Dư người học nhưng thiếu chỉ tiêu, Âm nhạc truyền thống gặp nhiều thách thức

01/06/2023 06:40
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dư người học có nhu cầu nhưng thiếu chỉ tiêu được giao khiến việc đào tạo nguồn nhân lực âm nhạc truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức.

Cần có những trường đào tạo nghệ thuật ngay từ bậc tiểu học

Âm nhạc truyền thống là những tinh túy, hồn cốt đã được cha ông ta tích lũy từ hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và du nhập nhiều thể loại âm nhạc đa dạng, hiện âm nhạc truyền thống đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Cồ Huy Hùng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Theo thầy Hùng, khoa Âm nhạc truyền thống luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo; các em học sinh, sinh viên tham gia học gần như được miễn, giảm học phí khi nhận được nhiều học bổng từ nhà nước, các doanh nghiệp, các nghệ sĩ nhân dân,…

Không những vậy, học viên của khoa Âm nhạc truyền thống có lợi thế là các em đều được học nhiều chuyên ngành về các loại nhạc cụ khác nhau để khi tốt nghiệp ra trường các em có đầu ra công việc rộng mở.

Nguồn tuyển sinh của khoa cũng khá dồi dào từ các trung tâm nghệ thuật, nhà văn hóa tại các địa phương, các trường phổ thông,…

Nhờ đó, những năm gần đây, số lượng tuyển sinh của khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là tín hiệu đáng mừng khi đều đạt chỉ tiêu được giao.

Mặc dù nguồn tuyển sinh của khoa dồi dào như vậy nhưng chất lượng đầu vào lại chưa được như mong đợi. Theo thầy Hùng, để âm nhạc truyền thống có sức sống lan tỏa hơn nữa trong xã hội, cũng như thu hút được nhiều tài năng trẻ cần phải có những trường vệ tinh đào tào nguồn lực này ngay từ bậc tiểu học.

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Cồ Huy Hùng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hướng dẫn sinh viên trong tiết học (Ảnh: TM).

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Cồ Huy Hùng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hướng dẫn sinh viên trong tiết học (Ảnh: TM).

Hiện nay, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đào tạo 2 trình độ là trung cấp (6 năm) và đại học (4 năm). Đối với trình độ trung cấp, khoa Âm nhạc truyền thống tuyển sinh các bạn học hết lớp 6. Tuy nhiên, thầy Hùng cho rằng, dù nhiều em có niềm đam mê lớn nhưng 12, 13 tuổi mới bắt đầu ôm đàn sẽ rất khó tìm được tài năng.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi các em được tiếp cận với nhiều thể loại âm nhạc hiện đại khắp trên thế giới, nếu không tạo dựng tình yêu, đam mê cho các em ngay từ khi còn nhỏ với nghệ thuật truyền thống nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng sẽ là một thách thức lớn.

Một số em học âm nhạc truyền thống để hiểu biết thêm, hoặc thậm chí để được cộng điểm đi du học,…

“Việc chưa có những trường đào tạo nghệ thuật ngay từ bậc tiểu học chính là bất lợi chính cho các em. Chúng ta phải làm sao để khi đến 10 tuổi, các em có thể nắm được những kiến thức nền tảng, cơ bản, lúc đó việc đưa hồn cốt của âm nhạc truyền thống vào các bạn mới thẩm thấu, tiếp thu được hiệu quả”, thầy Hùng chia sẻ.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, âm nhạc truyền thống vẫn đang phải đứng trước nhiều thách thức. Bởi, không được đón nhận nhiều như các loại âm nhạc khác dễ dàng nghe hiểu ngay, muốn hiểu được âm nhạc truyền thống, phải biết yêu và cần quá trình mới có thể hiểu được.

Âm nhạc truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ văn hóa truyền thống của một dân tộc. Và trước bối cảnh như vậy, nếu không giữ được thì sẽ rất dễ bị cuốn đi.

Tuy nhiên, thầy Hùng tin rằng, âm nhạc truyền thống sẽ không bao giờ bị mai một bởi đó là hồn cốt, mà thay vào đó là luôn luôn được lưu giữ và lưu truyền.

“Trách nhiệm của chúng tôi là bảo tồn và phát huy, gìn giữ truyền thống mà cha ông để lại. Trong một xã hội văn hóa đa chiều như vậy, đứng trước thách thức, các bạn trẻ phải làm sao để hòa nhập chứ không hòa tan”, thầy Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hiện nay, trường chịu sự quản lý từ 3 Bộ là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ chủ quản), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (trình độ trung cấp) nên có một số thông tư, nghị định còn chồng chéo.

