2 Bộ im lặng vụ chứng chỉ, giáo viên mong Chính phủ quyết liệt chỉ đạo

30/05/2021 06:48
Đỗ Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I khi chuyển sang hạng II.

Ngày 19/3/2021, Văn phòng Chính phủ ra công văn số 1797/VPCP-TCCV nêu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ liên quan có báo cáo đề xuất phương án cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua. Thời hạn báo cáo trong tháng 3/2021.

Nhiều giáo viên rất vui mừng khi Chính phủ đã có ý kiến kịp thời về những bất cập về sự lãng phí của chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong ngành giáo dục.

Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông, nhiều địa phương đã tiến hành rà soát văn bằng, chứng chỉ để chuyển xếp lương theo tinh thần của chùm thông tư ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này khiến cho nhiều thầy cô khá tâm tư.

(Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

(Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Căn cứ vào công văn 971/BGDDT-NGCBQLGD ngày 12/3/2021 của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, tại một số trường học trên cả nước, nhiều giáo viên vẫn tiếp tục đăng ký vào các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp vì họ sợ Bộ Giáo dục và Đào tạo không thay đổi quan điểm như trước đây.

Tại tỉnh Sóc Trăng, ngày 29/4/2021 Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 891/SGDDT-TCCB về việc tham gia bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các thông tư số 01,02,03,04/TT-BGDDT. Nội dung của hướng dẫn này căn cứ tinh thần của công văn 971/BGDDT-NGCBQLGD.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng cũng lưu ý: đối với giáo viên trung học cơ sở có chức danh nghề nghiệp hạng I cũ, mã số V.07.04.10 (hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38) chưa đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn (chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II,…) theo quy định tại Điều 5 Thông tư 03/2021/TT-BGDDT sẽ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II mã số V. 07.04.31 (hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38).

Vì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II mới hiện cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trung học cơ sở hạng II.

Từ công văn hướng dẫn này, nhiều giáo viên còn boăn khoăn đó là những giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số: V.07.04.10) chưa có trình độ thạc sĩ sẽ bị rớt sang hạng II (mã số V.07.04.31), vậy có cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II hay không? Nếu không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II thì có bị rớt xuống hạng III?

Căn cứ vào khoản 3, Điều 9, thông tư 03/2021/TT-BGDDT, “Trường hợp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng I (mã số V.07.04.30) nên được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I (mã số V.07.04.30) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng”.

Tại công văn 971/BGDDT-NGCBQLGD đã hướng dẫn cụ thể về điều kiện phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên các hạng, tuy nhiên giáo viên hạng I khi chuyển sang hạng II thì không có hướng dẫn.

Đem vấn đề này trao đổi qua điện thoại với một chuyên viên của Cục Nhà giáo, vị cán bộ này cho biết hiện tại đối tượng này chưa cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II vì các thầy cô này có điểm khác so với các hạng giáo viên khác.

Nếu sau này các thầy cô bổ sung bằng thạc sĩ chuyên môn hoặc quản lý giáo dục thì sẽ được chuyển sang giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) mà không cần phải thi/xét tuyển thăng hạng viên chức.

Cũng theo vị này thì sẽ không có chuyện giáo viên hạng I đã rớt xuống hạng II rồi lại tiếp tục rớt xuống hạng III. Do đó vấn đề này các địa phương sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn.

Kể từ khi chùm thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDDT ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời, nhiều bất cập của nội dung thông tư đã được các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo lên tiếng, đặc biệt là chuyện rớt hạng của giáo viên trung học cơ sở hạng I nếu không có bằng thạc sĩ, nay lại chuyện chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của đối tượng này.

Thông tư 03/2021/TT-BGDDT ra đời, ngoài việc quy định bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và tạo điều kiện xếp lương cho giáo viên trung học cơ sở ở một mức cao hơn đã bỏ quên quyền lợi của hàng trăm giáo viên trung học cơ sở hạng I đã đạt được trong kỳ thi thăng hạng từ hạng II lên hạng I năm 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Vì vậy thông qua bài báo này, chúng tôi tiếp tục kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ba vấn đề sau:

Một là, tiếp tục rà soát và khắc phục những bất cập của chùm thông tư ngày 02/02/2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành như quy định về tiêu chuẩn đạo đức trong các hạng giáo viên; quyền lợi của giáo viên trung học phổ thông so với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở khi thực hiện thông tư.

Hai là, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đặc cách cho những giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) được chuyển sang hạng I (mã số V.07.04.30). Còn quy định giáo viên hạng I phải có trình độ thạc sĩ chỉ dành cho những đối tượng được xét/thi thăng hạng kể từ khi thông tư này có hiệu lực.

Ba là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I khi chuyển sang hạng II.

Chúng tôi nghĩ rằng, trước khi được thi lên hạng I họ là những người đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của giáo viên hạng II, vì vậy khi bị rớt hạng (chỉ vì không có trình độ thạc sĩ), theo thông tư mới, chắc chắn họ cũng sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ trước đây.

Do đó, những thầy cô này không cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II.

Một trong những chữ THẬT trong thời gian qua được xã hội đặc biệt quan tâm đối với ngành giáo dục, đó là “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Và chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo thật sự lắng nghe dư luận xã hội để có những điều chỉnh kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo, đặc biệt là những giáo viên trung học cơ sở hạng I để họ tiếp tục cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Hùng