Đưa SGK vào danh mục hàng hóa NN định giá, nghiên cứu ý kiến Sử là môn bắt buộc

16/06/2022 16:53
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị quyết bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá; nghiên cứu tiếp thu ý kiến đưa Lịch sử là môn bắt buộc

Với số phiếu 476/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,58%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nêu rõ, sau 19 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3.

Theo Nghị quyết, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua 05 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Điện ảnh, Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Cảnh sát cơ động); thông qua 17 nghị quyết (Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; …)

Đồng thời, Quốc hội cho ý kiến về 06 dự án luật (Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dầu khí (sửa đổi))

Bên cạnh kết quả đạt được, các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai; công tác dự báo thu ngân sách nhà nước chưa sát thực tiễn; phân bổ, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; chi chuyển nguồn ngân sách còn lớn,… Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, có nội dung đang được dư luận đặc biệt quan tâm, liên quan đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ảnh minh họa: quochoi.vn

Ảnh minh họa: quochoi.vn

Nghị quyết nhấn mạnh, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và Đại biểu Quốc hội về môn học Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.

Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay có ý kiến đề nghị cân nhắc thể hiện nội dung “Nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Giá theo hướng bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo quy định của Luật Giá, sách giáo khoa không phải là mặt hàng mà Nhà nước định giá. Tuy nhiên, mục tiêu điều tiết về giá sách giáo khoa theo quy định hiện hành không thực sự hiệu quả, đòi hỏi có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội và công bằng giữa các Nhà xuất bản.

“Việc sửa đổi Luật Giá là vấn đề cần đặt ra”- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2022.

Ngân Chi