5 đề xuất giảm áp lực cho giáo viên trong thời gian dạy trực tuyến

01/12/2021 07:03
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên đang soạn mỗi tuần hơn chục giáo án cả PowerPoint và giáo án Word nên rất khó đòi hỏi về chất lượng cao trong những giờ dạy trực tuyến hiện nay.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến khá phức tạp ở nhiều địa phương nên thời điểm này cả nước chỉ còn có 9 địa phương dạy học trực tiếp, đó là: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hoá, Yên Bái, Hà Giang.

Việc phần lớn các địa phương chuyển sang dạy trực tuyến, hoặc kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp sẽ khiến cho các nhà trường, giáo viên và học sinh gặp rất nhiều khó khăn và áp lực.

Vì thế, theo quan điểm của chúng tôi thì những địa phương không thể dạy và học trực tiếp được chỉ cần tập trung vào hoạt động dạy và học.

Lãnh đạo ngành, nhà trường cần có những định hướng, tư vấn giáo viên soạn giảng, thực hiện hồ sơ theo hướng tinh gọn nhất, giảm nhẹ các yêu cầu về hồ sơ sổ sách và những hoạt động như dự giờ, thao giảng trực tuyến, ôn thi học sinh giỏi, thi giáo viên giỏi.. cũng nên tạm ngừng khi mà thầy trò chưa thể đến trường học trực tiếp.

Việc dạy trực tuyến đang khiến cho nhiều giáo viên quá tải (Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn)

Việc dạy trực tuyến đang khiến cho nhiều giáo viên quá tải (Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn)

Những công việc không tên đang chi phối quá nhiều thời gian của giáo viên

Suốt nhiều tháng qua, những thầy cô giáo đang công tác ở các tỉnh phía Nam rất vất vả và áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Họ phải tham gia tập huấn liên miên về các phần mềm dạy học, kiểm tra trực tuyến từ cấp trường cho đến cấp Bộ triển khai.

Bên cạnh đó là tập huấn module 4 và theo dự kiến thì giáo viên chuẩn bị tập huấn module 5 vào giữa tháng 12 này. Mỗi module chiếm mất rất nhiều thời gian của giáo viên, nhất là nhiều thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn luôn phải cáng đáng phần bài tập cho các tổ viên khi kết thúc các module…

Những môn học mới ở cấp trung học cơ sở cũng làm cho nhiều thầy cô tổ trưởng đau đầu khi cùng với các tổ trưởng khác và Ban giám hiệu phân chia thời gian giảng dạy, tỉ lệ các bài kiểm tra và đưa ra những giải pháp khi có những bất cập phát sinh trong quá trình giảng dạy.

Bên cạnh đó, các loại hồ sơ sổ sách vẫn phải thực hiện như trong điều kiện bình thường, giáo viên vẫn phải chuẩn bị đầy đủ các loại hồ sơ, tổ trưởng chuyên môn vẫn thường xuyên kiểm tra các chuyên đề nội bộ theo kế hoạch nhà trường phân công.

Thao giảng, dự giờ trực tuyến vẫn triển khai từ đầu năm đến nay không hề bỏ bớt hoạt động nào. Nhiều trường vẫn quy định số tiết dự giờ của giáo viên/ học kỳ.

Những thầy cô chủ nhiệm bên cạnh những hoạt động thông thường như mọi khi thì liên tục phải báo cáo tình hình dịch bệnh, nhập các loại hồ sơ tiêm ngừa cho học sinh, đến nhà để phát tài liệu cho những học sinh không thể tham gia học trực tuyến…

Các khoản tiền đóng góp, tiền phí tin nhắn điện tử và nhiều khoản tiền trường khác cũng đòi hỏi giáo viên cũng phải hoàn thành theo thời gian dù trong điều kiện học tập trực tuyến không thể đến trường.

Những thầy cô tổ trưởng, tổ phó chuyên môn cũng xoay như chong chóng với các kế hoạch mới, môn học mới và kiểm tra hồ sơ sổ sách của giáo viên, duyệt giáo án hàng tháng theo quy định…

Những công việc không tên ấy dù nó không cụ thể nhưng mất rất nhiều thời gian trong tuần của nhiều giáo viên. Tất nhiên, khi phải chi phối thời gian cho nhiều công việc khác thì việc đầu tư cho giờ dạy sẽ bị vơi bớt đi là điều chắc chắn.

Nhiều giáo viên đang soạn mỗi tuần hơn chục giáo án cả PowerPoint và giáo án Word nên rất khó đòi hỏi về chất lượng cao trong những giờ dạy trực tuyến hiện nay- đó là một sự thật.

Giảm những công việc không tên, giảm những hồ sơ sổ sách không cần thiết là điều mà ngành giáo dục các địa phương, các nhà trường phải hướng đến trong lúc này. Chúng ta không thể yêu cầu giáo viên đóng quá nhiều vai trong cùng một thời điểm được- nhất là điều kiện khó khăn như hiện nay.

Giảm áp lực cho giáo viên lúc này là rất cần thiết

Sau gần 3 tháng dạy học trực tuyến nhiều thầy cô giáo đã thấm mệt, nhất là những thầy cô kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn và giáo viên chủ nhiệm lớp ở các nhà trường. Họ đang thực sự quá tải về công việc.

Vì thế, theo quan điểm của người viết, ngành giáo dục địa phương cần giảm tải những nội dung sau:

Thứ nhất: hoạt động dự giờ trực tuyến cũng cần thiết nhưng không nên quy định số tiết bắt buộc trong lúc này. Hãy khuyến khích giáo viên trong trường có thể tự nguyện dự giờ lẫn nhau để học hỏi kinh nghiệm dạy trực tuyến. Sau mỗi tiết dự giờ, có thể giáo viên tự rút kinh nghiệm với nhau, không đánh giá tiết dạy.

Việc dự giờ trực tuyến là cần thiết đối với những giáo viên còn yếu công nghệ thông tin, chưa thành thạo soạn giảng và trình chiếu bài giảng nên chúng tôi dùng từ “khuyến khích” để giáo viên có thể dự giờ và học hỏi kinh nghiệm, phương pháp dạy học trực tuyến.

Việc dự giờ của ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn cũng chỉ nên dừng lại ở việc nắm bắt tình hình giáo viên trong trường, trong tổ, nhất là đối với những giáo viên sử dụng công nghệ thông tin chưa tốt và những giáo viên mới vào nghề, mới dạy khối mới.

Từ đó, có thể nắm bắt tình hình thực tế, tư vấn cho giáo viên những điểm còn hạn chế để khắc phục trong quá trình giảng dạy.

Thứ hai: tạm dừng các hoạt động kiểm tra nội bộ bởi trong điều kiện dạy trực tuyến thì điều quan trọng nhất là tiết dạy trên lớp. Như chúng tôi đã đề cập ở phần trên, ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn chỉ cần nắm bắt tình hình giảng dạy trên lớp là được và nó đã bao hàm tất cả.

Thực ra, quanh đi quẩn lại của việc kiểm tra nội bộ cũng chỉ là hồ sơ sổ sách hoặc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên nên nó không cần thiết trong lúc này.

Hơn nữa, nhiều khi kiểm tra xong, làm biên bản kiểm tra thì phải có chữ ký của giáo viên nhưng những tháng đầu năm học vừa qua thì việc lấy được chữ ký của giáo viên cũng là vấn đề nan giản vì nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội…

Thứ ba: khi đã dạy trực tuyến thì các nhà trường chỉ cần yêu cầu giáo viên soạn giáo án PowerPoint để giảng dạy hàng ngày, không cần thiết phải soạn và in thêm giáo án Word.

Bởi, việc giảng dạy trên lớp hàng ngày thì bắt buộc giáo viên phải trình chiếu giáo án PowerPoint nên việc quy định ký duyệt giáo án Word 2 tuần 1 lần là không thực sự cần thiết. Áp lực cho giáo viên và cho cả tổ trưởng chuyên môn.

Thứ tư: đối với những địa phương đang phải dạy và học trực tuyến thì Sở Giáo dục nên chủ trương dừng hẳn một số phong trào, hội thi của cả giáo viên và học sinh, như: thi giáo viên chủ nhiệm giỏi; thi giáo viên dạy giỏi; kể chuyện online; thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9

Thứ năm: giảm chế độ hội họp trong trường, trong tổ chuyên môn và những cuộc giao ban không cần thiết. Các trường học không nên cứ chăm chăm vào quy định mỗi tháng thì tổ chuyên môn phải họp 2 lần và ghi biên bản đầy đủ.

Hiện nay, giáo viên nào cũng có zalo, có gmail nên những lúc không cần thiết họp tập trung thì chỉ cần 1 tin nhắn, 1 email là nhà trường, tổ trưởng có thể thông báo, triển khai công việc đến giáo viên trong trường, trong tổ.

Giảm những việc không tên, những hoạt động giáo dục mang tính hình thức, vô bổ để giáo viên tập trung vào những công việc trọng tâm là giảng dạy, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên, tập trung cho công tác chủ nhiệm…mới là điều quan trọng trong lúc này.

Giáo viên không sợ khó, sợ khổ bởi họ cũng đã quá quen thuộc những công việc này nhưng trong bối cảnh hiện nay thì việc soạn giảng giáo án, làm đề, chấm bài kiểm tra trực tuyến đã khiến họ quá tải.

Trong khi, một số hoạt động mang tính hình thức, máy móc, có cũng được mà không có cũng chẳng sao thì ngành nên giảm bớt hoặc tạm ngưng cho giáo viên bởi đó là những điều mà giáo viên mong đợi và cũng cần thiết ở lúc này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN