Đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y khoa: Nên hay không?

25/05/2023 06:47
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc một số trường đại học ngoài công lập mới đây đã đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển y khoa

Vừa qua, thông tin từ 4 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập thông báo có môn Văn khi xét tuyển vào ngành y khoa của trường trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng, muốn có các bác sĩ giỏi, không những phải vững chuyên môn mà còn cần phải đào tạo cho họ có khả năng cảm thông, chia sẻ với người bệnh và người học giỏi Văn sẽ đáp ứng được những yếu tố này.

Một số khác lại cho rằng, việc đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y là không hợp lý và không mang lại ý nghĩa mà chỉ đơn giản là các trường ngoài công lập đó đang muốn gia tăng cạnh tranh và thu hút tuyển sinh,...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục trực tuyến Mclass (Hà Nội) bày tỏ quan điểm, không thể phủ nhận và đáng khen cho một số trường đại học trong thời gian gần đây, đặc biệt là các trường đại học tư thục liên tục đổi mới các phương thức tuyển sinh.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Tuy nhiên, không phải ngành học nào cũng áp dụng được như vậy vì thực tế, ngành y khoa là một ngành đặc thù liên quan đến tính mạng của con người, đòi hỏi đầu vào của người học là những y bác sĩ trong tương lai phải là những người có tính chuyên môn, tập trung trong công việc, tỉ mỉ, kiên trì cao.

Khi có những sự cố khẩn cấp liên quan đến tính mạng của bệnh nhân, đôi khi chỉ dựa trên những quyết định trong vài giây đòi hỏi họ phải là những người giỏi đưa ra những giải pháp đúng đắn và kịp thời, nhanh chóng mới có thể cứu sống được tính mạng của người bệnh.

Và muốn trở thành người bác sĩ giỏi về chuyên môn có thể giải quyết được những vấn đề như vậy, đòi hỏi người học phải có tố chất thiên về các môn khoa học tự nhiên.

"Không phải ngẫu nhiên các trường tuyển sinh vào ngành y từ lâu nay đều sử dụng các tổ hợp xét tuyển là các môn khoa học tự nhiên với điểm đầu vào trong các năm đều nằm trong tốp điểm cao như vậy.

Ngay từ đầu, để vào ngành y, người học cần hàm lượng kiến thức của môn Sinh học cao nên nếu không có gốc môn Sinh tốt khi vào bậc đại học, người học dễ bị thất bại ngay từ trong quá trình đào tạo do không vượt qua được các bài kiểm tra khắc nghiệt. Từ đó dẫn đến thất học, bỏ cuộc giữa chừng do không đáp ứng được yêu cầu của ngành học và gây lãng phí nguồn lực của nhà trường và xã hội", thầy Khánh nói.

Theo thầy Khánh, nếu đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y như tổ hợp D12 (Văn, Hóa, Anh), chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực khối ngành này trong tương lai là đáng báo động.

Bởi, việc phân loại người học ngay từ đầu vào nếu không tốt có thể gây ra sự sai lầm trong tuyển sinh cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực ngành y chất lượng cao trong tương lai và xác suất để trở thành những bác sĩ giỏi của những bạn có đầu vào không đảm bảo như vậy có thể sẽ rất thấp.

Vậy nên, thầy Khánh mong rằng, các cơ sở giáo dục đại học cũng như các bộ, ban, ngành có liên quan cần phải khẩn trương nhanh chóng xem xét lại việc tuyển sinh đầu vào của khối ngành này, không được dễ dàng trong việc tuyển sinh rồi để lại hậu quả khôn lường trong tương lai và đôi khi là những hậu quả không thể sửa chữa được.

Cũng theo thầy Khánh, môn Ngữ văn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo, giáo dục con người tại tất cả các bậc học và không thể phủ nhận rằng, những bạn học giỏi môn Văn có thể có khả năng giao tiếp, thuyết trình, chia sẻ tốt.

Nhưng những kỹ năng mềm như giao tiếp, chia sẻ, tương tác hay thuyết trình,… không chỉ học giỏi môn Văn chúng ta mới có được mà có thể thông qua việc học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, tích cực đọc sách, nghiên cứu tài liệu,…

Chia sẻ từ Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Long, công tác tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho hay, qua thực tế và kinh nghiệm làm việc của mình, ông ủng hộ về việc có thêm tổ hợp xét tuyển có môn Ngữ văn vào ngành Y khoa của một số trường đại học mới đưa ra gần đây.

Theo bác sĩ Long, việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa không làm cho chất lượng của nguồn nhân lực này giảm đi mà thay vào đó là giúp tạo ra một người bác sĩ toàn diện hơn.

Các môn học trong tổ hợp để xét tuyển vào ngành từ trước đến nay thường là các môn khoa học tự nhiên như Toán, Hóa, Sinh. Những môn này có thể sàng lọc ra những thí sinh có IQ (chỉ số trí tuệ logic) cao để vào học ngành (ngành là ngành học rất khó).

Tuy nhiên, một chỉ số trí tuệ khác cũng rất quan trọng mà một bác sĩ cần phải có là chỉ số EQ (chỉ số trí tuệ cảm xúc) để có được sự tinh tế, mềm mại, thấu hiểu, giải thích được cho bệnh nhân của mình. Và môn Văn có thể luyện cho người học những yếu tố này.

Bản thân bác sĩ Long khi đi làm tại một số bệnh viện đều nhận thấy rằng có nhiều người bác sĩ chưa tinh tế, khéo léo, chưa biết cách giải thích,…nên rất dễ khiến cho người bệnh lo lắng và có các cảm xúc tiêu cực.

Hơn nữa, ngành y là ngành học có liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người cũng như để phục vụ cho bệnh nhân. Người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái và suy nghĩ tích cực hơn nếu những thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng luôn luôn được các bác sĩ thấu hiểu và sẻ chia. Từ đó, gia tăng sự tin tưởng và yên tâm hơn cho bệnh nhân trong việc cứu chữa bệnh.

Do vậy, bác sĩ Long cho rằng, việc đưa môn Văn vào trong tổ hợp xét tuyển ngành y sẽ giúp cho nguồn nhân lực của khối ngành này được phát triển một cách hài hòa và là việc làm phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

“Chúng ta vẫn thường hay nói rằng “lương y như từ mẫu”, một người bác sĩ muốn giỏi phải là người đảm bảo đủ cả 02 yếu tố là vừa có sự thông minh để vững về chuyên môn, vừa phải biết chia sẻ, lắng nghe, cảm thông với những tâm tư, nỗi đau,… của người bệnh”, bác sĩ Long nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Long, môn Sinh ở bậc phổ thông đóng vai trò là gợi mở, tạo đam mê cho những người thích nghiên cứu về sinh học, sinh lý, cơ thể con người,… Nhiều người cũng cho rằng môn Sinh giữ vai trò rất quan trọng và bắt buộc khi tuyển sinh vào ngành y.

Tuy nhiên, khi vào thực tế học tại bậc đại học và khi hành nghề, các kiến thức trong ngành y đi xa hơn rất nhiều so với các kiến thức từ trung học phổ thông. Các kiến thức từ bậc phổ thông thường chỉ mang tính định hướng và sàng lọc cho người học theo thiên hướng của họ.

Tường San