Các thầy cô tại Mỹ làm việc và hợp tác với nhau thế nào?

23/12/2018 07:00
Thu Hồng
(GDVN) - Ở Mỹ, học sinh được lấy làm trung tâm nên mọi hoạt động của thầy cô, của trường học là vì học sinh, vì lợi ích học sinh và vì sự thành công của học sinh.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô Đinh Thu Hồng (hiện đang sinh sống và giảng dạy tại Hoa Kỳ).

Trong bài viết lần này, cô Thu Hồng sẽ có những chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về cách làm việc và hợp tác của các thầy cô ở Mỹ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Qua trao đổi với các thầy cô ở Việt Nam, nhiều thầy cô than phiền rằng các đồng nghiệp ít chia sẻ tài liệu và kinh nghiệm cho nhau, nếu ai chia sẻ nhiệt tình thì lại bị cho là chơi trội, khác người.

Đại đa số giữ khư khư những ý tưởng hay, mới cho riêng mình. Cốt lõi vấn đề có lẽ vì thành tích cá nhân, vì thi đua và giải thưởng.

Điều này thật trái ngược với những gì tôi trải qua và chứng kiến tại Mỹ. Ở đây, học sinh/người học được lấy làm trung tâm nên mọi hoạt động của thầy cô, của trường học là vì học sinh, vì lợi ích học sinh và vì sự thành công của học sinh.

Mọi hoạt động của giáo viên ở Mỹ đều vì các em học sinh (Ảnh: tác giả cung cấp).
Mọi hoạt động của giáo viên ở Mỹ đều vì các em học sinh (Ảnh: tác giả cung cấp).

Các thầy cô đi họp, trò chuyện, bàn bạc, ở lại trường ngoài giờ học, dự giờ lớp của nhau, sang thăm lớp nhau, đi học thêm hay nâng cao nghiệp vụ...

Tất cả đều nhằm làm cho bài giảng cũng như hoạt động dậy và học hiệu quả hơn, cho học sinh hứng thú và tiếp thu tốt nhất có thể.

Trò chuyện thân mật, cập nhật thường xuyên

Ngoài những cách thông thường như nhắn tin, gọi điện thoại, email, mình và các thầy cô cứ sau mỗi ngày học, hoặc tranh thủ giờ nghỉ giải lao, giờ chuẩn bị (prep time, lúc học sinh đi học môn phụ/Specials) sẽ trò chuyện hỏi han xem tình hình mỗi lớp ra sao, môn này môn kia học đến đâu, có gì đặc biệt hay bất thường không.

Những trao đổi này ngắn nhưng vô cùng hữu ích và cần thiết vì các thầy cô sẽ nắm kịp thời tình hình bài giảng đó có hiệu quả hay không, tiếp thu và phản ứng của học sinh thế nào. Từ đó, sửa đổi hay điều chỉnh lịch học, bài học tiếp theo cho phù hợp.

Ví dụ nếu mình dạy bài toán về những phân số bằng nhau mà thấy học sinh của mình nhăn nhó, gặp khó khăn trong việc hiểu và làm phần thực hành, thì mình sẽ nói với các thầy cô khác trong khối, để ai có ý tưởng hay tài liệu hay về phần đó sẽ chia sẻ thêm cho mọi người.

Những trao đổi này cũng là động lực giúp các thầy cô cùng vượt qua những khó khăn trong ngày, đỡ mệt mỏi, căng thẳng.

Viết kế hoạch bài giảng

Đây là sự hợp tác rõ rệt và mật thiết nhất giữa các thầy cô với nhau, đặc biệt là các thầy cô dạy cùng khối lớp.

Ở những trường tôi đã từng và đang dậy, các thầy cô đều phân công nhau viết kế hoạch bài giảng của từng môn rồi chia sẻ, dùng chung với nhau.

Các thầy cô luôn vui vẻ cùng nhau hợp tác, giúp đỡ lần nhau (Ảnh: tác giả cung cấp).
Các thầy cô luôn vui vẻ cùng nhau hợp tác, giúp đỡ lần nhau (Ảnh: tác giả cung cấp).

Cấp 1 bên này nếu thầy cô chủ nhiệm thì cũng phải dậy tất cả các môn. Thế nên nếu tuần nào cũng phải viết kế hoạch bài giảng cho 4 môn học khác nhau (ngữ văn, toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) thì thật cực.

Từ trước giờ tôi toàn viết kế hoạch bài giảng cho môn toán, những thầy cô khác người thì viết khoa học tự nhiên, người viết khoa học xã hội, người viết ngữ văn/ELA.

Ai viết xong môn nào thì email hoặc share trên Google cho mọi giáo viên trong khối. Nếu trong kế hoạch bài giảng cần những video, tài liệu hay nguyên vật liệu gì thì người viết kế hoạch bài giảng môn đó sẽ cung cấp đủ cho mọi người.

Cũng có khi ai đó bận hoặc nghỉ có việc đột xuất, gia đình, thì nhờ người khác viết hộ hoặc đổi viết kế hoạch bài giảng môn khác.

Mặc dù cả khối dùng chung kế hoạch bài giảng nhưng mỗi giáo viên đều được yêu cầu thêm thắt, ghi chú vào kế hoạch bài giảng của từng môn (bản in ra) những thay đổi, chú ý cho phù hợp với học sinh lớp mình.

Ví dụ chỉ cần gạch chân một câu, hoạt động nào đó trong kế hoạch rồi ghi “chưa thực hiện, chuyển sang thứ tư” chẳng hạn.

Họp trong khối tuần 1 lần

Các thầy cô ngồi lại với nhau cập nhật tình hình về học sinh (có ai hư, tiến bộ, có hoàn cảnh gia đình thay đổi, nghỉ học nhiều...), về các môn học (đúng nhịp độ hoặc khung chương trình hay không, sắp có bài kiểm tra môn gì, bài nào cần photo...), về các sự kiện trong khối hoặc trường, về những chủ trương, yêu cầu của nhà trường, và những thông tin khác.

Các thầy cô tại Mỹ làm việc và hợp tác với nhau thế nào? ảnh 3Triết lý giáo dục của Mỹ

Nhiều buổi họp chủ yếu dành thời gian để nhìn nhận, phân tích số liệu (data) của những bài kiểm tra, nhất là những bài kiểm tra lớn từ học khu (school district).

Số liệu đó là dịp thầy cô xem học sinh của mình yếu hay mạnh về nội dung nào, tiêu chuẩn (standard) nào, phân tích độ khó của đề bài, tìm hiểu tại sao học sinh lại yếu nội dung đó.

Từ những dịp bàn về số liệu như vậy, các thầy cô sẽ thay đổi bài giảng và cách dạy cho phù hợp. Đây chính là minh chứng cụ thể của chủ trương “data-driven instruction” (cách dậy học lấy số liệu làm định hướng).

Họp toàn trường

Cứ 2 tuần họp một lần, chủ yếu gồm những cập nhật từ hiệu trưởng, hiệu phó và các khối lớp, các thầy cô phụ trách các mảng khác nhau.

Dịp họp toàn trường cũng thường bao gồm những cơ hội phát triển nâng cao nghiệp vụ cho thầy cô, từ kỹ năng an toàn đến việc giảng dạy, các xu hướng mới.

Cũng có khi là dịp liên hoan, hay dịp cho các đối tác của trường (như ngân hàng, siêu thị...) đến quảng bá.

Phát triển nâng cao nghiệp vụ

Có rất nhiều những cách khác nhau:

Tự học lẫn nhau: dự giờ lớp của nhau, học hỏi lẫn nhau bằng cách trò chuyện, tham quan lớp của nhau.

Ví dụ một cô lớp 2 giỏi dạy toán thì thầy cô mới của trường có thể đến dự giờ toán. Hoặc như hôm có cô dạy lớp 4 trong trường muốn ghé lớp tôi xem cách tôi dạy và sắp xếp góc học viết (Writing).

