3 bước đơn giản để làm bài thi môn Giáo dục công dân hiệu quả

27/04/2020 06:20
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Về phương pháp làm bài thi, học sinh cần đọc kỹ câu hỏi để xác định "từ khóa”, tuân thủ quy tắc "dễ trước khó sau”.

Theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 mới nhất, kỳ thi dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên và bài thi tổng hợp Khoa học Xã hội.

Trong đó, bài thi Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp của 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Bài thi Khoa học xã hội đối với thí sinh Trung học phổ thông gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân và đối với thí sinh giáo dục thường xuyên gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử, Địa lí.

Các em hãy hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Ảnh minh họa: Hồng Vân
Các em hãy hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Ảnh minh họa: Hồng Vân

Như vậy, thí sinh Trung học phổ thông phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Vì vậy để làm tốt bài thi tự chọn Khoa học xã hội, thí sinh phải làm tốt các câu hỏi của từng môn thi.

Để giúp học sinh làm tốt môn thi Giáo dục công dân, cô giáo Ngô Thị Thảo – giáo viên Giáo dục công dân – Trường Trung học phổ thông Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ một số phân tích, lưu ý về phương pháp ôn bài, kỹ năng khi làm bài để học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp tới đây.

Về phương pháp ôn bài, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa lớp 10, 11 và 12; hiểu rõ và phân biệt được các thuật ngữ đặc thù, các "từ khóa" của từng nội dung để làm căn cứ chọn phương án trả lời đúng nhất.

Cùng với đó, các em hãy hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy; thường xuyên luyện tập trắc nghiệm để củng cố kiến thức đã học.

Môn Giáo dục Công dân là môn học có sự gắn kết chặt chẽ với cuộc sống vì xoay quanh mối quan hệ công dân với nhà nước, pháp luật.

Bộ Giáo dục lý giải về việc thay đổi phương án thi quốc gia
Bộ Giáo dục lý giải về việc thay đổi phương án thi quốc gia

Vì vậy, các em nên chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng để vận dụng giải quyết các câu hỏi tình huống mang tính thực tiễn.

Về phương pháp làm bài thi, học sinh cần đọc kỹ câu hỏi để xác định "từ khóa”, tuân thủ quy tắc "dễ trước khó sau”.

Từ khóa chính là mấu chốt để thí sinh giải nhanh các câu trắc nghiệm cũng như tránh việc hiểu sai đề bài.

Khi đọc câu hỏi, các em nên tìm ra từ khóa, định hướng câu hỏi liên quan tới vấn đề gì và tìm đáp án chính xác. Điều này không chỉ đúng với môn Giáo dục công dân mà cũng là phương pháp cần có khi làm bài thi các môn khác.

Với các câu hỏi còn phân vân, các em hãy sử dụng phương pháp loại trừ phù hợp nhất. Một câu hỏi sẽ có 4 đáp án và nội dung thường "na ná" nhau. Tuy nhiên không phải không có cách giúp các em loại trừ.

Những lúc này, hãy thử tìm đáp án sai thay vì đáp án đúng từ đó các em sẽ loại trừ được bớt phương án phân vân. 

Khi không còn cơ sở để loại trừ nữa thì các em có thể dùng phương pháp phỏng đoán. Các em nhận thấy phương án nào khả thi hơn, đủ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời.

Từ các phân tích trên, cô Thảo cụ thể hóa thành 3 bước khi làm bài.

Bước 1: đọc kỹ phần dẫn để xác định các chủ thể vi phạm (không vi phạm pháp luật); các hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý.

Bước 2: đọc kỹ câu hỏi (thường ở cuối phần dẫn) để xác định vấn đề câu hỏi đề cập đến, tránh để phần dẫn của câu làm cho bị nhiễu.

Bước 3: loại trừ những chủ thể, hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý mà câu hỏi không đề cập đến và cuối cùng là chọn đáp án đúng. Các em nên gạch chân những dữ liệu quan trọng để trả lời chính xác câu hỏi.

Cô Thảo cũng lưu ý học sinh tránh mắc các sai lầm khi làm bài thi như không đọc kỹ đề, không xác định được ‘‘từ khóa" trong câu hỏi.

Đặc biệt, các em không nên dừng quá lâu ở một câu, cần tính toán, phân bổ thời gian hợp lý.

Đỗ Thơm