3 chung: “nợ xấu” của ngành giáo dục

09/12/2012 06:04
Theo Song moi
Phương thức thi “3 chung” đối với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ đã được Bộ GD&ĐT áp dụng liên tục từ 10 năm nay. Theo lãnh đạo nhiều trường, phương thức này không còn hợp với xu thế phát triển của xã hội và thế giới, cần phải thay đổi. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2013 “hứa hẹn” vẫn như cũ.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh 2013, Bộ vẫn giữ phương thức “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả), không bổ sung thêm khối thi. Thời gian thi vẫn ấn định 3 đợt (2 đợt thi ĐH và đợt thi CĐ).
Mặc dù hình thức thi “3 chung” nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà quản lý cho tới dư luận, nhưng đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa tìm ra được một phương pháp tối ưu để giải quyết.


Theo vị lãnh đạo một ĐH lớn tại TPHCM, khi nào “3 chung” còn tồn tại thì khi đó, quyền tự chủ của các trường trong việc tuyển sinh vẫn còn bị hạn chế. Đơn cử nguyên chuyện thời gian thực hiện tuyển sinh bằng xét tuyển, rất nhiều trường CĐ rơi vào tình trạng bị động vì thí sinh đua nhau nộp hồ sơ hết trường này rồi lại trường khác, tình trạng thí sinh ảo khiến nhiều cán bộ tuyển sinh “điên đầu”. Không chỉ thế, các trường không thuộc hàng “top” phải liên tục hạ chuẩn và chất lượng tuyển vì thế ngày càng có chiều hướng giảm.
Nhiều trường như ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), ĐH Quảng Nam, ĐH Phú Yên, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), ĐH Đà Lạt, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế... và hàng loạt trường ngoài công lập khác trong luôn xảy ra tình trạng không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Bên cạnh nguyên nhân chất lượng đào tạo, uy tín của nhà trường dường như đã bớt thuyết phục thì đây là hệ lụy của việc tuyển sinh “3 chung”.
Thực chất, Bộ GD&ĐT cũng nắm rõ được vấn đề này, nhưng vẫn chậm thay đổi, với lý do tìm giải pháp… khó quá. Các trường vẫn lên án “3 chung”, nhưng khi được hỏi liệu có cách gì thay đổi không, thì vẫn tặc lưỡi “3 chung”… ổn nhất.
Hai trường ĐH lớn trên cả nước là ĐH Quốc Gia TPHCM và ĐH Quốc Gia HN đã đưa ra muôn vàn khó khăn khi xây dựng được phương án tuyển sinh riêng như: kết quả thi của TS thi tại các trường ra đề riêng với các trường ĐH, CĐ còn lại trong hệ thống sẽ như thế nào, có được công nhận hay sử dụng đối với các trường khác hay không? Hình thức tổ chức và đợt thi sẽ ra sao? Thi không trúng tuyển, thì kết quả có được công nhận để đăng ký tiếp nguyện vọng hay không? Thật lạ! Họ hỏi dân, nhưng dân biết hỏi ai? Đến chuyên gia còn bó tay thì dân cũng bó… chân. Như vậy, ít nhất từ nay cho tới năm 2015, các ban ngành giáo dục vẫn tiếp tục nợ dân một sự đổi mới.
ĐH Quốc gia TPHCM vừa trình Bộ GD&ĐT phương án tuyển sinh, theo đó, thay vì thi ĐH 3 môn như hiện nay sẽ là 5 môn là: Toán, tiếng Việt, Khoa học tự nhiên (gồm kiến thức các môn lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (văn, sử, địa), tiếng Anh và năng khiếu (dành cho các trường nghệ thuật, thể thao). Trong đó hai môn Toán và tiếng Việt thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan và tự luận (phần tự luận chiếm 30% tổng số điểm), các môn còn lại thi trắc nghiệm. Đề thi được xây dựng theo hướng tiêu chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực của sinh viên cũng như các kỹ năng cần thiết cho việc học ĐH.
Không chỉ việc thi tuyển mà công tác xét tuyển cũng được đề xuất thay đổi. Theo đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực có thể được sử dụng là tiêu chí xét tuyển hoặc kèm thêm các điều kiện khác tùy vào điều kiện của từng trường như xét học bạ phổ thông, kết quả thi tốt nghiệp THPT, viết bài luận, kết quả hoạt động cộng đồng...
Theo Song moi