3 lý do khiến điểm thi Ngữ văn năm nay cao bất thường

31/08/2020 06:05
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chưa có một đề thi Ngữ văn xứng tầm thì việc đánh giá học sinh không lấy gì làm minh xác.

Ngày 27/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi tốt nghiệp năm 2020, trong đó Ngữ văn là một trong những môn có điểm trung bình cao bất thường so với kì thi trung học phổ thông quốc gia của những năm về trước.

Cụ thể, có 830.764 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6,62 điểm; điểm trung vị là 6,75 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm; đặc biệt có 2 thí sinh đạt điểm 10.

Trong khi đó, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019, môn Ngữ văn có điểm trung bình là 5,49; năm 2018 là 5,45 điểm, còn năm 2017 là 5,51 điểm. [1], [2]

Theo tôi, điểm thi môn Ngữ văn năm nay cao bất thường là do 3 nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, năm học 2019-2020 là một năm học thật đặc biệt vì học sinh cả nước phải nghỉ học liên tục để phòng dịch Covid-19.

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh lớp 12 học tập hết chương trình cơ bản và dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đúng tiến độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã linh động giảm tải một số đơn vị kiến thức.

Với môn Ngữ văn, một số tác phẩm được giảm tải là: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)… nên học sinh có thời gian ôn tập kĩ những tác phẩm còn lại. [3]

Chưa kể, hai tác phẩm Đàn ghi-ta của Lorca (Thanh Thảo) và Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) ở chương trình Giáo dục thường xuyên là phần đọc thêm nên giáo viên cũng chỉ dạy đủ số tiết phân phối theo quy định.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Thứ hai, hầu như giáo viên đều khoanh vùng được một số tác phẩm trọng tâm giúp học sinh ôn thi như: Việt Bắc (Tố Hữu), Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh), Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân)…

Sở dĩ, giáo viên cho học sinh ôn tập kĩ những tác phẩm này, bởi có tác phẩm đã được ra cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019 (Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường), hoặc tác phẩm dùng làm đề minh họa (Tây Tiến – Quang Dũng; Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)…

Điều đáng nói là, giáo viên và học sinh rất chú trọng đoạn trích Đất Nước – trích trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Đây là đoạn trích khá dài, có thể chọn nhiều đoạn thơ ra để thi và đất nước cũng là đề tài mà tuổi trẻ phải hướng tới trong lúc Covid-19 đang hoành hành – rất cần mọi người đoàn kết, chung tay góp sức cùng đẩy lùi dịch bệnh.

Cho nên, khi đề thi Ngữ văn ra một đoạn trích trong Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) thì học sinh coi như “trúng tủ”, thở phào nhẹ nhõm và giáo viên cũng không có gì bất ngờ.

Thứ ba, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn quen thuộc, đáng chú ý là những câu hỏi của phần đọc hiểu quá dễ cũng giúp học sinh có thể đạt được điểm tuyệt đối cho phần này (3 điểm).

Ngữ liệu phần đọc hiểu cho một trích đoạn “Cách sống, từ bình thường trở nên phi thường” – Inamori Kzuo, và yêu cầu học sinh trả lời cho 4 câu hỏi nhỏ.

Câu 1, xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích, hầu hết học sinh đều trả lời đúng để lấy 0,5 điểm vì các em đã được luyện tập nhuần nhuyễn ở trên lớp.

Câu 2, câu 3 (1,5 điểm) học sinh chỉ cần làm thao tác chép một đoạn từ ngữ liệu ra giấy thi là lấy được điểm trọn vẹn mà không cần phải tư duy, suy nghĩ nhiều.

Câu 4, (1 điểm) hỏi học sinh có đồng tình với nhận định “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai” không, vì sao.

Các em chỉ cần viết đồng tình hoặc không đồng tình là được 0,25 điểm và lí giải sao cho hợp lí thì được thêm 0,75 điểm nữa.

Sau khi biết điểm thi môn Ngữ văn, thầy cô và các em học sinh trên cả nước đều vui mừng, phấn khởi vì điểm thi cao ngoài mong đợi, thậm chí nhiều giáo viên còn đua nhau khoe thành tích viên mãn.

Riêng cá nhân tôi cảm thấy băn khoăn và có chút thoáng buồn vì kì thi hai trong một – vừa sử dụng điểm thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học – nhưng phổ điểm môn Ngữ văn không có sự phân hóa rõ nét của một kì thi tuyển đúng nghĩa.

Đành rằng học Ngữ văn là học tiếng Việt nhưng điểm thi phải phân hóa ở ngưỡng từ 6,5 điểm trở lên thì mới đánh giá chính xác năng lực của từng thí sinh.

Đằng này, kì thi năm nay thí sinh có điểm thi nhiều nhất là 7 điểm và dao động ở mức 6 đến 7 điểm thì đề thi rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu thi tuyển.

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở phía Nam sau khi chấm thi xong đều có chung nhận xét, thí sinh học thuộc bài hơn là thể hiện được kĩ năng làm bài cần có của môn Ngữ văn.

Giám khảo chấm nhiều bài na ná nhau bởi thí sinh đều học thuộc lòng từ một đề cương mà thầy cô soạn sẵn nên cảm giác rất nhàm chán, hụt hẫng - rất ít em có suy nghĩ độc lập, chưa nói đến sáng tạo.

Từ năm 2018, sau kì thi trung học phổ thông quốc gia, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của tôi bình luận về cách ra đề thi môn Ngữ văn ở phần đọc hiểu.

Bài viết “Đề thi môn Ngữ văn 2018 đã đủ sức “đánh thức tiềm lực” ở tuổi trẻ?”, tôi đã thẳng thắn chỉ ra,việc thiết kế các câu hỏi ở phần đọc hiểu quá mức dễ dãi đã làm mất đi chất “văn” vốn có của bộ môn này.

Trong đó, có những câu hỏi chỉ nên dành cho học sinh tiểu học, không thể hỏi như thế đối với các em lớp 12 (18 tuổi) vì tất cả đã “sạch nước cản” với tiếng mẹ đẻ. [4]

Và phần đọc hiểu của đề thi môn Ngữ văn năm nay cũng thế, cách hỏi vẫn chẳng hơn kém gì – nếu không muốn nói là gần như cho không điểm.

Để thay đổi căn bản đề thi môn Ngữ văn vẫn còn là một câu chuyện dài vì liên quan đến chương trình, quan điểm tiếp cận môn học…

Thế nhưng, tôi vẫn khẳng định rằng, cách thiết kế câu hỏi cho phần đọc hiểu – như đã dẫn, rõ ràng đã có một sự nhầm lẫn rất lớn trong việc dán nhãn phương pháp dạy của môn ngoại ngữ.

Và chừng nào chưa có được một đề thi Ngữ văn xứng tầm thì việc đánh giá học sinh không lấy gì làm minh xác.

Tài liệu tham khảo:

[1] //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/mon-van-chi-co-2-diem-10-tren-tong-so-hon-830000-thi-sinh-du-thi-20200827070652448.htm

[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/diem-trung-binh-mon-ngu-van-ky-thi-thpt-quoc-gia-nam-2019-la-5-49-549897.html

[3] //drive.google.com/file/d/1fiwPuiQK_Ru1xD10vCe1ah3x2qgH9lAg/view

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-thi-mon-ngu-van-2018-da-du-suc-danh-thuc-tiem-luc-o-tuoi-tre-post187712.gd

Thạc sĩ Phan Thế Hoài