1 tỉ đồng bằng 15 năm lương chuyên viên cấp Sở

28/05/2019 06:52
NHẬT DUY
(GDVN) - Chúng tôi tin rằng, trước khi làm việc gì thì mỗi con người đều phải đắn đo, suy nghĩ về những cái được, cái mất mà mình sẽ làm.

Thông tin mỗi thí sinh được sửa điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Sơn La có giá 1 tỉ đồng khiến cho dư luận thực sự choáng váng.

Với số tiền ấy, nếu tính với lương hiện hành của các chuyên viên cấp Sở phải bằng 15 năm không ăn, không tiêu thì may ra mới tích lũy được.

Số tiền ấy, chỉ cần mỗi năm sửa 1 thí sinh thì các chuyên viên này làm vài mùa thi cũng có nhà tầng để ở và sống một cuộc đời sung túc mãi về sau.

Số tiền ấy đủ cho chúng ta hiểu vì sao mà họ dám đánh đổi cả danh dự, đạo đức nhà giáo để lao vào làm chuyện phi pháp!

Đã có 8 cán bộ ngành giáo dục, công an ở Sơn La bị truy tố vì liên quan đến việc sửa điểm cho 44 thí sinh (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Đã có 8 cán bộ ngành giáo dục, công an ở Sơn La bị truy tố

vì liên quan đến việc sửa điểm cho 44 thí sinh  (Ảnh minh họa:  VTV.vn)

Chúng tôi tin rằng, trước khi làm việc gì thì mỗi con người đều phải đắn đo, suy nghĩ về những cái được và cái mất mà mình sẽ làm.

Nhất là đối với những nhà giáo đang là lãnh đạo, là chuyên viên của một Sở Giáo dục. Họ có đủ trình độ để hiểu được mình sẽ chà đạp lên những gì để có được những đồng tiền phi pháp.

Nhưng, lý trí đã thua những cám dỗ vật chất bởi vì phi vụ sửa điểm cho thí sinh sẽ được nhận một số tiền quá lớn so với mức lương hiện tại mà họ đang được nhận hàng tháng.

Chợt nhớ, mấy năm gần đây được Sở điều đi chấm thi, giáo viên chúng tôi được nhận 8 000 đồng/ 1 bài thi tự luận môn Ngữ văn.

Trong số 8.000 đồng ấy chia cho 2 giám khảo, mỗi người được 4000 đồng/ 1 bài thi. Vì còn phải thảo luận đáp án, chấm thử, thống nhất điểm giữa 2 giám khảo nên nên bình quân mỗi ngày thì 1 giáo viên chấm được khoảng trên dưới 30 bài thi.

Mùa chấm thi năm 2018 vừa qua, chúng tôi tham gia chấm thi, vào điểm cho thí sinh 8 ngày và được nhận hơn 900 000 nghìn tiền phụ cấp.

1 tỉ đồng bằng 15 năm lương chuyên viên cấp Sở ảnh 2Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La không tham gia công tác thi năm 2019

Để có được 900 000 đồng ấy, mỗi giám khảo phải cẩn thận đọc hàng nghìn trang viết của học trò với rất nhiều loại chữ khác nhau trong tiết trời của mùa hè ngột ngạt.

Tính toán, cân nhắc từng câu chữ của thí sinh để cho điểm trong bài thi một cách công bằng nhất. Đôi lúc, 2 giám khảo còn bất đồng, tranh luận mãi mới ra được điểm thống nhất.

Vậy mà, một số lãnh lãnh đạo, những chuyên viên Phòng khảo thí của Sơn La lại có thể làm những chuyện động trời đến như vậy. Họ làm lãnh đạo Hội đồng thi, Hội đồng chấm thi đương nhiên sẽ được nhận số tiền lớn hơn rất nhiều những giám khảo trực tiếp chấm thi.

Nhưng, lòng tham của con người đã vượt qua ranh giới đạo đức của những nhà giáo đã có hàng chục năm, thậm chí hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục.

Chúng tôi nhẩm tính, với hệ số lương hiện nay, nếu tính bình quân mỗi người có 20-22 năm công tác thì họ được hưởng lương bậc 8, hệ số 4.34 x 1.390 000 đồng (mức lương tối thiểu) =6.032 000 đồng.

Những lãnh đạo và chuyên viên không có tiền phụ cấp đứng lớp, chỉ có phụ cấp chức vụ khoảng trên dưới 500 000 đồng (tùy chức danh).

Với số lương ấy, cộng với phụ cấp chức vụ, trừ đi tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền công đoàn, đảng phí thì mỗi người được nhận khoảng trên dưới 6. 000 000 triệu đồng.

1 tỉ đồng bằng 15 năm lương chuyên viên cấp Sở ảnh 3Không mua được bằng tiền, mua được bằng rất nhiều tiền!

Nếu những người có thâm niên khoảng 30 năm công tác thì thêm khoảng hơn 1. 000 000 đồng nữa.

Như vậy, mỗi năm cũng chỉ dao động nhận được khoảng trên dưới 70 triệu đồng tiền lương.

Vì vậy, số tiền mà những bị can đã khai với cơ quan điều tra là bình quân mỗi thí sinh được sửa điểm có giá 1 tỉ đồng thì ta sẽ thấy nó hấp dẫn đến chừng này. Chỉ cần 1 thí sinh cũng đã tương đương với 15 năm lương của các vị này.

Trong khi, có những bị can nhận sửa đến hàng chục thí sinh, thử hỏi làm sao mà họ không giàu, làm sao mà họ cưỡng nổi ma lực của đồng tiền?

Thực tế, quy trình chấm thi, vào điểm đối với một kỳ thi quốc gia rất nghiêm ngặt bởi nó được giám sát 24/24 với hệ thống camera và cán bộ an ninh, thanh tra của Sở, của Bộ.

Khi xảy ra vụ việc sửa và nâng khống điểm ở Sơn La cũng như ở Hòa Bình và Hà Giang thì ai cũng hiểu một cá nhân không thể làm được và không bao giờ dám làm.

Nó phải có một sự ríc rắc qua từng công đoạn với sự đồng thuận của nhiều người. Và, tiến trình điều tra ở Sơn La đã minh chứng rất rõ cho điều này.

Hy vọng những góc khuất của vụ án sẽ dần dần được bóc gỡ và xử lý nghiêm minh làm bài học cảnh tỉnh cho những người đã và đang có ý định nâng, sửa điểm như trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang.

NHẬT DUY