Chiêu tiết kiệm tiền du học sinh nên biết

23/04/2012 08:12
Trang Ami /hotcourses
(GDVN) - Cùng du học sinh chia sẻ những bí quyết tiết kiệm tiền để tránh tình trạng "viêm màng túi" ở nơi " đất khách, quê người "

Khảo giá ở các cửa hàng trong phố


Tuần đầu tiên khi đặt chân đến nước lạ, bạn nên dành thời gian xuống đường thật nhiều để khám phá vùng đất mới, quan trọng hơn là để so giá của các cửa hàng để tìm cho mình những địa chỉ hấp dẫn. Chẳng hạn ở Hà Lan, bạn không nên mua dầu gội và sữa tắm hay những sản phẩm làm đẹp ở siêu thị Albert Heijn (hệ thống siêu thị lớn nhất ở đây, có mặt ở hầu hết các con phố lớn) mà nên mua ở Kruidvat để mua được giá rẻ.

Tiết kiệm có ý nghĩa rất lớn đối với du học sinh (ảnh minh họa)
Tiết kiệm có ý nghĩa rất lớn đối với du học sinh (ảnh minh họa)

Tham gia các ngày hội đồ cũ và các khu chợ địa phương là điều đặc biệt nên làm
.

Penpisut bạn tôi kể: "Mình mua rất nhiều thứ ở chợ lớn, thậm chí đủ ăn cho cả một tuần, mà chỉ tốn có 10 euros.” Qua những buổi chợ trời, bạn sẽ có cơ hội làm quen với văn hóa bản địa. Tại chợ đồ cũ, bạn có thể tìm thấy những món đồ gia dụng đôi khi “còn tốt chán” với giá cả hữu nghị. Chẳng hạn, một cái lò nướng bánh mì hay lò vi sóng đồ cũ có thể sẽ được bán giá vỏn vẹn 5euros.

Nếu chịu khó “giao lưu” hay nhiệt tình mặc cả, người bán có khi còn thương tình sinh viên nghèo vượt khó mà cho không biếu không hay chỉ bán với giá tượng trưng 1,2 euros. Kinh nghiệm thực tế là bạn nên đi những khu chợ đồ cũ vào sáng sớm để đảm bảo mua được những món đồ còn tốt giá rẻ.  Thông tin về những ngày họp chợ, ngày hội đồ cũ thường được thông báo trên trang web của thành phố và dưới hình thức… truyền miệng từ người dân bản xứ.

Những trang web bán hàng cũ cũng là nguồn thông tin hữu ích.

 Ở Pháp, bạn có trang leboncoin.fr với hầu hết những món hàng, dịch vụ “trao tay” với giá hời. Từ vé tàu, vé xem hòa nhạc đến điện thoại, Ipad và các đồ gia dụng cũ đều được rao bán tại đây. Có một lưu ý nhỏ là bạn phải cẩn thận với những tin mua bán mặt hàng giá trị lớn như Iphone, Ipad. Đối với những tin này, tốt nhất là hẹn người bán ra một địa điểm công cộng nào đó để xem hàng trước khi trả tiền. Mục mua bán và dịch vụ trên diễn đàn Sinh Viên Việt Nam tại Pháp daugau cũng là “kho” thông tin mua bán hữu ích.

Tự nấu ăn cũng là cách tiết kiệm tiền hữu hiệu nhất

 Ở bất kì đâu, nấu ăn ở nhà bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều so với đi ăn ở nhà hàng. Chẳng hạn một bữa ăn nhà hàng sẽ tốn của bạn chừng 15-20euros, trong khi với số tiền đó bạn có thể mua thức ăn cho cả tuần liền. Nếu bạn chia nhà với một ai khác, nấu ăn chung sẽ càng giúp bạn tiết kiệm hơn rất nhiều. Đặc biệt là khi đó bạn sẽ có người chia sẻ những khoản chi không tên dành cho nước rửa chén, gia vị…

Nhiệt tình với hàng giảm giá

 Ở châu Âu có rất nhiều hình thức giảm giá. Hai mùa giảm giá lớn nhất là giảm giá mùa Đông (vào tháng 1, tháng 2) và giảm giá mùa hè (tháng 6, tháng 7). Kiên nhẫn chờ đến mùa giảm giá, bạn sẽ đảm bảo có áo quần đẹp của các thương hiệu thời trang “fash-fashion” (thời trang kiểu dáng hợp mốt, theo xu hướng của các tuần lễ thời trang danh tiếng, với giá cả hợp lí) với giá mềm. Bên cạnh đó, những đợt giảm giá giữa mùa hay các chương trình khuyến mãi cũng thường xuyên diễn ra xuyên suốt trong năm nên từ khóa cho bạn là chờ và chờ. Thẻ sinh viên cũng sẽ mang lại cho bạn một số % giảm giá nhất định khi đi shopping với một số thương hiệu.

“Share” (chia sẻ) nên là động từ khóa trong việc xài tiền của bạn.

Trừ một số dịp đặc biệt quan trọng, sinh viên nước ngoài có thói quen chia tiền trong tất cả các hoạt động ngoài giờ lên lớp: đi dã ngoại tập thể, đi nhà hàng, uống cà phê… Và bạn cũng nên “chấp nhận” thói quen sòng phẳng này vì tất cả mọi người đều hiểu bạn chưa làm ra tiền, và nhất là ở nước ngoài không có khái niệm “sĩ diện hầu bao”.  

Điểm nóng
Phỏng vấn xin visa du học Mỹ: Vì sao bị từ chối? (P1)

Phỏng vấn xin visa du học Mỹ: Vì sao bị từ chối? (P2)
Đặng Thanh Thản - niềm tự hào của người Việt trên đất Mỹ
Trang Ami /hotcourses