Nắm rõ tiêu chí, hiểu bản thân là yêu cầu tiên quyết để bài luận ghi điểm

04/02/2022 07:12
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chị Đinh Thị Thanh Hoa có gần 10 năm kinh nghiệm hỗ trợ ứng viên giành học bổng du học. Chị cho rằng cần nắm vững tiêu chí, hiểu rõ bản thân trước khi viết luận.

Đinh Thị Thanh Hoa (sinh năm 1989, Ninh Bình) là cựu sinh viên ngành Quản lý chuyên ngành Tài chính (Master of Management, Finance) tại University of Waikato. Năm 2012, chị giành được học bổng toàn phần ASEAN, của chính phủ New Zealand với trị giá khoảng 2 tỷ đồng cho bậc thạc sĩ.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Thanh Hoa cho biết bản thân có ý định xin học bổng từ những năm cấp 3.

Năm 2007 khi theo học Đại học Ngoại thương, chị Hoa bắt đầu xây dựng hồ sơ và trau dồi kỹ năng cũng như kết nối với các anh chị, các bạn được học bổng đi trước để xin kinh nghiệm.

Sau khi tốt nghiệp, chị Thanh Hoa thi IELTS và nộp hồ sơ săn học bổng và nhận được lời mời phỏng vấn cho học bổng chính phủ Thụy Sỹ. Tuy nhiên sau đó chị liên tiếp trượt trên dưới 10 học bổng khác nhau.

Một năm sau (năm 2012) chị nhận được học bổng toàn phần của chính phủ New Zealand cho 2 năm học thạc sỹ tại University of Waikato.

Từ đó đến giờ đã khoảng 10 năm chị Thanh Hoa chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ nhiều bạn giành được học bổng từ các chương trình Mentor/class HannahEd và cộng đồng Scholarship for Vietnamese students.

Hiện tại chị Hoa đang làm Operations Lead cho Google Ireland và là người sáng lập HannahEd Scholarship for Vietnamese students.

Chị Đinh Thị Thanh Hoa đang làm việc Google Ireland. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Đinh Thị Thanh Hoa đang làm việc Google Ireland. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Về Google Ireland đây là trụ sở chính của công ty ở châu Âu. Công việc của chị liên quan đến việc lên chiến lược, kế hoạch tài chính, nhân lực cũng như quản lý hoạt động của các team cung cấp dịch vụ cho Google ở Dublin, Bồ Đào Nha và Ba Lan.

Dựa trên kinh nghiệm của mình, chị Thanh Hoa cho rằng bài luận đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì nó là nơi các bạn thể hiện được sự phù hợp với tiêu chí của học bổng, những câu chuyện, màu sắc cá nhân của bản thân, và cũng có thể giải thích thêm nếu như ứng viên học trái ngành hay lí do GPA thấp, …

Chị Hoa lý giải: “Học bổng có nhiều loại và rất nhiều tiêu chí khác nhau không chỉ có GPA hay IELTS. Ví dụ một bạn học sinh của tôi có GPA ở mức khá, bạn học trường đại học tư thục chứ không phải trường công lớn.

Tuy nhiên ra trường bạn ấy có nhiều năm kinh nghiệm làm việc và phát triển được những kỹ năng như lãnh đạo và có định hướng nghề nghiệp tốt. Bạn cũng khéo léo đưa vào bài luận và đã ghi điểm với hội đồng học bổng và nhận được 6 học bổng trường ở Anh cho chương trình thạc sỹ.”

Theo chị Hoa để bài luận chinh phục được hội đồng tuyển sinh điều đầu tiên ứng viên cần phải đọc và hiểu rõ yêu cầu, tiêu chí của học bổng để viết bài đúng hướng. Ví dụ học bổng yêu cầu cần có thành tích học tập tốt mà bạn lại mải mê kể về thành tích thể thao, ngoại khoá thì bài luận sẽ bị lạc đề.

Chị Thanh Hoa có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn ứng viên giành học bổng du học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Thanh Hoa có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn ứng viên giành học bổng du học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thêm vào đó, ứng viên cần hiểu về bản thân đâu là điểm mạnh, điểm yếu, điểm khác biệt để đưa vào luận. Cuối cùng là những kiến thức chung về cuộc sống, ngành học, …nhằm làm giàu thêm ý tưởng cho bài luận.

Trong quá trình 10 năm hỗ trợ ứng viên nộp hồ sơ giành học bổng, chị Hoa nhận thấy một số lỗi phổ biến trong bài luận như lạc đề.

Nghĩa là trả lời không đúng theo tiêu chí của học bổng; Trả lời rất chung chung những lí do chọn ngành, trường thể hiện sự thiếu tìm hiểu về những gì mình muốn học trong tương lai; Trả lời lan man kể hay ẩn dụ quá nhiều mà quên mất là hội đồng đang muốn hiểu thêm về con người của ứng viên, những hành động suy nghĩ cụ thể của bạn trong tình huống mà học bổng đưa ra.

Chị Hoa bổ sung tùy thuộc vào học bổng sẽ yêu cầu bài luận có độ dài khác nhau. Ví dụ một số học bổng châu Âu, Hàn Quốc thì có thể viết thoải mái trong khoảng 2 trang khoảng 1000 từ. Tuy nhiên châu Úc, Mỹ thì rất nhiều trường quy định tầm 300-500 từ cho 1 câu trả lời.

Chị Hoa cho rằng điểm IELTS Writing không phải là yếu tố quyết định giúp bài luận gây được ấn tượng với hội đồng tuyển sinh. Nhưng từ bài thi IELTS, ứng viên có thể có vốn từ vựng, cấu trúc tốt. Bên cạnh đó các bạn cần thêm những hiểu biết sâu về bản thân, ngành, trường, quốc gia và khả năng tư duy nữa.

Để có bài luận tốt, chị Thanh Hoa cho rằng: “Ứng viên cần phải bám vào tiêu chí để lựa chọn câu chuyện phù hợp ví dụ học bổng thiên về research thì cần thể hiện rõ kinh nghiệm nghiên cứu, hướng nghiên cứu sắp tới như thế nào. Còn màu sắc cá nhân là sự trải nghiệm, khả năng tư duy của từng bạn nữa. Ví dụ 1 bạn ngoài việc học ra thì không có hoạt động ngoại khóa thì câu chuyện cũng sẽ bị bó hẹp hơn.”

Bài luận có sức thuyết phục nằm ở việc ứng viên cần viết dựa trên thành tích, trải nghiệm của bản thân và cần đồng nhất với các giấy tờ khác ví dụ như CV (Curriculum Vitae).

Nếu CV của bạn không đề cập tới 1 hoạt động ngoại khóa nào nhưng bài luận lại nói bạn tham gia tích cực ngoại khóa thì sẽ giảm độ xác thực của bài.

“Thêm vào đó khi viết bài luận ứng viên nên sử dụng văn phong học thuật, tránh viết quá nhiều tiếng lóng và thiếu trang trọng”, chị Thanh Hoa bổ sung.

Nhật Tân