Các thầy cô tại Mỹ làm việc và hợp tác với nhau thế nào? ảnh 4Cô giáo Việt kiều chia sẻ cách người Mỹ dạy học sinh Tiểu học

Do trường và học khu cung cấp, tạo điều kiện: khá thường xuyên trường sẽ có những buổi professional development hoặc PD (nâng cao nghiệp vụ) cho giáo viên.

Những buổi nâng cao nghiệp vụ có thể cùng ngày với buổi họp toàn trường hoặc được bố trí buổi riêng, tuỳ nhu cầu và nội dung.

Những buổi nâng cao nghiệp vụ này do khách mời ngoài trường (từ học khu, hay từ các trung tâm, công ty giáo dục...), hay chính giáo viên trong trường thực hiện.

Ví dụ: nếu trường có giáo viên mới chưa từng dạy giáo trình Reading Wonders của McGrawHill thì sẽ có buổi nâng cao nghiệp vụ cho những giáo viên mới đó. Trong trường hợp nếu giáo viên thực hiện nâng cao nghiệp vụ thì sẽ là 2 tình huống:

Giáo viên đó phụ trách môn/mảng nhất định, là đại diện của trường đi họp với học khu rồi về báo cáo lại.

Thu Hồng từng là đại diện của trường phụ trách môn ngữ văn (English Language Arts- ELA), đi họp rồi về làm nâng cao nghiệp vụ cho các giáo viên trong trường.

Giáo viên có ý tưởng hoặc nguồn tài liệu hay, đã áp dụng và muốn chia sẻ cho các đồng nghiệp.

Tôi đã từng chia sẻ trong một buổi họp toàn trường về writing workshop & ELA folder (giờ học viét và ngữ văn).

Học khu thường xuyên tổ chức các lớp học lấy bằng và chứng chỉ cho giáo viên: Tất cả những lớp học này đều miễn phí cho các thầy cô của học khu, chỉ cần đăng ký trước.

Hình thức và thời gian học cũng rất đa dạng, linh động: học trong năm học sau giờ giảng dậy hay dịp hè, ngắn hay dài hạn, học online hoặc tại lớp của học khu...

Rất nhiều thầy cô đã tranh thủ học lấy thêm chứng chỉ: như đã có chứng chỉ dậy ESL thì sẽ học để lấy chứng chỉ Gifted (dậy học sinh năng khiếu), hay muốn học thêm về dậy toán theo phương pháp STEM cho cấp 2...

Cô giáo Thu Hồng (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cô giáo Thu Hồng (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đây là cơ hội tuyệt vời vì thầy cô vừa có dịp học thêm bằng cấp, chứng chỉ mình muốn miễn phí, vừa là cách hiệu quả để hoàn thiện bản thân hơn nữa, phục vụ cho nhu cầu của trường, lớp mình dậy.

Qua mạng lưới nghề nghiệp (network) và mạng xã hội (như các nhóm trên LinkedIn, Facebook)

Cách nữa để hợp tác là các thầy cô tham gia những mạng lưới chuyên ngành theo khối, lớp, môn mình dạy - trao đổi thông tin và ý tưởng với đồng nghiệp cũ và mới, online và offline.

Riêng mình, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ những đồng nghiệp của mình, quen biết và không quen biết, được chia sẻ, động viên.

Nhớ hồi dọn từ bang New Jersey về Georgia, tôi đã thấy hạnh phúc và may mắn thế nào khi nhận được những lời thăm hỏi, động viên, khuyến khích từ đồng nghiệp cũ cũng như sự nồng hậu của đồng nghiệp mới.

Khá nhiều những post trên trang Facebook Học kiểu Mỹ tại nhà của tôi là những ý tưởng mình có được từ những Facebook group như Lucky Second Grade Teachers hay Not so Wimpy Third Grade Teachers.

Cũng có những trường hợp thầy cô không nhận được sự hợp tác của đồng nghiệp trong trường hay ban giám hiệu, nhưng hết sức hãn hữu. Có lẽ vì chẳng ai màng tranh đua vì giải thưởng hay thi đua thành tích.

Tôi mong các thầy cô tại Việt Nam hợp tác với nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, vì thế hệ học trò.

Thu Hồng