với những chia sẻ trên, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội), cho biết khi trao đổi với với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo thầy Cường: “Các trường công lập ở vùng sâu, vùng xa khó khăn về điều kiện kinh tế, mang tiếng ở Hà Nội nhưng thực ra lại ở các vùng mới sát nhập, nhưng có chung tất cả là các trường này đều phải đảm bảo được kế hoạch của nhà nước là phổ cập giáo dục.

Theo quy định thì trường này có bao nhiêu lớp, bao nhiêu giáo viên và phải tuyển bao nhiêu em học sinh, phải tuyển đủ kế hoạch thì ngân sách mới chi xuống để nuôi cả bộ máy nhà trường.

Vậy làm sao có chuyện đã mở trường ra lại không có học sinh, đó là điều không thể chấp nhận được.

Tất cả đều theo kế hoạch đã đề ra từ trên xuống dưới, nhiều khi còn phải điều chuyển các em từ vùng lân cận đến để “cứu trường” nếu không có đủ học sinh.

Hiện nay chúng ta đang phấn đấu phổ cập Trung học phổ thông, còn từ Trung học cở sở đổ xuống thì đã làm từ lâu rồi, chính vì vậy mà những vùng khó khăn còn phải vận động các em đi học”.

Thầy Cường chia sẻ: “Tôi thấy như bên nước Đức họ làm rất tốt công tác phân luồng, từ Tiểu học họ đã định hướng và lên Trung học cơ sở họ căn cứ trên lực học để có hướng bồi dưỡng những em có tố chất học văn hóa.

Còn với nhưng em học lực không đều sẽ hướng theo năng khiếu, sở thích để có định hướng sát hơn, có thể học nghề cơ khí, sửa chữa ô tô hoặc điện tử…Như vậy xã hội của họ sẽ có những người thợ ra thợ và những nhà khoa học đúng nghĩa.

Nhưng việc học nghề của ta hiện nay lại không thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cũng rất khó có thể triển khai đồng bộ trong nhà trường, có thể nói đây là lỗi hệ thống.

Hơn nữa với các vùng sâu vùng xa thì việc học nghề cũng chưa thuận tiện, hệ thống trường nghề chưa ổn định, chưa tạo được niềm tin cho các em học sinh và xã hội.

Nếu ở thành phố lớn đã đành, nông thôn miền núi thì biết học nghề gì? Làm sao các em học sinh biết được mà chọn lựa học ở đâu và học thế nào, nhiều khi định hướng nghề nhưng lại không hợp với địa phương.

Hiện nay các trường nghề đã gộp lại, nhiều khi cả tỉnh mới có 1 trường mà muốn theo học lại phải ở nội trú, rồi ăn uống chi phí thêm thì lấy tiền ở đâu ra, thôi đành cứ cố cho con học văn hóa rồi tính sau và như vậy lại là một vòng luẩn quẩn”.

Tùng Dương