Ở nơi đất khách quê người, du học sinh tự lập thế nào?

17/08/2020 06:29
Thái Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hầu như các bạn trẻ trước khi đi du học đều chưa có nhiều kinh nghiệm và kĩ năng để sống độc lập nên bỡ ngỡ đủ thứ.

Trong bài viết này, Thái Phương, một du học sinh tại Mỹ chia sẻ các kinh nghiệm khi đi du học, trong đó có một phần rất quan trọng là tự quản lý chi tiêu. Thái Phương đang học phổ thông tại The Hun School và mong muốn năm tới sẽ trúng tuyển vào Đại học New York (xếp thứ 29 tại Mỹ).

Khi đi du học, bạn không chỉ chi trả học phí mà còn trả tiền cho sinh hoạt hàng ngày. Ở nhà với cha mẹ, mọi sự cứ tưởng như đơn giản thôi, vì luôn có người thân trợ giúp, nhưng ở đất khách quê người thì không dễ dàng.

Đến khi sang đất nước mới, bạn sẽ nhận ra có hàng đống hoá đơn cho những chi phí phát sinh liên tục cần chi trả như điện, nước, đồ ăn, sách vở, bảo hiểm…

Sau đây là những bài học mình đúc kết từ kinh nghiệm của bản thân để giúp các bạn du học sinh tương lai nắm được phương pháp quản lý chi tiêu hợp lý và tiết kiệm.

Tìm hiểu điều kiện ăn ở và sinh hoạt tại khu vực sắp đến

Một việc du học sinh không thể lơ là chính là nghiên cứu về thông tin giá cả sinh hoạt, nhà ở tại đất nước mà bạn sắp đến.

Không tìm hiểu kĩ những thông tin này có thể làm tân sinh viên bị sốc và ảnh hưởng lớn về tâm lý vì không thể xử lý khó khăn tài chính.

Dựa theo kinh nghiệm mình đã trải qua, có thể khẳng định nếu bạn quyết tâm mở cánh cửa du học thì cần phải tìm hiểu kĩ về địa điểm, giá cả sinh hoạt, nhà ở và các chi phí khác.

Thái Phương tại New Jersey (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thái Phương tại New Jersey (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tại đất nước rộng lớn như Mỹ, mỗi vùng có mức chi phí sinh hoạt rất khác nhau. Ví dụ, tại Texas nơi bạn mình ở, mức chi phí trung bình một tháng vào khoảng 1200 USD, còn ở Bắc Dakota là khoảng 1000 USD...

Ở New Jersey nơi mình đang theo học có chi phí trung bình khá cao, lên đến khoảng 1800 USD/tháng, thậm chí thành phố New York ngay cạnh còn tới 2200 USD/tháng.

Thông qua tìm hiểu trước, bạn sẽ ước lượng được con số chi tiêu phù hợp với hoàn cảnh gia đình nhất.

Lập kế hoạch chi tiêu

Nếu không có kế hoạch chi tiêu sẵn từ trước, bạn sẽ dễ dàng vượt ra khỏi ngân sách mà bản thân có thể đảm đương được. Dựa theo phần tìm hiểu mức sống ở nơi bạn học, ta có thể lập một bảng kế hoạch phần trăm chi phí.

Thông thường, tỉ trọng phần trăm chiếm cao nhất (khoảng 30% tổng phí sinh hoạt) chính là tiền thuê nhà, và phần còn lại quan trọng thứ hai là tiền ăn. Các tiện ích khác như phí đi lại, điện thoại, mạng, điện, nước là chi phí cần thiết thứ ba.

Những chi phí về các tiện ích kể trên là số tiền tối thiểu bạn cần để chi ra và không được để ảnh hưởng đến.

Ngoài ra, những chi phí có thể bỏ ra nếu bạn còn dư dả gồm có phí giải trí (như đi ăn nhà hàng, xem phim), mua quần áo, làm tóc.

Như tại New Jersey, mình thường dành ra không quá 50 USD cho một chuyến đi chơi bao gồm 2 chiều đi xe taxi lên khu trung tâm và một bữa ăn tại nhà hàng.

Cần lưu ý là bạn nên để dành một khoản tiền để đề phòng có sự cố như đau ốm để đi khám bệnh và mua thuốc, ít nhất từ 300 đến 500 USD.

Cam kết chi tiêu đúng kế hoạch đã lập ra

Trải qua 2 năm sinh sống tại Mỹ, Thái Phương đã thành thạo trong việc quản lý chi tiêu.

Trải qua 2 năm sinh sống tại Mỹ, Thái Phương đã thành thạo trong việc quản lý chi tiêu.

Để kiểm soát tốt tài chính diễn ra như dự kiến, bạn cần phải quyết tâm không chi tiêu lệch ra khỏi kế hoạch.

Một trong những mẹo để giúp bạn thực hiện được dễ dàng hơn chính là ghi chép lại những gì đã chi tiêu. Một cuốn sổ tay hoặc một mục lưu trong điện thoại sẽ rất hữu dụng cho việc quản lý tiền bạc.

Thói quen này khiến bạn nhận ra xu hướng bản thân sử dụng tiền như thế nào và có những biện pháp thay đổi kịp thời cho những chi tiêu không phù hợp.

Bạn nên có thói quen tổng hợp theo tuần và theo tháng, qua đó sẽ hạn chế được những chi phí không cần thiết thấp nhất có thể nếu chi tiêu gần ở mức báo động.

Để ghi chép lại chi tiêu hiệu quả hơn, bạn cần có một thói quen khác là giữ lại hoá đơn những gì mình đã tiêu bởi không dễ để có thể nhớ tất cả các khoản.

Có một điều tưởng đơn giản nhưng rất khó chính là phải cân nhắc kỹ trước khi mua món đồ mình thích. Các mặt hàng hay dịch vụ giải trí ở các nước bạn đi du học đều có giá thành cao hơn so với các mặt hàng ở Việt Nam.

Thế nên cần đặt câu hỏi cho chính mình liệu món đồ đó có thực sự cần hay không? Nếu mua món đồ đó thì có ảnh hưởng gì đến những chi phí sinh hoạt bắt buộc của bản thân không?

Bên cạnh đó, một điều rất quan trọng là bạn tuyệt đối phải tránh những khoản nợ không liên quan đến chi phí học tại trường.

Thông thường, các nước phát triển rất phổ biến và khuyến khích việc chi tiêu qua thẻ tín dụng, nhưng đối với sinh viên Việt Nam, ít bạn nào đã được tiếp xúc với thẻ tín dụng và thực sự am hiểu hay chủ động về quản lý thẻ.

Khi ấy, thẻ tín dụng trở thành một “cạm bẫy” ngọt ngào nhưng nguy hiểm bởi việc tiêu tiền lúc đó nhìn rất… “ảo”, cứ đưa thẻ ra là… quẹt thôi, không có cảm giác rõ như khi móc tiền thật trong ví ra chi.

Nhưng cuối tháng, ngân hàng báo nợ thẻ lúc đó mình mới “choáng” vì cộng tổng lại không ngờ lên cao thế!

Sau đó, một thời gian mình đã chuyển sang dùng tiền mặt cho những khoản khác, trừ học phí, để dễ dàng kiểm soát bản thân hơn.

Phương án tiết kiệm hiệu quả

Có những phương án để giảm được phần lớn chi phí của bạn chính là tận dụng những thời điểm mua hàng giảm giá hoặc được tặng miễn phí.

Về chi tiêu hàng ngày như phí điện thoại, bạn nên mua của hãng lớn uy tín như T Mobile, đây cũng chính là hãng mình đang sử dụng.

Hãng này có cung cấp gói cho học sinh, sinh viên, nếu bạn chưa đến 18 tuổi thì nên liên hệ giáo viên tư vấn. Tốt nhất để tránh có sự cố bạn nên mua gói trả trước.

Nếu tìm hiểu về học tập tại Mỹ, hẳn các bạn cũng biết sách mới ở đây rất đắt. Các bộ sách mới của các đầu sách trường yêu cầu sử dụng thường có giá cao, thông thường rơi vào 100 - 150 USD một quyển sách.

Trong khi đó, bạn có thể mua lại sách cũ tại cửa hàng online, cửa hàng sách cũ hoặc từ các anh chị khoá trên với giá chỉ bằng 1/4 sách mới, như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản lớn.

Tuy là sách cũ, nhưng những cuốn sách này thường được giữ gìn tốt và mới từ 70% đến 90%.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những hoạt động và dịch vụ nhà trường cung cấp. Thông thường, chi phí bạn đóng theo học kì cho trường đã bao gồm những phí hoạt động như nhà ăn, phòng tập thể thao, trung tâm sinh viên.

Tại trường The Hun School mình đang theo học có cung cấp các cơ sở vật chất giải trí như phòng hát karaoke, bowling và chơi trò chơi như một trung tâm giải trí.

Mỗi cuối tuần, trường tổ chức một buổi hoạt động dã ngoại bao gồm đi ăn nhà hàng hoàn toàn miễn phí.

Vì thế, bạn hãy nhớ tận dụng tối đa những cơ sở vật chất và tiện ích này trước khi quyết định trả phí cho những dịch vụ tương tự bên ngoài.

Hơn nữa, việc tham gia các tiện ích của trường cũng giúp bạn gắn bó và mở rộng cơ hội kết bạn và quan hệ ở trong trường.

Ngoài các phương án giảm thiểu chi tiêu, bạn cũng có thể gia tăng quỹ chi tiêu của bản thân bằng nhiều cách khác nhau như bán những vật sử dụng không cần thiết và làm thêm.

Đa phần các sinh viên nước ngoài đều ứng tuyển làm thêm để có thu nhập, không bị phụ thuộc vào gia đình mà có thể tăng thêm nhiều kĩ năng mềm chuẩn bị cho tốt nghiệp và tìm công việc toàn thời gian.

Thái Phương