Giải pháp nào để giảm 10% biên chế ngành giáo dục và tăng lương cho giáo viên?

07/08/2022 06:52
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu các địa phương không quyết liệt thì mục tiêu phát triển trường ngoài công lập theo Nghị quyết 35 đến năm 2025 khó hoàn thành.

Thực trạng ngành giáo dục hiện nay, số lượng biên chế viên chức lớn nhưng vẫn thiếu giáo viên, về phía học sinh thì sĩ số ngày càng tăng, nếu không có những giải pháp quyết liệt thì việc giải quyết bài toán biên chế giáo dục sẽ còn rất dài.

Thực trạng trên chính là rào cản trong việc tăng lương giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Việc tinh giản biên chế hướng đến mục tiêu gắn tinh giản biên chế với đổi mới tổ chức bộ máy, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.

Đối với ngành giáo dục, người viết cho rằng thời gian qua ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp tinh giản biên chế nhưng chủ yếu là sáp nhập cơ học trường học và nghỉ hưu trước tuổi nên việc tinh giản chưa thực chất, chưa hướng đến mục đích tinh gọn, thu hút người có đức có tài vào ngành.

Người viết cho rằng, với mục tiêu giảm 10% biên chế viên chức giáo dục thậm chí cao hơn là khả thi nếu ngành giáo dục thực hiện linh hoạt các giải pháp sau:

Thứ nhất, kiên quyết thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết 35 của Chính phủ

Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Mục tiêu của Nghị quyết là đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.

Theo tìm hiểu của người viết, việc mở rộng trường ngoài công lập, ngoại trừ ở một số thành phố lớn có sự phát triển, gần như tại các địa phương khác việc phát triển trường ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nơi đến nay vẫn chưa có trường ngoài công lập.

Do đó, nếu các địa phương không quyết liệt thì mục tiêu phát triển trường ngoài công lập theo Nghị quyết 35 đến năm 2025 khó hoàn thành.

Nếu mỗi năm mở rộng được trường ngoài công lập đương nhiên hạn chế sự phát triển trường công lập, giảm đầu tư trường công lập, giảm sĩ số học sinh trường công lập và giảm được biên chế ngành giáo dục phát sinh hoặc giảm biên chế do giáo viên từ công lập sang ngoài công lập.

Do đó theo người viết chỉ riêng việc thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết 35 của Chính phủ sẽ giải quyết được bài toán về biên chế viên chức giáo dục vừa giải quyết bài toán sĩ số học sinh, tăng cường xã hội hóa giáo dục,…

Thứ hai, tiếp tục tinh giản đầu mối, giảm khâu trung gian

Hiện nay, theo Nghị định về tự chủ các trường mầm non đến trung học phổ thông đã được tự chủ về tài chính, tự chủ về một số hoạt động chuyên môn, phong trào.

Theo người viết, nên tiếp tục tinh giản đội ngũ quản lý cấp Sở, Phòng giáo dục để thực hiện chủ trương tinh gọn, hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảm khâu trung gian.

Thứ ba, nghiên cứu giảm cấp phó các đơn vị giáo dục

Người viết kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu giảm cấp phó từ sở giáo dục, phòng giáo dục và phó hiệu trưởng các trường theo hướng mỗi sở giáo dục chỉ có tối đa 2 cấp phó, cấp phòng và các trường mầm non, phổ thông chỉ nên có 1 cấp phó.

Giảm được cấp phó này cả nước giảm được hàng chục nghìn biên chế, góp phần vào việc giảm biên chế cả nước.

Thứ tư, tiếp tục sáp nhập các trường

Hiện nay việc sáp nhập các trường được thực hiện cơ học chưa đồng bộ, sáp nhập phải thực chất, đúng ý nghĩa là gom về 1 cơ sở, tránh cồng kềnh.

Nên người viết kiến nghị tiếp tục mạnh dạn sáp nhập trường liên cấp 1, 2, 3 một cách thực chất, hiệu quả.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện chủ trương sáp nhập huyện, tỉnh, xã

Việc sáp nhập huyện, tỉnh, xã đã được nêu ra trong chủ trương Trung ương, Nghị quyết Chính phủ.

Đến giai đoạn này nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, xã được sáp nhập đã cho thấy chủ trương này là đúng đắn, đã mang lại hiệu quả to lớn, lâu dài.

Người viết tiếp tục kiến nghị các cấp lãnh đạo tiếp tục nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tỉnh và các cơ quan để việc tinh giản đạt hiệu quả không chỉ ngành giáo dục mà còn các cơ quan ban ngành khác.

Người viết tin rằng nếu thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết 35 và các giải pháp trên thì việc giảm 10% thậm chí 20% biên chế viên chức giáo dục là điều có thể trở thành hiện thực, góp phần thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị giảm 10% biên chế viên chức trong thời gian tới.

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.

Trong đó Bộ Chính trị có kết luận về biên chế như sau:

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021.

Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022-2026.”

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi