Giá như Bộ sửa chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sớm hơn

24/05/2022 08:38
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giá như, Bộ bắt tay vào công việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sớm hơn thì các cơ quan chức năng, giáo viên cũng đỡ vất vả hơn.

Ngày 20/5/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT và dự thảo này đang nhận được sự đồng thuận của phần lớn đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Bởi, trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT lần này, chúng ta thấy có 5 điểm mới đáng chú ý và đã giải quyết được những bất cập mà đội ngũ nhà giáo đã lên tiếng suốt hơn 1 năm qua.

Song, giá như Bộ lắng nghe và có những điều chỉnh, sửa đổi ngay từ lúc mới chính thức ban hành thì các địa phương và giáo viên dưới cơ sở cũng đỡ vất vả khi phải photo minh chứng, ban giám hiệu nhà trường và đội ngũ cốt cán không phải họp hành nhiều lần.

Hơn 14 tháng qua, biết bao nhiêu công sức của nhiều cơ quan chức năng và hàng triệu nhà giáo từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên cả nước đã tiến hành thực hiện các bước hướng dẫn của chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều đầu việc chuẩn bị cho việc bổ nhiệm, xếp lương mới của giáo viên đã thực hiện xong từ lâu (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

Nhiều đầu việc chuẩn bị cho việc bổ nhiệm, xếp lương mới của giáo viên đã thực hiện

xong từ lâu (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

Công sức của các địa phương và đội ngũ nhà giáo đã bỏ ra rất nhiều…

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và chùm thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Như vậy, kể từ khi chùm thông tư có hiệu lực cho đến nay đã hơn 14 tháng.

Khi Bộ ban hành thông tư như vậy cũng đồng nghĩa các địa phương và ngành giáo dục trên cả nước sẽ triển khai đến các nhà trường.

Chính vì thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) phải ban hành công văn hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.

Sau khi tỉnh có công văn hướng dẫn thì huyện (thị) và sở, phòng giáo dục cũng phải có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Tất nhiên, trường sẽ triển khai và thực hiện các bước theo hướng dẫn của trên.

Vì thế, nhà trường đã tiến hành họp đội ngũ cốt cán trong đơn vị và triển khai cho giáo viên photo các minh chứng về văn bằng, chứng chỉ, danh hiệu thi đua, thành tích đạt được để minh chứng cho các tiêu chí của chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Khi các tổ chuyên môn tập hợp minh chứng xong thì nộp lên ban giám hiệu nhà trường, trường lại tiếp tục triệu tập đội ngũ cốt cán tiến hành họp xét để chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới và có những giáo viên không đạt các tiêu chí thì đề nghị chuyển xuống hạng III mới.

Giáo viên thì tìm minh chứng trong những năm đã qua và photo để nộp cho nhà trường. Ban giám hiệu và các tổ trưởng chuyên môn, kế toán nhà trường tập hợp minh chứng để so sánh với các tiêu chí của chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (tùy vào từng cấp học) để xét và đề nghị lên cấp trên.

Rồi tiến hành trích biên bản, nhận xét từng giáo viên về “Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” và “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” rất mất thời gian.

Bởi, không chỉ hội họp tập trung mà ban giám hiệu nhà trường và các tổ trưởng chuyên môn phải chung tay thực hiện việc trích biên bản và nhận xét từng người thêm nhiều buổi nữa mới hoàn thành vì nó có nhiều tiêu chí khác nhau rất dài dòng.

Từ khi Bộ công bố chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đến nay đã hơn 1 năm nên về cơ bản là các địa phương, các nhà trường đã thực hiện xong tất cả các hồ sơ và làm đề nghị cấp trên ra quyết định cho việc bổ nhiệm và xếp lương mới cho viên chức giảng dạy trong các cơ sở công lập.

Nhưng, ngày 20/5/2022 vừa qua thì Bộ đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và thời gian lấy ý kiến đến ngày 20/7/2022 tới đây.

Điều này cũng đồng nghĩa là sau khi Bộ lấy ý kiến xong thì phải đợi thêm một ít thời gian nữa Bộ mới ban hành văn bản chính thức. Sau đó, các Ủy ban Nhân dân các tỉnh (thành phố), huyện, sở, phòng giáo dục lại phải ra văn bản hướng dẫn và tất nhiên là nhà trường lại phải thực hiện ít nhất thêm một lần nữa.

Thế là công sức của bao nhiêu ban ngành, cơ quan, trường học, giáo viên dưới cơ sở đã thực hiện các bước trong thời gian qua nhằm đề nghị cấp trên ra quyết định bổ nhiệm, xếp lương viên chức ở ngành giáo dục theo hướng dẫn của chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đã đổ sông, đổ biển.

Giá như Bộ bắt tay vào công việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sớm hơn

Rõ ràng, việc Bộ công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT lần này là đúng vì không phù hợp thì phải sửa đổi thôi. Điều này cũng đồng nghĩa Bộ đã thừa nhận về những bất cập, hạn chế trong chùm Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đã ban hành chính thức ngày 02/2/2021.

Vì thế, dự thảo đã tiến hành sửa đổi, bổ sung 5 điểm mới, đó là: “bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng; bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp;

Không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ;

Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm; giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới”.

Nhìn vào 5 điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT lần này thì mọi người dễ dàng nhìn thấy phần lớn nằm trong thẩm quyền, chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng, tại sao Bộ không tiến hành ngay sau khi đội ngũ nhà giáo lên tiếng mà phải đến hơn 14 tháng sau mới tiến hành công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung?

Tại sao thẩm quyền nằm trong tầm tay của Bộ mà phải đến khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thì mới tiến hành thực hiện công việc này?

Sự chậm trễ của Bộ khi tiến hành sửa đổi, bổ sung những điểm không phù hợp đối với chùm Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT khiến cho công sức của nhiều người trong thời gian đối với nhiều đầu việc đã trở nên vô nghĩa, bỏ phí, không còn tác dụng.

Giá như, Bộ bắt tay vào công việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sớm hơn thì các cơ quan chức năng, giáo viên dưới cơ sở cũng đỡ vất vả biết bao nhiêu!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG