Gia Lai thiếu giáo viên, thiếu giáo trình dạy tiếng dân tộc thiểu số

31/03/2023 06:42
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, hiện tỉnh gặp khó khăn khi chưa có giáo viên được đào tạo chuẩn để dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đánh giá cao chương trình Hội nghị, đã bàn về các giải pháp phát triển giáo dục Tây Nguyên.

Bởi khi xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp với thực tiễn của từng vùng, miền sẽ quyết định đến hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện.

Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên đều quan tâm đến vấn đề biên chế giáo viên hiện nay. Ảnh: KH

Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên đều quan tâm đến vấn đề biên chế giáo viên hiện nay. Ảnh: KH

Từ những đặc thù của vùng Tây Nguyên và thực tiễn triển khai của vùng, các tỉnh sẽ có những quyết sách phù hợp để phát triển giáo dục trong thời gian tới, các địa phương cũng sẽ có tiếng nói chung, phối hợp để cùng nhau đưa giáo dục Tây Nguyên có nhiều bước tiến mới.

Gia Lai là tỉnh vùng núi có diện tích lớn thứ 2 toàn quốc, dân cư thưa, vì vậy, việc triển khai công tác giáo dục cũng có những điểm riêng, khác với các tỉnh vùng đồng bằng.

Tỉnh cũng là nơi có 44 đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 46%. Toàn tỉnh có 761 cơ sở giáo dục, với 414.000 học sinh và học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 45,2%.

Qua quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng đã rà soát toàn diện, đầy đủ, để từ đó xây dựng các đề án tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Trong đó, tỉnh Gia Lai xây dựng đề án phát triển giáo dục trên địa bàn, tỉnh cũng ban hành 7 kế hoạch nhỏ để từ đó có hướng triển khai cụ thể.

Thiếu giáo viên, thiếu giáo trình dạy tiếng dân tộc thiểu số

Về đội ngũ nhân lực, bên cạnh công tác bồi dưỡng giáo viên, tỉnh đã có chương trình bồi dưỡng cho các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục, để trang bị các kỹ năng về lãnh đạo quản lý cho các nhà giáo.

“Chúng tôi rà soát lại trong đội ngũ quản lý giáo viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn đáp ứng việc thực hiện chương trình mới”, bà Thanh Lịch cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch chia sẻ, trong quá trình triển khai thực hiện, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Việc triển khai tiếng dân tộc thiểu số đối với đồng bào vùng Tây Nguyên là rất cần thiết, qua 10 năm thực hiện, việc triển khai còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Với vùng đất đa dạng văn hoá truyền thống như Tây Nguyên, muốn bảo tồn phát huy giá trị văn hoá, nhất là để xây dựng được nguồn nhân lực tại chỗ, cần quan tâm tới người địa phương, đặc biệt, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng, để chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ.

Hiện tại, ở Gia Lai, chữ viết, tiếng nói của người Bana và Jrai đứng trước nguy cơ mai một. Khó khăn lớn nhất trong dạy tiếng dân tộc thiểu số là chưa có giáo viên được đào tạo chuẩn.

Thiếu giáo viên, thiếu giáo trình là những thách thức trong công tác triển khai dạy tiếng dân tộc thiểu số. Bà Thanh Lịch kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo để việc triển khai thực hiện có hiệu quả.

Về bài toán đội ngũ, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, hiện toàn tỉnh đang thiếu đến 4.500 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

Ảnh minh hoạ: NP

Ảnh minh hoạ: NP

Dù Bộ Chính trị đã bổ sung biên chế nhưng đến hiện tại, tỉnh chưa được nhận được chính thức từ các bộ ngành chủ quản. Hơn nữa, trong hướng dẫn của Bộ Tài chính nêu: việc chi trả cho cho những giáo viên được phân bổ này là do ngân sách địa phương. Đây cũng là một điểm khó khăn đối với địa phương.

