Đường đến trường bên vách núi, bên vực sâu, tôi từng sợ toát mồ hôi, run bần bật

07/06/2023 06:41
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những tấm bưu thiếp chúc mừng, hay bó hoa rừng của học sinh vẫn được cô Tuyết Mai xếp gọn gàng, cẩn thận trong chiếc hòm nhỏ để lưu giữ.

Ngồi sau xe vượt 6km với một bên là vách núi cao, một bên vực sâu, trời mùa mưa khiến con đường vốn đã nhỏ lại thêm trơn trượt khiến cô Mai toát mồ hôi vì sợ, người run bần bật,

Giáo viên và học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (tại Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đã quen với dáng người nhỏ nhắn, bước chân nhanh nhẹn của cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó hiệu trưởng nhà trường.

Sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Tuyết Mai (sinh năm 1977) đã ấp ủ ước mơ được làm nghề giáo viên, ngày ngày được đứng trên bục giảng.

Năm 1999, cô tốt nghiệp khoa Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Bình. Cô Tuyết Mai kể: “Ngày trước thi đỗ vào cao đẳng rất khó, thời đó ngành sư phạm trường làng “hot” lắm, có thể được ví như đỗ được vào trường đại học danh giá bây giờ”.

Sau khi tốt nghiệp, cô giáo Mai khi ấy cũng như nhiều sinh viên sư phạm khác háo hức, chờ đợi để được sắp xếp công việc. Tuy nhiên, thời điểm đó sự thay đổi do giảm trường học, giảm lớp nên chưa có hội được giảng dạy tại quê hương.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (tại xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (tại xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đến năm 2003, cô được một người quen đưa ra lời mời lên Lai Châu dạy học để “xóa mù” cho con em dân tộc thiểu số, chính điều này đã tạo bước ngoặt trong hành trình làm nghề của cô.

Phần vì tuổi trẻ muốn xông pha, phần vì tò mò về cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây, cô Tuyết Mai quyết định “cõng chữ” lên vùng cao Lai Châu.

Lúc mới lên cô chỉ định bụng chỉ giảng dạy một vài năm sẽ trở lại công tác ở các vùng thuận lợi hơn, nhưng càng đi dạy, càng gắn bó với bà con dân tộc nơi đây cô lại càng yêu mảnh đất này và không còn ý định trở lại quê hương làm việc. Tính đến nay cô đã công tác và gắn bó với Lai Châu được tròn 20 năm.

Đến Lai Châu nhận công tác, cô Mai cùng 2 đồng nghiệp được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Tà Tổng (huyện Mường Tè), được biết là ngôi trường nằm ở vùng khó khăn nhất của huyện Mường Tè lúc bấy giờ với 100% là người dân tộc H’Mông.

Cầm tờ quyết định trên tay, cô Tuyết Mai chưa thể mường tượng ra quãng đường phải di chuyển cũng như cuộc sống của người dân tại điểm trường Ngà Chồ thuộc Trường Tiểu học Tà Tổng.

Nghe bà con nói đường lên trường to, dễ đi, lại còn có xe buýt chở đến, cô Mai và đồng nghiệp như “mở cờ trong bụng”, háo hức được ngồi xe buýt đi trên dãy núi quanh co để đến trường.

Đến khi bắt đầu hành trình từ trung tâm huyện Mường Tè để lên đến trường, cô Mai rất bất ngờ nhận ra xe buýt mà người dân nhắc đến là chiếc xe Minsk.

Ngồi sau xe vượt 6km với một bên là vách núi cao, một bên vực sâu, trời mùa mưa khiến con đường vốn đã nhỏ lại thêm trơn trượt khiến cô Mai toát mồ hôi vì sợ, người run bần bật, tay ghì chặt vào hông người lái.

Ngỡ đã đến trường, cô Mai một lần nữa bất lực khi biết phải tiếp tục đi bộ, leo theo đường mòn 18km nữa mới đến được trường học.

“Tôi chỉ nhớ rằng, chúng tôi cùng nhau đi từ sáng sớm mà đến nơi là trời đã tối mịt. Khi đó hai chân run vì mỏi, bắp chân tê cứng, mười đầu ngón chân phồng rộp, đêm nằm ba chị em thay nhau lấy cao bạch hổ để xoa cho đỡ đau”, cô Mai nhớ lại.

Sáng hôm sau, cô cùng đồng nghiệp tiếp tục đi bộ thêm 5km để đến với điểm bản được phân công.

Đến nơi, hiện trạng trường khi đó khiến cô Tuyết Mai có phần hụt hẫng và chạnh lòng:

“Tôi nghĩ trường học ít nhất có thể được làm bằng gỗ hay có không gian rộng lớn cái nhà của người dân. Tuy nhiên, ngôi trường khi ấy giống một cái lán, lợp bằng ranh, tường nhà chắp vá bằng nứa, bìa, gỗ được người dân tận dụng để dựng lên. Tôi đứng lặng trước khung cảnh đó và nước mắt tự nhiên chảy ra”.

Là thế hệ giáo viên nhận biên chế đầu tiên về giảng dạy tại trường, cô Mai và đồng nghiệp bước đầu chưa được người dân trong bản đón nhận. Cô nhớ như in cách nói chuyện của người dân khi đó: “Nhiều 'thằng cô giáo' lên thế này thì dân lấy nước đâu mà dùng”.

Bao nhiêu khó khăn bủa vây, nhưng cái khó cũng không thể làm cô lùi bước, cô Mai và đồng nghiệp càng có quyết tâm đưa con chữ đến gần hơn với đồng bào dân tộc nơi đây.

Các cô dành thời gian, kiên nhẫn, tận tụy dạy học sinh từ cách giao tiếp hàng ngày đến kiến thức tiểu học, có em không hiểu tiếng phổ thông khiến những người giáo viên trẻ như cô Mai lúc bấy giờ vô cùng gian nan.

Tuy vậy, khi nhắc lại về hành trình đầu tiên “cõng chữ” lên vùng cao Lai Châu, cô Tuyết Mai vẫn rơm rớm nước mắt. Chính những khó khăn nơi đây đã nuôi dưỡng cho cô nghị lực sống, biết vượt lên khỏi hoàn cảnh.

Hình ảnh học sinh kết thúc giờ học vẫn chăm chú đọc lại bài, trải vở trên nền đất để viết chữ đã in đậm trong trí nhớ của cô, tạo động lực cho cô làm việc tốt hơn. Với cô, đó là thành công của nghề giáo khi đã truyền được cảm hứng học tập cho học sinh.

Một số hình ảnh thầy cô Trường Tiểu học Lê Hữu Thọ (huyện Mường Tè) tổ chức hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc. (Ảnh trên website trường)

Một số hình ảnh thầy cô Trường Tiểu học Lê Hữu Thọ (huyện Mường Tè) tổ chức hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc. (Ảnh trên website trường)

Trong 2 năm công tác tại Trường Tiểu học số 1 Tà Tổng, bằng tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề và tinh thần vượt khó cô đã vượt lên tất cả. Ngoài công việc giảng dạy, cô Mai còn truyền cho học sinh ý thức học tập, cô đã đến từng nhà dân để vận động học sinh ra lớp.

Cô kiên nhẫn dạy cho bà con nhân dân cách giao tiếp bằng tiếng Việt, tuyên truyền cho bà con không trồng cây thuốc phiện và thực hiện nếp sống văn minh. Cũng bởi thế mà cô Mai luôn được học sinh kính trọng, phụ huynh học sinh luôn tin tưởng, đồng nghiệp yêu quý.

Sau đó cô giáo Mai được điều chuyển về dạy học tại Trường Tiểu học số 2 xã Mường Tè. Cô Mai tiếp tục không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho mình.

Trong công tác cô luôn vận dụng linh hoạt và sáng tạo. Cùng với việc dạy chữ, cô còn đặc biệt quan tâm tới việc dạy người, coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh.

Cô giáo dục các em về ý chí, nghị lực, niềm tin, lòng bao dung nhân hậu, dạy các em nhân cách, đạo đức để trở thành một người tốt.

Hơn cả cô còn sát sao với hoàn cảnh gia đình của từng em, nắm bắt tâm lý học sinh để tìm ra biện pháp giáo dục phù hợp.

Tháng 10 năm 2016, cô được bổ nhiệm giữ chức vụ phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (huyện Mường Tè). Thời gian đầu được bổ nhiệm, trường còn vướng nhiều thử thách như quang cảnh trường còn hoang sơ, thiếu cây xanh, chuyên môn của giáo viên và chất lượng học sinh chưa có nhiều nổi bật.

Để xây dựng một ngôi trường vững mạnh cô và đồng nghiệp đã tổ chức nhiều các hoạt động chuyên môn, trực tiếp bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy cho giáo viên.

Nhờ đó chất lượng giáo dục nhà trường cũng vươn lên đứng thứ hai trong toàn huyện cả về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Học sinh được tham gia các hoạt động đa dạng.

Nổi bật nhất ở cô Tuyết Mai là sức quy tụ, cô góp phần xây dựng tập thể nhà trường đoàn kết, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.

Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Ảnh trên website trường)

Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Ảnh trên website trường)

Chia sẻ về điều cần thiết của một giáo viên ở vùng cao, cô Tuyết Mai nhấn mạnh phải có sự kiên trì và nhiệt huyết với nghề. Cô Mai luôn tâm niệm "nghề trồng người" đòi hỏi nhà giáo phải nêu cao lòng nhân ái sâu sắc, bao dung, độ lượng.

Sau 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, cô khẳng định Lai Châu đã nuôi dưỡng trong cô nghị lực, biết cách chia sẻ, thấu hiểu, cảm thông và khiến cô thêm tự hào về nghề giáo viên.

Bằng sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, cô Tuyết Mai đã nhận được những thành quả thích đáng cho sự đóng góp của mình như đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó có 13 năm liên tục và 2 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 7 lần được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen; 02 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Vinh dự nhất là năm học 2018-2019 cô Mai đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Trên cương vị là một người quản lí và 20 năm "gieo chữ" nơi vùng cao, điều khiến cô Mai trăn trở là vấn đề đồ dùng học tập, sách vở, trang thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu giáo dục hiện nay.

Tuy hàng năm nhà được đã cung cấp trang thiết bị dạy học, công tác xã hội hóa giáo dục đã được nhà trường triển khai có hiệu quả và trường nằm trong xã nông thôn mới nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao nên vẫn cần sự quan tâm, chia sẻ hơn của toàn xã hội.

Qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phần lớn giáo viên, cô Mai bày tỏ niềm mong mỏi về chế độ tiền lương cho giáo viên cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn. Bởi điều đó là nguồn động lực để các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến.

Theo cô, nếu có mức lương đảm bảo giáo viên có thể dành thời gian thay vì đi làm thêm để trang trải cuộc sống thì có thể học tập để đầu tư nâng cao chất lượng cho bài giảng, và nền giáo dục sẽ có nền móng tốt.

Phương Nga