Đam mê nghiên cứu vật lý, chàng trai Việt giành 8 học bổng tiến sĩ ở Mỹ

01/09/2021 06:39
Nguyễn Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, Quốc Đạt muốn tiếp tục làm nghiên cứu và giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam theo đuổi đam mê.

Quốc Đạt đã quyết định học tiến sĩ tại Đại học Houston (Mỹ) với hướng nghiên cứu là ngành Vật lý năng lượng cao.

Đam mê nghiên cứu vật lý

Năm học cấp 3, Quốc Đạt là học sinh lớp chuyên Anh tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu (Thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, kỳ thi Olympic tiếng Anh lớp 10 của trường, do không được chọn vào đội tuyển tham gia nên Đạt đã quyết định lựa chọn môn vật lý để đăng kí thi.

“Khi ấy, mình dành toàn bộ thời gian ôn tập vật lý, tranh thủ trau dồi kiến thức. Có những ngày mình học liền 8 tiếng để tập trung ôn thi”, Đạt nói.

Kết quả, tại kì thi Oympmic Vật lý tháng 4 của trường dành cho khối lớp không chuyên, Quốc Đạt giành Huy chương Vàng.

Quốc Đạt cho biết học xong tiến sĩ sẽ theo đuổi công việc nghiên cứu và giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam không đủ điều kiện du học theo đuổi đam mê. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quốc Đạt cho biết học xong tiến sĩ sẽ theo đuổi công việc nghiên cứu và giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam không đủ điều kiện du học theo đuổi đam mê. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thế nhưng, một ngã rẽ bất ngờ đã đến với Đạt. Giữa năm học lớp 11, được người quen giới thiệu sang theo Mỹ học, Đạt nhận thấy đây là cơ hội tốt để tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về vật lý nên đã dành 3 tháng chuẩn bị hồ sơ và bắt đầu hành trình mới.

Theo học tại Trường trung học phổ thông New America School ở Lakewood, Colorado (Mỹ), may mắn được sự hướng dẫn tận tình của một cô giáo trong trường, Quốc Đạt giành học bổng 75% của Đại học Regis, chuyên ngành vật lý chuyên sâu về dữ liệu.

Năm học đầu tiên, mong muốn phát triển về nghiên cứu vật lý, Đạt tìm kiếm những công việc làm thêm trong khoa vật lý của trường. Khi đó, tình cờ được một giáo sư giới thiệu, Đạt đăng kí và tham gia dự án nghiên cứu “Muon g-2”. Đây là một thí nghiệm về vật lý hạt tại Fermilab ở bang West Chicago, Illinois, Mỹ.

Nam sinh 9x dành 1 tháng của kì nghỉ hè đầu tiên tham gia nghiên cứu. Thời điểm đó, do chưa có kinh nghiệm nên Đạt chủ yếu làm những công việc về phân tích dữ liệu, sửa chữa máy móc.

Quốc Đạt chia sẻ, kỉ niệm đáng nhớ nhất trong lần nghiên cứu đầu tiên này có lẽ là khoảng thời gian trực phòng thí nghiệm trong vòng 1 tuần, từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.

“Trong phòng thí nghiệm có một phòng giám sát toàn bộ các bộ phận. Những người mới tham gia dự án như mình phải vào trong phòng giám sát đó, quan sát tất cả mọi thứ để kiểm tra, nếu có chuyện gì là phải tìm chuyên gia nói chuyện để giải quyết ngay”, Đạt kể.

Theo Quốc Đạt, điều quan trọng nhất trong quá trình làm nghiên cứu là phải có sự kiên trì, bền bì. Một dự án thông thường phải làm từ 5 đến 6 tháng mới hoàn thành và có những ngày làm thí nghiệm gần như là hỏng.

Bên cạnh đó, cần phải có sự tò mò, thích tìm hiểu giải quyết vấn đề. Bởi từ 1 vấn đề giải quyết có thể nảy sinh ra 100 vấn đề khác.

Trong suốt quãng thời gian đại học, chàng trai 9x đã có cơ hội đại diện trường tham gia hội nghị của tổ chức APS (Cộng đồng Vật lý Hoa Kỳ). Tại đây, Đạt đã chia sẻ về những kinh nghiệm nghiên cứu của mình, những khó khăn trong quá trình làm nghiên cứu.

Đại học Houston (Mỹ) - nơi Quốc Đạt theo học chương trình tiến sĩ Vật lý năng lượng cao. Ảnh: Website trường.

Đại học Houston (Mỹ) - nơi Quốc Đạt theo học chương trình tiến sĩ Vật lý năng lượng cao. Ảnh: Website trường.

Giành học bổng tiến sĩ sau 5 tháng chuẩn bị

Mong muốn tiếp tục học lên tiến sĩ để nghiên cứu sâu hơn, kết nối với những người cùng đam mê, tháng 6/2020, 5 tháng trước thời hạn nộp hồ sơ, Quốc Đạt bắt tay hoàn thiện gửi hồ sơ.

Thời điểm đó, Đạt gặp khó khăn lớn nhất đó là vừa phải chuẩn bị hồ sơ vừa phải làm luận án tốt nghiệp cho năm cuối đại học. Vì dịch Covid-19, hàng loạt kì thi chứng chỉ quốc tế bị hủy, 95% các trường đại học bỏ yêu cầu về điểm IELTS, GRE (Kỳ thi tuyển sinh cao học).

“Nhận được thông báo của trường, mình bắt đầu lên ý tưởng, kế hoạch phù hợp vì thời gian chỉ trong vòng 5 tháng. Mình cần tập trung vào những kinh nghiệm nghiên cứu, học lực, những mối quan hệ, thư giới thiệu, hoạt động ngoại khóa”, Đạt nói.

Trong bài luận, Đạt tập trung thể hiện sự quan tâm, đam mê đối với hướng nghiên cứu về năng lượng cao, nghiên cứu những tương tác, phản ứng của những hạt mà mắt thường mình nhìn không thấy được.

Bên cạnh những kinh nghiệm nghiên cứu làm việc, theo Đạt, hồ sơ mình có sức nặng hơn khi có thêm 3 thư giới thiệu từ 3 giáo sư. Theo Đạt đó là những người thật sự hiểu đam mê và năng lực nghiên cứu của cậu trong suốt thời gian làm việc cùng.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, Đạt đã chủ động lên danh sách các giáo sư trong mỗi trường đại học liên quan đến ngành học và gửi mail cho họ. Mỗi trường Đạt lên danh sách gửi mail cho khoảng 5 người. Nếu giáo sư nào đồng ý thì mình sẽ tới trường nói chuyện với họ.

“Các giáo sư đã hỏi về bản thân mình, quá trình học tập và làm việc, về những môn mà mình đã học, những dự án đã làm. Bên cạnh đó, ban tuyển sinh còn hỏi về lý do mình chọn con đường nghiên cứu, đề tài yêu thích và kế hoạch cho quá trình học tiến sĩ như thế nào”, Đạt cho biết.

Vào tháng 12/2020, Đạt hoàn thiện hồ sơ và gửi tới 14 trường ở Mỹ. Trong số đó, Đạt nhận học bổng của 8 trường như Đại học Ohio, Đại học Houston, Đại học Rutgers, Đại học Colorado State, Đại học Kentucky…

Cuối cùng, chàng trai 9x quyết định theo học ngành Vật lý năng lượng cao tại Đại học Houston (Mỹ) với mức học bổng 6 tỉ đồng trong 6 năm học.

“Một câu nói luôn tạo động lực cho mình đó là “Khi còn trẻ chúng ta có nguồn năng lượng dồi dào thì đừng ngại theo đuổi đam mê, hoài bão. Nếu mình không thành công mình có lựa chọn làm lại, đừng sợ thất bại, đừng sợ trải nghiệm”, Đạt nói.

Dự định trong tương lai, Quốc Đạt sẽ tiếp tục làm nghiên cứu, mong muốn có thể giảng dạy, truyền cảm hứng cho các du học sinh, đồng thời cũng giúp đỡ những bạn trẻ Việt Nam không có đủ điều kiện đi du học tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nguyễn Kim Anh