"Cả nhà yên tâm, chúng con vẫn ổn"

23/03/2020 06:11
Vũ Ninh
(GDVN) - "Hầu hết các cuộc gọi từ gia đình đều giục mình về. Nhưng mình vẫn ổn, về bây giờ liệu có an toàn cho mọi người. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua thôi".

Trường học đóng cửa ít nhất đến ngày 3/4/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Những ngày này, du học sinh Nguyễn Thùy Linh (Tây Ban Nha) tự “nhốt” mình trong khu ký túc xá của nhà trường và học trực tuyến.

Đây cũng là khoảng thời gian Linh cảm thấy khó khăn nhất sau quãng thời gian gần 4 năm du học tại Tây Ban Nha.

Cô gái bé nhỏ vẫn duy trì các hoạt động học tập hàng ngày và cuộc sống vẫn diễn ra như những ngày bình thường khác.

Không phải đến trường, Linh có thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn và thường xuyên gọi về gia đình.

Sống trong sợ hãi và Hạnh phúc ngày trở về
Sống trong sợ hãi và Hạnh phúc ngày trở về

Trong những cuộc trò chuyện qua facetime, Linh vẫn thấy sự lo âu của cha mẹ hiện rõ qua nét mặt, những nếp nhăn nhiều thêm từng ngày vì lo lắng cho cô con gái bé bỏng 1 thân 1 mình nơi đất khách quê người. 

Hầu hết trong các cuộc gọi từ gia đình, người thân đều giục Linh trở về nước. Nhưng cô bé nhất quyết từ chối.

Linh tâm sự: “Các bạn mình trong khu ký túc xá đều lựa chọn ở lại. Về Việt Nam bây giờ chưa chắc đã phải là một phương án hay. 

Chúng tôi động viên nhau: Nếu cố gắng vượt qua được thì ở lại. Phương án cuối cùng mới về Việt Nam. 

Nhiều bạn nói rằng: Về Việt Nam biết đâu mình lại mang bệnh về cho quê nhà. Bên cạnh đó đây cũng là thử thách mà mọi người cùng nhau vượt qua khi đó chúng tôi sẽ trưởng thành hơn. Không thể lúc nào cũng ỷ lại gia đình được”.

Nói là vậy, nhưng những người thân của Linh tại Việt Nam có quyền lo lắng khi dịch bệnh Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát tại các quốc gia châu Âu. 

Sống giữa tâm dịch thế nhưng Thùy Linh vẫn nhắn nhủ đến gia đình: “Mọi chuyện bên này vẫn ổn. Con mong gia đình bình tĩnh và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi”.

Sống lạc quan và tích cực là cách phòng bệnh tốt nhất (Ảnh:NVCC)
Sống lạc quan và tích cực là cách phòng bệnh tốt nhất (Ảnh:NVCC)

Trong những ngày tháng ở lại khu ký túc xá, cô bạn vẫn duy trì các hoạt động như những ngày bình thường. 

Kể qua về cuộc sống tại Tây Ban Nha những ngày dịch bệnh, Linh cho biết: “Mình sống ở Barcelona, những ngày này mọi người hạn chế tối đa việc ra đường. Nếu có đi đâu chủ yếu là đi mua nhu yếu phẩm dự trữ trong 1-2 tuần. Những người thực sự có dấu hiệu bệnh nặng mới đến các cơ sở y tế để xét nghiệm. 

Theo mình quan sát mọi người có vẻ cũng lo lắng nhưng không đến nỗi như báo chí trong nước miêu tả. Họ vẫn sống bằng một tinh thần lạc quan và vui vẻ.

Thêm một điều nữa là không có chuyện người đeo khẩu trang y tế bị kỳ thị. Mình vẫn đeo khẩu trang y tế khi ra ngoài chỉ có điều giá khẩu trang hiện giờ hơi đắt và đang khan hiếm”.

Các quốc gia châu Âu đã bắt đầu phòng dịch quyết liệt hơn (Ảnh:NVCC)
Các quốc gia châu Âu đã bắt đầu phòng dịch quyết liệt hơn (Ảnh:NVCC)

Những trải nghiệm ngày tháng sống chung với dịch Covid-19 còn giúp Linh cảm nhận được tình người, tình đồng hương đáng quý. 

