Kinh nghiệm giành học bổng Đại học Thanh Hoa: hãy chứng minh bạn phù hợp nhất

21/10/2021 06:33
Lan Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trần Thị Kim Dung (sinh năm 1996) đã thành công nhận được học bổng toàn phần học phí (Full Tuition Scholarship) của Đại học Thanh Hoa vào năm 2020.

Hiện tại, Kim Dung đang là sinh viên năm hai hệ Thạc sĩ chuyên ngành Global Business Journalism (Báo chí Kinh doanh Quốc tế) của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Đây là chương trình đào tạo bằng Tiếng Anh, hợp tác với trang tin toàn cầu Bloomberg và Trung tâm Quốc tế cho Nhà báo (International Center for Journalists).

Trước khi theo học ở Thanh Hoa, Kim Dung là cử nhân ngành Truyền thông Quốc tế của Học viện Ngoại Giao, là cán bộ truyền thông tại Văn phòng Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844), và phó trưởng ban điều hành dự án Diễn đàn Mô phỏng Nghị viện trẻ năm 2018-2019.

Kim Dung đang học Thạc sĩ chuyên ngành Báo chí Kinh doanh Quốc tế ( Ảnh: NVCC)

Kim Dung đang học Thạc sĩ chuyên ngành Báo chí Kinh doanh Quốc tế ( Ảnh: NVCC)

Làm việc trong môi trường nhà nước với vị trí cán bộ truyền thông từ khi mới ra trường, Kim Dung đã hiểu được sức mạnh của báo chí khi có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội (đương nhiên với đạo đức nghề nghiệp đặt lên trên hết), cũng như sức ảnh hưởng của nó đến quyết định các lãnh đạo trong các vấn đề quốc gia.

Mặt khác, sinh ra và lớn lên trong một quốc gia đang phát triển, Kim Dung có khát vọng tìm hiểu và bước gia thế giới rộng lớn hơn.

Chính vì vậy, Kim Dung chọn ngành học về báo chí kinh doanh là bước tiếp theo trong con đường học thuật và sự nghiệp.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do lựa chọn du học Trung Quốc, Kim Dung chia sẻ:

“Trung Quốc là một đất nước có thị trường lớn nhất và nằm trong chuỗi cung ứng thế giới trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Trung Quốc là nơi mọi doanh nghiệp toàn cầu muốn làm ăn.

Tôi cũng có niềm yêu thích với văn hóa Trung Quốc từ ngôn ngữ, phim ảnh, món ăn, và danh lam thắng cảnh.”

Quan trọng hơn cả, Kim Dung cho rằng bản thân đã tìm được một chương trình học phù hợp với định hướng phát triển trong đó là kết hợp giữa báo chí và kinh doanh, cũng như có sự giao thoa giữa kiến thức và kỹ năng của báo chí phương Tây (từ Bloomberg và ICFJ) và bối cảnh chính trị và xã hội có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam tại Trung Quốc.

Chinh phục học bổng toàn phần học phí tại Đại học Thanh Hoa

Vượt qua nhiều rào cản khi không kết nối được với những người đi trước từng học tại Thanh Hoa, khó khăn về kinh tế và sự can ngăn của nhiều người khi cho rằng rất khó có cơ hội cho sinh viên Việt Nam vào được Đại học Thanh Hoa.

Kim Dung vẫn nỗ lực hết sức mình hoàn thành hồ sơ và giành học bổng thành công tại ngôi trường Đại học danh tiếng bậc nhất Trung Quốc.

“Yếu tố đa dạng văn hóa luôn là ưu tiên của các chương trình học quốc tế. Tôi cho rằng xuất phát từ Việt Nam là lợi thế khiến bản thân được chọn là một phần của lớp học với bạn bè từ 13 quốc gia khác nhau này”, Kim Dung nói.

Chia sẻ về việc giành được học bổng Thạc sĩ Đại học Thanh Hoa, Kim Dung cho biết: “ Tôi cần thể hiện sự phù hợp gần như “tuyệt đối” với phân ngành nhỏ của chương trình học (cụ thể ở đây là Báo chí Kinh doanh quốc tế) bằng cách làm nổi bật những yếu tố cho thấy sự phù hợp này chứ không tham lam liệt kê tất cả những thành tựu.

Mỗi cá nhân cần có một câu chuyện cuộc đời và sự phát triển đủ ấn tượng và độc đáo. Do đó việc học hỏi để biết cách kể câu chuyện đó sao cho cuốn hút cũng là kỹ năng cần có.

Cuối cùng là thể hiện được khả năng đóng góp của bản thân cho trường, cho quê hương và cho cả quốc gia mà mình muốn đi du học”.

Hồ sơ nộp học bổng của Kim Dung có nhiều điểm gây ấn tượng khi nữ sinh có bằng Cử nhân loại giỏi về Truyền thông quốc tế tại Học viện Ngoại Giao.

Nữ sinh luôn theo sát con đường này trong suốt thời gian làm việc và hoạt động. Điều này thể hiện đam mê và quyết tâm của Kim Dung cho ngành học, cũng như những kiến thức học thuật và thực tiễn cơ bản để phục vụ cho việc theo bậc học cao hơn.

“Những kinh nghiệm làm việc và hoạt động của tôi có một định hướng rõ ràng liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup).

Khoa tôi đăng ký tại Đại học Thanh Hoa cũng có một dự án mang tên “nu-women” liên quan đến Women Entrepreneurship, tức khai thác câu chuyện của các doanh nhân nữ khởi nghiệp tại Trung Quốc (bao gồm cả người nước ngoài).

Tôi nghĩ đây là điểm tương đồng kết nối mình với hội đồng giám khảo nhận thí sinh vào trường cũng như trao học bổng”, Kim Dung nói.

Học Thạc sĩ từ xa là cơ hội để tận dụng mối quan hệ và vốn hiểu biết của bản thân

Do dịch bệnh covid-19, hiện tại Kim Dung vẫn đang học Thạc sĩ từ xa. Mặc dù bị hạn chế về chênh lệch múi giờ, sự gắn kết giữa giảng viên và các thành viên trong lớp bị xa cách, không được trải nghiệm môi trường sống tại Trung Quốc nhưng với Kim Dung đây là cơ hội để mình ứng dụng vốn kiến thức và trải nghiệm của bản thân vào việc học Thạc sĩ.

Được trải nghiệm học tập trong môi trường quốc tế với bạn bè từ 13 nước khác nhau tại Thanh hoa là yếu tố giúp Kim Dung tự tin hơn trong việc bước ra thế giới và làm việc trong môi trường nước ngoài.

Nữ sinh đánh giá cao chất lượng đào tạo của Thanh Hoa khi cho mình những kiến thức vững chắc và cơ hội rộng mở để sẵn sàng phục vụ các tổ chức tin tức trong khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh việc học tập, Kim Dung đang làm việc với Tổ chức tin tức về công nghệ và khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore.

Việc làm công việc đúng ngành mình đang học, được xem là “đòn bẩy” nâng cao kết quả học tập và chất lượng làm việc của nữ sinh.

Với Kim Dung, việc bản thân đang học và làm việc cho thứ mình giỏi và lĩnh vực mình yêu thích là yếu tố khiến mỗi bước đi trên con đường này là niềm vui và sự khám phá bản thân.

“Tôi cho rằng quá trình quan trọng hơn điểm đến. Bất kể dù bạn học ở trường đại học nào, có được học bổng hay không, miễn là bạn đã cố gắng và dám dấn thân thì đó đã là một thành tựu lớn trong cuộc đời” Kim Dung chia sẻ.

Lan Anh