Kỹ sư người Việt tại Phần Lan chỉ cách “săn” học bổng của Liên minh châu Âu

08/09/2021 07:24
Nguyễn Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguyễn Xuân Nam vừa tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc chuyên ngành An toàn thông tin và Điện toán đám mây.

Hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Aalto (Phần Lan) trong 2 năm học, Nguyễn Xuân Nam (sinh năm 1994, Hà Nội) hiện đang là kỹ sư phần mềm tại công ty Ericsson (Phần Lan), một trong những công ty tốp đầu thế giới về lắp đặt mạng 5G.

Hành trình chinh phục học bổng danh giá

Tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Xuân Nam bắt đầu hành trình nộp hồ sơ du học bậc thạc sĩ và tiến sĩ, với mong muốn có cơ hội được học tập, nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.

Nguyễn Xuân Nam, cựu sinh viên Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) xuất sắc chinh phục học bổng thạc sĩ liên minh châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyễn Xuân Nam, cựu sinh viên Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) xuất sắc chinh phục học bổng thạc sĩ liên minh châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thời điểm đó, sau khi tốt nghiệp, chàng trai 9x may mắn có cơ hội được làm giảng viên tại Đại học Công nghệ. Hai năm tiếp theo, Nam vừa làm việc, vừa chuẩn bị hồ sơ du học hướng tới những chương trình học bổng liên quan đến chuyên ngành về An toàn thông tin.

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị hồ sơ, Xuân Nam cho biết, anh bắt đầu bằng việc tập trung và trau dồi ngôn ngữ tiếng Anh. Nhận thấy khả năng tiếng Anh của bản thân chưa tốt, Nam dành nửa năm để ôn tập, kết quả đạt 6.5 IELTS.

“Đây là mức điểm vừa đủ điều kiện để nộp hồ sơ du học. Các trường không yêu cầu quá cao về điểm IELTS nên mình muốn dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu”, Nam chia sẻ.

Trong thời gian 2 năm làm việc tại trường, Xuân Nam tích cực tham gia viết các bài báo khoa học về vấn đề an toàn thông tin. Đây là một trong những điểm mạnh trong bộ hồ sơ của Nam để có thể chinh phục được các học bổng danh giá.

Chàng trai 9x cho biết, An toàn thông tin là một ngành nhỏ của chuyên ngành Công nghệ thông tin. Hiện nay, an toàn thông tin rất phổ biến, đặc biệt là liên quan đến vấn đề an ninh mạng và bảo mật ở các quốc gia. Nhận thấy cơ hội phát triển và tiềm năng ở ngành học này, Xuân Nam bắt đầu đi tìm hiểu sâu hơn và tham gia viết các bài báo khoa học, tìm tòi, làm các dự án nghiên cứu liên quan đến ngành học.

Với đề tài nghiên cứu là phát hiện truy cập bất thường trong an ninh mạng, chàng trai Hà Nội được tham gia 3 nghiên cứu khoa học được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành An toàn thông tin, đó là: báo cáo có tựa đề “A Novel Payload-based One-Class Classifier for Anomaly Detection” được công bố tại hội nghị quốc tế , báo cáo “Intrusion Detection Using a More General feature extraction method for Payload” được công bố tại hội nghị trong nước và bài viết “Generalized Feature Extraction Method for Payload-based Anomaly One-Class Classifier”.

Trong hồ sơ đăng ký học tiến sĩ, ứng viên có các nghiên cứu sẽ là một điểm sáng với ban tuyển sinh, bởi điều đó đã thể hiện một phần nào năng lực của bản thân và sự năng nổ, cố gắng trong công việc của mình.

Song song với việc viết các bài báo khoa học, Nam dành thời gian viết luận và thư giới thiệu. Trong bài luận, chàng trai 9x viết về con người mình, niềm đam mê với nghiên cứu, quá trình làm nghiên cứu... thể hiện được cá tính, đam mê và nỗ lực.

Nộp hồ sơ học bổng vào cả 2 chương trình thạc sĩ và tiến sĩ, Xuân Nam xuất sắc giành 3 học bổng danh giá là: Học bổng toàn phần EIT Digital Master School, học bổng tiến sĩ của Trường Đại học Quốc gia Úc và học bổng toàn phần du học châu Âu - Erasmus Mundus.

Cuối cùng, chàng trai 9x đã lựa chọn theo chương trình thạc sĩ với học bổng toàn phần của Liên minh châu Âu gần 1,5 tỉ đồng tại Đại học Aalto (Phần Lan). Lợi thế trong chương trình này là Nam được học 18 tháng tại Phần Lan và 6 tháng tại Na Uy. Điều này mang đến cho Xuân Nam rất nhiều trải nghiệm quan trọng cả về môi trường học tập và đời sống.

Trở thành kỹ sư phần mềm tại công ty hàng đầu về mạng 5G

Hiện tại, Xuân Nam đang là kỹ sư phần mềm tại công ty Ericsson (Phần Lan), một trong 3 công ty đang dẫn đầu về lắp đặt mạng 5G trên thế giới.

Nam cho biết, quá trình ứng tuyển, thực tập cũng khá là khó khăn, vất vả. Ngay từ kì hai năm nhất của chương trình học thạc sĩ tại Phần Lan, chàng trai 9x đã gửi hồ sơ thực tập cho rất nhiều những công ty tại Phần Lan, tuy nhiên đa số đều không có phản hồi lại.

Theo Nam, để tìm kiếm công việc thực tập, ban đầu phải tạo được niềm tin cho họ thấy được mình có năng lực và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Hiểu được điều đó, Nam không ngừng học tập nỗ lực và đạt thành tích xuất sắc với đa số các môn đều được 5/5 theo thang điểm của Phần Lan.

Cũng từ đó, Nam may mắn được thầy chủ nhiệm thấy được năng lực làm việc của mình đã giới thiệu, xin thực tập tại công ty viễn thông Ericsson. Sau khi tốt nghiệp, Nam nhận được lời mời về làm việc tại công ty.

“Trong quá trình học, nếu ứng viên có dự định làm việc tại nước đó thì nên có sự chuẩn bị, trau dồi kĩ năng, điểm số học tập tốt và làm thực tập ngay từ những năm đầu để tạo ra nhiều cơ hội hơn cho bản thân”, Nam chia sẻ.

Sau hơn 2 năm sinh sống và làm việc tại Phần Lan, chàng trai Hà Nội đã có những ấn tượng và trải nghiệm khó quên. Đó là những ấn tượng về con người nơi đây với sự hiền lành, chất phát, luôn giúp đỡ những người xung quanh.

Bên cạnh đó là môi trường làm việc luôn có tính tự giác và kỉ luật rất cao. Người Phần Lan khi làm việc không bao giờ đến muộn và trong khi làm không cần sự giám sát.

Nói về dự định trong thời gian tới, chàng trai người Hà Nội sẽ tiếp tục tìm kiếm và làm việc tại các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực an toàn thông tin để có điều kiện học hỏi thêm được nhiều kiến thức và kĩ năng từ chuyên môn đến thực tiễn.

Nguyễn Kim Anh