Thầy Hùng cũng mong rằng, các em học sinh, sinh viên của khoa được tăng cường thêm giờ học chuyên môn, kiến thức ngành nhiều hơn để nâng cao khả năng thực hành cho các em.

Âm nhạc truyền thống phải đi được cùng với thời đại, quen thuộc với người trẻ

Cũng chia sẻ về tình hình tuyển sinh và đào tạo của khối ngành Âm nhạc truyền thống, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Hải Phượng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, do bị hạn chế về chỉ tiêu tuyển sinh của bậc đại học, khoa đã phải từ chối rất nhiều bạn có năng khiếu và trình độ.

Trong khi đó, so với những ngành nghề khác, số lượng người học yêu thích, đam mê và muốn đi học bậc đại học của ngành âm nhạc truyền thống vốn rất ít và không phải dễ kiếm.

“Là Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy rất tiếc khi khoa của mình dù dư người muốn vào nhưng lại thiếu chỉ tiêu.

Việc này đã làm hạn chế đi cơ hội cho các bạn yêu thích ngành nghề âm nhạc truyền thống thực sự cũng như giảm đi cơ hội để có đội ngũ kế thừa cho khối ngành này trong tương lai”, cô Phượng nêu ý kiến.

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Hải Phượng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Hải Phượng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC).

Đây sẽ là thách thức cho nguồn nhân lực của ngành nghề nghệ thuật truyền thống trong tương lai bởi lâu dần, chúng ta sẽ bị thiếu đi nguồn lực, thiếu đi thế hệ kế thừa những văn hóa, âm nhạc lâu đời đã được cha ông ta tích lũy từ hàng ngàn năm.

Và nếu không có nhiều người để lưu truyền, dần dần, âm nhạc truyền thống sẽ bị co cụm lại. Âm nhạc truyền thống nếu không sống gắn bó với người dân mà chỉ sống hạn chế trong môi trường nhỏ, lâu dần sẽ bị lãng quên.

Đứng trước những thách thức trong bối cảnh xã hội hiện đại như hiện nay, chúng ta phải làm sao để giữ được âm nhạc truyền thống vẫn đi được cùng với thời đại và trở nên quen thuộc được với các bạn trẻ, cạnh tranh được với loại âm nhạc hiện đại khác.

Việc gia tăng được thêm chỉ tiêu cho người học sẽ là cơ hội để cho âm nhạc truyền thống được quảng bá, lưu giữ được rộng mở nhiều hơn. Bởi, khi ngày càng có nhiều người biết đến, hiểu và chơi các nhạc cụ truyền thống, sức lan truyền, gìn giữ trong cộng đồng sẽ càng lớn hơn.

Cũng theo cô Phượng, khó khăn trong việc đào tạo học sinh, sinh viên của khoa hiện nay là các em chưa có nhiều thời gian ra ngoài giao lưu, học hỏi thực tế để nâng cao, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tế khi tốt nghiệp ra trường đi làm.

Thế nhưng, trong một môi trường đào tạo lại có nhiều quy chế như giảng viên trong trường phải có bằng cấp, học vị. Trong khi đó, các nghệ nhân bên ngoài, họ không có bằng cấp hay học vị nhưng những kinh nghiệm mà họ có được sẽ giúp cho các em bám sát được với thực tế khi bước ra đời làm nghề.

Do vậy, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh mong rằng, các ban, bộ, ngành có liên quan nên tạo điều kiện để các nghệ nhân được danh chính ngôn thuận vào các trường đào tạo nghệ thuật truyền nghề cho người học.

Bên cạnh đó, cần tổ chức thêm nhiều buổi biểu diễn để nhiều người biết đến và hiểu hơn về âm nhạc truyền thống.

“Khi chúng tôi đi biểu diễn tại các trường học, đã có rất nhiều em nhận thấy đam mê của mình với âm nhạc truyền thống và đăng ký vào học.

Tuy nhiên, theo tôi được biết, tại một số cơ sở đào tạo nghệ thuật do chưa đủ điều kiện để tổ chức các buổi biểu diễn một cách chỉn chu. Tôi mong rằng, lãnh đạo các nhà trường, cùng các bộ, ban ngành quan tâm hơn đến điều kiện cơ sở vật chất của các trường để góp phần nâng cao việc “đưa âm nhạc đến trường học”. Từ đó, sức lan tỏa của ngành nghề này mới càng trở nên phổ biến, rộng rãi”, cô Phượng nhấn mạnh.

Tường San