Giành học bổng EU, chàng trai Hà Nội học song bằng thạc sĩ vì tình yêu núi rừng

09/02/2022 06:50
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phan Quốc Dũng mang trong mình tình yêu với núi rừng, tốt nghiệp đồng thời hai bằng thạc sỹ quốc tế ngành Quản lý rừng nhiệt đới, Rừng và sinh kế.

Từ nhỏ, Phan Quốc Dũng (sinh năm 1995, Hà Nội) đã có cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên, rừng cây và muông thú thông qua những lần được bố mẹ cho đi Vườn quốc gia. Những tương tác đầu đời ấy nhen nhóm sự thích thú của một đứa nhóc với màu xanh của núi rừng. Lớn hơn một chút, Dũng càng bị thu hút với những chương trình tài liệu về rừng, về thế giới động vật chiếu trên tivi.

Phan Quốc Dũng trong một lần điều tra khảo sát thực vật ở độ cao khoảng hơn 1.500 m (Đồng Văn, Hà Giang). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phan Quốc Dũng trong một lần điều tra khảo sát thực vật ở độ cao khoảng hơn 1.500 m (Đồng Văn, Hà Giang). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm lớp 12, khác với nhiều bạn đồng trang lứa Dũng chọn ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên của Trường Đại học Lâm nghiệp – ngành học chưa bao giờ được coi là “hot”.

Tuy đã tự định hướng cho bản thân và được sự ủng hộ của gia đình từ trước, cậu sinh viên năm nhất cũng không tránh khỏi choáng ngợp. Dũng tâm sự: “Khác với những gì tưởng tượng, khi vào học ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên em thấy khá là khó.”

Dũng phân tích cái khó đầu tiên là ngoại ngữ, do chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tiếp theo đó là việc phải thuộc tên khoa học của rất nhiều loài cây, loài động vật, tiếp cận với kiến thức chuyên ngành.

Những lúc cảm thấy căng thẳng, cậu sinh viên này thường nhớ lại lý do mình bắt đầu. Hồi đó vì tình yêu với thiên nhiên, với rừng mà em chọn học ngành này. Chàng trai Hà Nội tìm cách khơi lại chính tình yêu đó để có thêm động lực trong học tập.

Trong quá trình học tập tại Trường Đại học Lâm nghiệp, lớp của Dũng được đi thực tập khá nhiều tại các Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn. Thông qua các chuyến đi trải nghiệm thực tế, tiếp xúc với những người làm trong ngành Lâm nghiệp, khiến em và các bạn trong lớp được truyền cảm hứng.

Tốt nghiệp với điểm GPA 3.87/4, Phan Quốc Dũng trở thành thủ khoa kép của Trường Đại học Lâm nghiệp (4 năm trước là thủ khoa khối A khi xét tuyển vào trường).

Năm 2018 giành được học bổng Eramus Mundus của Liên minh châu Âu cho 2 năm học thạc sỹ ngành Quản lý rừng nhiệt đới, bên cạnh việc học ngành Quản lý rừng nhiệt đới, Phan Quốc Dũng chọn thêm ngành Rừng và sinh kế.

Dũng chia sẻ: “Việc lựa chọn chương trình học hai bằng là một thử thách lớn đối với em. Áp lực và khối lượng kiến thức sẽ gấp đôi, tuy nhiên hai chuyên ngành chính là động lực để cố gắng nhiều hơn.”

Một năm ở Đức học thiên về mảng kỹ thuật trong các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng, sau đó Dũng tiếp tục qua Đan Mạch để học nhiều hơn về mảng xã hội, học về vai trò của nhà quản lý, cán bộ lâm nghiệp và những người dân bản địa trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Việc nắm bắt cả khía cạnh về xã hội và kỹ thuật giúp Dũng có cái nhìn tổng quát hơn và có thể vận dụng và thực hành linh hoạt hơn trong công việc sau này.

Năm 2020, sau khi hoàn thành chương trình học và có trong tay hai tấm bằng thạc sỹ về Quản lý rừng nhiệt đới, Rừng và sinh kế, Dũng về Việt Nam đóng góp cho ngành Lâm nghiệp nước nhà.

Hiện Dũng làm việc cho một dự án về phát triển rừng tre tại Thanh Hóa và Nghệ An với công việc chính là trực tiếp làm việc, hỗ trợ bà con trong khu vực dự án.

Chàng trai Hà Thành bộc bạch việc tiếp xúc với người dân vốn không hề đơn giản, nhất là mang những cái mới tới với cộng đồng của họ.

Phan Quốc Dũng trong lần họp với bà con trong bản để phỏng vấn và thu thập số liệu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phan Quốc Dũng trong lần họp với bà con trong bản để phỏng vấn và thu thập số liệu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dũng và đồng nghiệp hướng dẫn bà con khai thác, chăm sóc như thế nào thì rừng tre sẽ phát triển tốt và không bị suy giảm chất lượng trong thời gian dài.

“Có thể nói công việc của em giống như việc mang khoa học vào đời sống của bà con, kết hợp cùng những kinh nghiệm bản địa lâu đời để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho việc trồng, chăm sóc và khai thác rừng,” chàng thạc sỹ trẻ chia sẻ.

Công việc của Dũng thay đổi tùy theo phân công, có những ngày ở bản để gặp mặt bà con, có những ngày lại cùng mọi người lên rừng để làm việc. Người dân cũng bận những công việc đồng áng, nên đa phần lịch trình của em cũng khá linh hoạt.

Có những ngày mưa vẫn phải cố đi rừng vì đã lên kế hoạch trước cả rồi. Nên dù có khó di chuyển và hơi vất vả nhưng ai cũng cố gắng vì kết quả chung.

Dũng kể: “Đi rừng sợ nhất là vắt và rắn. Rắn thì độc còn vắt thì hút máu dữ lắm.”

Sau những lần đi rừng, Dũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ những người dân bản địa như: Vùng rừng nào, mùa nào, thời tiết nào nhiều vắt, rắn. Và khi đi vào rừng thì cần đi cùng một vài thanh niên hoặc các bác lớn tuổi trong làng để yên tâm hơn. Tuy nhiên không thể vì thế mà chủ quan được, chàng trai luôn trang bị đầy đủ trang phục phù hợp, thuốc, băng gạc đầy đủ để có thể xử lý nhanh gọn, kịp thời nếu gặp sự cố.

Với Quốc Dũng công việc tuy có phần vất vả tuy nhiên kết quả từ những công việc là điều khiến anh và đồng nghiệp của mình vui mừng. Đơn cử như việc trước đây người dân khai thác và bán cây với một mức giá khá thấp. Phần nhiều do họ không biết cách chăm sóc và khai thác đúng cách, cũng như không có các kỹ năng đàm phán với bên thu mua.

Phan Quốc Dũng tiến hành lập ô tiêu chuẩn để điều tra và khảo sát rừng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phan Quốc Dũng tiến hành lập ô tiêu chuẩn để điều tra và khảo sát rừng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy nhiên khi có sự hỗ trợ của dự án, sự hướng dẫn của các chuyên gia, cây phát triển tốt hơn, khai thác được nhiều hơn và giá trị cũng tăng lên. Chính trong những bước cơm thân mật với người dân, nghe họ kể về sự thay đổi tích cực đó mà em và đồng nghiệp ai cũng mừng, cũng hạnh phúc.

Khác với phần đông giới trẻ, Dũng chọn về rừng, nhưng bản thân cậu luôn cảm thấy những giá trị tích cực mà công việc này mang lại. Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên rừng nói riêng có vẻ như chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng.

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, Dũng dần nhận ra rằng, rừng vàng không vô hạn và biển bạc cũng chẳng còn nhiều. Chính những suy nghĩ thờ ơ và ỷ lại đó đã khiến nguồn tài nguyên trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng ngày càng cạn kiệt.

Dù đặc thù ngành nghề có phần vất vả, nhưng tất cả những người làm Lâm nghiệp vẫn luôn tự hào vì công việc này đang góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển những mảng xanh trên bản đồ đất nước.

Chàng trai Hà thành chia sẻ: “Việc chọn về với rừng cũng giúp em cảm thấy thoải mái và cơ thể cân bằng. Mỗi khi xong việc, ngồi giữa đại ngàn hít no bụng luồng không khí trong lành, lắng nghe tiếng xào xạc của cây lá, tiếng líu lo của các loài chim mà thấy trong lòng nhẹ nhõm và thanh thản.

Không phải tự nhiên mà rất nhiều nhiều các bạn trẻ ngày nay đang cố gắng để “đi trốn” nhiều hơn. Áp lực cuộc sống ở thị thành là quá lớn, và trở về với thiên nhiên, với rừng, với biển là một trong những hành trình tìm lại an yên."

Nhật Tân