"Về đảm bảo biên chế, với đặc thù địa hình chia cắt ở các tỉnh vùng Tây Nguyên, không thể nào định biên như ở vùng đồng bằng.

Việc xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ là rất quan trọng, để xây dựng được nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển vùng Tây Nguyên, chúng tôi xác định giáo dục là yếu tố tiên quyết và chúng ta phải tập trung cho phát triển giáo dục. Muốn vậy, phải đảm bảo được số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đội ngũ giáo viên - những người trực tiếp xây dựng phát triển Tây Nguyên”, bà Thanh Lịch nhấn mạnh.

Gia Lai cũng đã thực hiện tốt việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên, có một số môn mới, đặc biệt các môn tích hợp, công tác chuẩn bị giáo viên gặp nhiều khó khăn để đảm bảo đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất của tỉnh cũng như trang thiết bị chưa đảm bảo cho việc dạy 2 buổi trên ngày. Khi triển khai nhiệm vụ gần như ngân sách địa phương phải tự cân đối lại, đây cũng là điểm nghẽn gây khó cho tỉnh.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đề xuất, việc xây dựng chính sách, các đề án, chương trình, cần quan tâm đến tính đặc thù vùng miền, gắn với việc thực hiện chính sách thì cần phải cân đối nguồn lực thực hiện, khung thời gian thực hiện.

Đối với những tỉnh chưa cân đối được ngân sách, việc phát sinh nhiệm vụ mới do Trung ương, Bộ, ngành giao cũng là điểm khó cần được tháo gỡ.

Tỉnh Gia Lai cũng đề xuất có chính sách đặc thù với Tây Nguyên và đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt, bắt đầu từ giáo dục, gắn với dạy tiếng nói, chữ viết để các em gìn giữ bản sắc văn hoá của mình, đây cũng chính là giải pháp nguồn lực tại chỗ để phát triển vùng Tây Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng chia sẻ mong muốn có nhiều mô hình hơn nữa trong việc tổ chức học sinh nội trú và bán trú. Vì chỉ có làm tốt việc này, các em học sinh mới đến trường học tập đầy đủ, tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Từ nguồn ngân sách nhà nước đến huy động các nguồn lực từ xã hội, cần chung tay để có các mô hình học bán trú, nội trú được triển khai hiệu quả.

Về bố trí giáo viên, tỉnh Gia Lai chấp hành việc tinh giản biên chế 10% hằng năm nhưng đây cũng chính là vấn đề khó đặt ra cho ngành giáo dục.

Việc phân bổ giáo viên không thể tính trên dân số, độ tuổi được vì có những điểm trường, lớp ghép buộc phải bố trí đủ thầy cô dạy học. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ cần rà soát lại, thống nhất, cân đối việc phân bổ giáo viên cho các địa phương.

Học sinh dân tộc thiểu số phải tiếp cận đa ngôn ngữ: vừa phải học tiếng dân tộc thiểu số để giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc mình, vừa phải học tiếng Việt, đồng thời các em phải học tiếng Anh. Vì vậy việc phân bổ giáo viên để các em đảm bảo được học, được tiếp cận các ngôn ngữ là điều tỉnh trăn trở.

"Về phân luồng hướng nghiệp, đây là chủ trương lớn, nhưng việc tổ chức hướng nghiệp vẫn còn vướng mắc, các em học lớp 9 sẽ hướng nghiệp như thế nào, các trường nghề dạy ra sao? Trong khi tâm lý người việt vẫn phải tốt nghiệp trung học phổ thông, các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng vẫn cần bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, vì vậy cần thống nhất để tổ chức trong phân luồng, hướng nghiệp.

Bên cạnh đó, phải tính toán cẩn trọng trong lộ trình tự chủ của các cơ sở giáo dục để thực hiện, chắc chắn đảm bảo triển khai chính sách với các vùng đặc thù như vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn", lãnh đạo tỉnh Gia Lai kiến nghị.

Nguyên Phương