Cô bạn tâm sự: “Đúng là trong khó khăn mới thấy tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam là lớn như thế nào. 

Khu ký túc xá của mình có khoảng 20 du học sinh Việt Nam. Những ngày này có bạn lựa chọn về Việt Nam, có bạn lựa chọn ở tại đây. 

Những bạn trở về Việt Nam các bạn ấy cho chúng mình hết đồ ăn dự trữ và nhu yếu phẩm các bạn có. Còn các bạn ở đây thì cùng nhau nấu ăn và giúp đỡ nhau trong học tập. 

Một điều nữa là các bạn nước ngoài giúp đỡ chúng mình rất nhiều. Hoàn toàn không có chuyện người châu Á bị kỳ thị vì dịch Covid-19”.

Người dân Ý treo cờ biểu thị tinh thần yêu nước, quyết chiến thắng đại dịch (Ảnh:V.T)
Người dân Ý treo cờ biểu thị tinh thần yêu nước, quyết chiến thắng đại dịch (Ảnh:V.T)

Tại nước Ý, Võ Thùy Trang, du học sinh miêu tả cuộc sống thường nhật trong những ngày nước Ý gồng mình chống dịch Covid-19: Nước Ý đang làm tốt dần hơn so với giai đoạn đầu. 

Chính phủ bắt đầu ban hành các sắc lệnh phong tỏa cũng như đóng cửa trường học, nhà hàng, các trung tâm, tụ điểm vui chơi giải trí. Người dân hầu hết ở trong nhà và khi muốn di chuyển phải khai tờ khai mục đích di chuyển và các giấy tờ chứng minh (nếu có). 

Trong những ngày này cảnh sát có quyền kiểm tra bất kỳ ai đang di chuyển. Nếu không mang và khai gian dối có thể bị phạt mức phạt lên khoảng 600 euro.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường của Trang thông báo cho sinh viên nghỉ học và triển khai dạy học trực tuyến. 

Trang cho biết: “Nhà trường sẽ tổ chức dạy trực tuyến cho sinh viên hoặc chúng tôi sẽ được gửi slide và tự học tại phòng. Nếu có vấn đề gì không hiểu sinh viên có thể gọi điện cho giáo viên.

Việc học vì thế cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Còn cuộc sống thì do mỗi người lựa chọn. Người thì chọn biện pháp an toàn ở trong phòng cả ngày nhưng cũng có những người họ coi dịch Covid-19 không quá đáng sợ”.

Công tác phòng chống dịch ở Ý đã bắt đầu quyết liệt hơn (Ảnh:V.T)
Công tác phòng chống dịch ở Ý đã bắt đầu quyết liệt hơn (Ảnh:V.T)

Bên cạnh công tác dạy học, Trang cho biết: Ở các khu ký túc xá của trường đại học luôn có lao công thường xuyên dọn dẹp. Việc ăn uống cũng được đảm bảo.

 Các du học sinh người Việt hoặc người nước ngoài thường xuyên tổ chức nấu nướng. Nhờ đó tình cảm và mối quan hệ bạn bè thêm khăng khít.

Khi được hỏi: Vì sao Trang không lựa chọn trở về nước trong thời điểm này như nhiều du học sinh đã làm? 

Cô bạn cho biết: “Điều cần làm bây giờ là chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt và giữ vững tâm lý. Mọi chuyện căng thẳng nhưng không đến mức gia đình mình ở Việt Nam miêu tả. 

Người Ý đã bắt đầu phòng dịch nghiêm túc hơn. Các siêu thị vẫn đầy đồ ăn và các hiệu thuốc vẫn mở. Mình ở vùng tâm dịch nếu trở về chẳng may mang bệnh cho Tổ quốc. 

Khi nào tình hình ngoài tầm kiểm soát mình sẽ về. Cùng nhau chung tay chúng ta sẽ vượt qua chuyện này”.

Vũ Ninh