2 loại thuế mà nhà đầu tư giáo dục đặc biệt quan tâm

09/11/2019 07:12
Tùng Dương
(GDVN) - Nhà nước quan tâm hơn nữa để khuyến khích xã hội hóa, thì với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dù nội hay ngoại thành thì cũng miễn hẳn tiền thuế sử dụng đất.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội, chiasẻ quan điểm về 2 loại thuế trong lĩnh vực đầu tư Giáo dục:

"Tôi rất hoan nghênh Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm về chính sách thuế đối với các trường tư thục, điều này liên quan đến việc đầu tư cho hệ thống các trường ngoài công lập.

Thuế thì có nhiều loại, nhưng đối với các nhà đầu tư vào Giáo dục thì có 2 loại thuế mà chúng tôi rất quan tâm.

Nói về thuế sử dụng đất thì từ Nghị định số 73 năm 1999, đó là Nghị định xã hội hóa các lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Thể thao và lúc đó mới có 4 lĩnh vực.

Trong chính sách sử dụng đất thì Nghị định có nói rằng sẽ giao đất cho các trường và không thu thuế sử dụng, đó là một việc rất thiết thực.

Nghị định mà có được chủ trương như vậy là bật đèn xanh rất quan trọng cho các nhà đầu tư vào Giáo dục ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh."

Video: 2 loại thuế mà nhà đầu tư giáo dục đặc biệt quan tâm.

"Nhưng thực tế cho đến bây giờ ở thành phố lớn và cụ thể là Hà Nội thì vận dụng có khác, khác ở chỗ là tùy thuộc vào quận nội thành hay ngoại thành, nếu như ở quận nội thành thì không được miễn hẳn, mà nhà đầu tư vẫn phải trả 40% tiền thuế sử dụng đất, và sẽ được miễn 100% nếu như khu đất xây trường đó nằm ở huyện ngoại thành.

Như vậy là chính sách của nhà nước khi xuống đến địa phương đã có tính địa phương và vận dụng khác đi rồi.

Tôi là một nhà giáo và cũng đã đầu tư vào một dự án Giáo dục, tôi xây dựng trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Marie Curie, ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Thời điểm tôi đầu tư vào dự án này thì nó nằm ở giai đoạn được miễn tiền sử dụng đất 100%, thời điểm sau năm 2014 thì chính sách lại khác, đối với Hà Nội thì các trường đầu tư mới ở trong nội thành sẽ phải đóng 40% tiền thuế sử dụng đất.

40% tiền thuế sử dụng đất là một khoản tiền rất lớn đối với trường học, nếu là doanh nghiệp xây chung cư, bất động sản thì chuyện thuế đó không khó, cho dù là phải nộp 100%. Nhưng trường học là 40% thôi thì chúng tôi cũng phải đối diện với khoản thuế không nhỏ.

2 loại thuế mà nhà đầu tư giáo dục đặc biệt quan tâm ảnh 1

Nếu được quan tâm đầy đủ, Giáo dục tư thục mạnh biết chừng nào

Khoản thuế thứ 2 mà các nhà đầu tư như chúng tôi cũng rất quan tâm, đó là thuế thu nhập doanh nghiệp, từ trước đến nay chưa có văn bản nào từ Trung ương, Chính phủ, đến bộ, ngành…địa phương, coi trường học như là một doanh nghiệp.

Nhưng trong thực tế, khi ngành thuế vào các trường học để tính thuế thì luật bất thành văn, họ áp dụng thuế và vận dụng các chính sách thuế cũng tương tự như một doanh nghiệp, đó là thực tế hiện nay và chúng tôi cũng như các trường tư thục cũng chấp nhận một cách vui vẻ.

Cho đến bây giờ thuế suất đó vẫn áp dụng cho các trường tư thục là 10% thì tôi thấy cũng chấp nhận được.

Bây giờ đặt vấn đề là mong chính sách nhà nước ưu đãi hơn nữa, ví dụ như giảm thuế suất từ 10% xuống 5% hoặc thậm chí 0%, liệu có được không?

Tôi nghĩ nếu được thì rất là tốt cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, còn nếu không được thì các trường vẫn hoạt động được. Mà tôi thấy cũng phải thôi, nếu như mình có thu nhập 100 triệu, mình nộp thuế cho nhà nước 10 triệu thì cũng rất tốt.

Tôi nghĩ rằng với 2 loại thuế là thuế sử dụng đất và thuế thu nhập doanh nghiệp thì cho đến bây giờ, nếu nhà nước quan tâm hơn nữa để khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, thì đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cho dù nội thành hay ngoại thành thì cũng miễn hẳn tiền thuế sử dụng đất là tốt nhất."

Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Chính sách thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục”.

Tới dự tọa đàm có chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội).

Thầy Nguyễn Anh Tuấn và cô Đàm Thùy Dương - đại diện Trường phổ thông liên cấp Wellspring Hà Nội.

Cô Nguyễn Hồng Nhung - Kế toán trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Cô Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giáo dục và Đào tạo phát triển kỹ năng sống Minh Trí (tỉnh Quảng Ninh).

Tùng Dương