13 ngày sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ ra Công văn 4040 là quá kịp thời

14/10/2021 06:33
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cán bộ cần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, vì học sinh thân yêu, vì sự phát triển giáo dục, không thể vì sợ sai mà có tâm lý chờ đợi.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 4040 hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022, đã có 1 số bài viết tranh luận về thời điểm ban hành công văn, nội dung của công văn; ngữ nghĩa của công văn khó hiểu…

Thế nhưng, “gay gắt” nhất, có lẽ là vấn đề thời điểm ban hành công văn 4040.

Trong bài “Công văn 4040 khiến hàng triệu nhà giáo phải làm lại kế hoạch, sao lại hoan hô?” của tác giả Hà Dương có viết:

Thay vì ngày 16/9 Bộ ban hành Công văn để hướng dẫn giảm tải các môn học thì Bộ ban hành trước đó 2 tuần, chắc chắn hàng ngàn Ban giám hiệu nhà trường, gần một triệu giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước không phải vất vả xây dựng lại các kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch tổ chuyên môn và phân phối chương trình môn học.

Nếu Bộ chủ động thì đã không đẩy giáo viên vào thế bị động khi giáo viên xây dựng kế hoạch xong phải bỏ đi để làm lại. Bởi, ai cũng biết dịch bệnh Covid-19 đã phức tạp từ cuối năm học trước. Từ ngày 31/5/2021 thì nhiều khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phải giãn cách xã hội cho đến tận bây giờ.

Các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và gần như các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng đều đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ đầu tháng 7/2021.

Trong khi, đến ngày 5/9 thì các địa phương trên cả nước mới đồng loạt khai giảng năm học”.

Ảnh minh họa: Baodongnai.com.vn

Ảnh minh họa: Baodongnai.com.vn

Chính vì thời điểm ban hành công văn 4040 “trễ”, nên tác giả Hà Dương đã đưa ra những hệ lụy, khó khăn của công văn 4040 tác động đến hàng triệu giáo viên.

Bài viết đã nhận được sự quan tâm, tương tác của nhiều bạn đọc trên cả nước. Vấn đề văn phong, nội dung, hệ lụy của công văn 4040 đã được nhiều bài viết trước đây bình luận, người viết không muốn nói thêm.

Trong bài viết này, người viết chỉ bàn về thời điểm ban hành 4040 của Bộ có trễ không để trao đổi với bạn Hà Dương, cũng như bạn đọc, ngõ hầu giải tỏa thắc mắc, làm minh bạch vấn đề thời điểm ban hành công văn 4040 của Bộ.

Cũng từ đó, chúng ta có cái nhìn chính xác hơn về công văn 4040, cùng chia sẻ khó khăn, cùng góp chút công sức cho giáo dục nước nhà.

Công văn 4040 có thể ra đời sớm hơn không?

Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19; có ghi rõ:

Bộ Giáo dục và Đào tạo “…Xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở cho các địa phương, các cơ sở dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, nhất là các địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…”

Ngày 11/9/2021 Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 240/TB-VPCP giao nhiệm vụ:

Bộ Gíao dục và Đào tạo “…Giảm tải chương trình phù hợp với điều kiện và phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình…”.

Căn cứ trên Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021, Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 11/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Công văn 4040 hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

Phần đầu Công văn 4040 ghi rõ:

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19, Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 11/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về bảo đảm điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022”.

Sau 05 ngày có Thông báo số 240/TB-VPCP, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn 4040, vì vậy nói Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn 4040 chậm trễ như tác giả Hà Dương phản biện liệu có khách quan, chính xác? Người viết để bạn đọc tự rút ra kết luận cho khách quan.

Riêng bản thân người viết thấy Công văn 4040 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là phù hợp thực tế, thực tiễn.

Đôi điều kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trong giáo dục đang có hiện tượng “sợ sai”, lãnh đạo trường chờ Phòng chỉ đạo, lãnh đạo phòng chờ Sở chỉ đạo, lãnh đạo Sở chờ Bộ chỉ đạo và lãnh đạo Bộ chờ… Chính phủ chỉ đạo.

Việc chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo còn rất yếu kém, điều này có thể do tâm lý “sợ sai” ở một số cán bộ quản lý hoặc cũng có thể do năng lực cán bộ yếu kém thật sự.

Cán bộ cần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, vì học sinh thân yêu, vì sự phát triển giáo dục, không thể vì sợ sai mà có tâm lý chờ đợi.

Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị tạo cơ chế để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là “liều thuốc” rất kịp thời giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai trong thực hiện nhiệm vụ được giao.[1]

Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, nhưng cần chủ động hơn nữa; đã sáng tạo nhưng cần sáng tạo hơn nữa trong việc chỉ đạo, ban hành các văn bản pháp luật; đảm bảo kịp thời, gắn với thực tiễn; nội dung trong sáng, dễ hiểu, làm gương cho các địa phương trên cả nước.

Xã hội tốt đẹp hơn khi có phản biện, được phản biện. Phản biện chỉ có giá trị khi khách quan, mang tính xây dựng, truyền tải năng lượng tích cực cho người đọc về vấn đề phản biện.

Cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cho phép tôi được trình bày ý kiến của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vov.vn/chinh-tri/bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-lieu-thuoc-coi-bo-tam-ly-so-sai-893802.vov

- Công văn Số: 4040/BGDĐT-GDTrH.

- Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 11/9/2021 của Văn phòng Chính phủ

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh