Bí quyết viết luận đạt học bổng toàn phần Chính phủ Hungary của nữ sinh Hà thành

11/02/2022 06:41
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khánh An cho rằng để giành học bổng du học ứng viên cần hiểu rõ tiêu chí và tìm cho mình người hướng dẫn.

Năm 2020, Hoàng Nguyên Khánh An (sinh năm 2001, Hà Nội) giành học bổng toàn phần của Chính phủ Hungary. Hiện nữ sinh đang theo học bậc cử nhân ngành International Bussiness Economics (Kinh tế kinh doanh quốc tế) tại Eötvös Loránd University (Budapest, Hungary).

An từng là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Muốn trải nghiệm môi trường học thuật, nền văn hóa mới và thực hiện ước mơ du học từ những năm cấp 3, nữ sinh quyết định làm hồ sơ giành học bổng khi học năm nhất đại học.

Khánh An cho rằng ứng viên cần hiểu rõ tiêu chí và tìm cho mình người hướng dẫn khi chinh phục học bổng du học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khánh An cho rằng ứng viên cần hiểu rõ tiêu chí và tìm cho mình người hướng dẫn khi chinh phục học bổng du học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ quá trình chinh phục học bổng của mình, cô gái Hà thành cho rằng ứng viên cần hiểu rõ tiêu chí và tìm cho mình người hướng dẫn.

Nắm chắc những tiêu chí mà học bổng, trường yêu cầu

Khánh An chia sẻ có một công thức chung dành cho những bài luận giành học bổng của các nước châu Âu là cần trình bày lý do mình chọn ngành học này, ứng viên đã làm gì để theo đuổi mong muốn đó.

Ứng viên cần phải chứng minh với hội đồng tuyển sinh rằng ngành đó phù hợp, mình có những kỹ năng đặc biệt để theo học, thể hiện được rằng bản thân thực sự thích và sẵn sàng lăn xả vì nó.

Kể cả khi “thợ săn học bổng” chưa có kinh nghiệm về ngành học đó nhưng đã sẵn sàng tìm hiểu. Ứng viên cần giải thích thêm vì sao mình chọn học ngành này ở quốc gia này, có thể cống hiến được gì cho trường, giá trị cốt lõi mà trường muốn hướng đến có phù hợp với định hướng của bản thân không.

Về hoạt động ngoại khóa để viết vào bài luận, cô gái Hà Nội cho rằng ứng viên nên chọn các hoạt động một cách phù hợp và có chọn lọc như: liên quan đến ngành học, chứng minh rằng mình có những kỹ năng thích hợp.

Trong trường hợp ứng viên chưa từng làm những vị trí chủ chốt như trưởng ban, chủ tịch, phó chủ tịch của một dự án nào đó thì nên tham gia những hoạt động liên quan đến ngành học.

Theo Khánh An: “Hoạt động ngoại khóa không nhất thiết là những gì to tát như đi thực tập ở một công ty nổi tiếng mà đơn giản nó phải thể hiện được cái chất của mình và thực sự có ý nghĩa với bản thân, với cộng đồng. Và để làm nổi bật được những điều này thì đó là cả một nghệ thuật.”

Về thành tích cá nhân, cô gái Hà Nội khuyên ứng viên nên đưa yếu tố này vào bài luận một cách có chọn lọc. Đó nên là những thành tích liên quan đến ngành học, nó thực sự ấn tượng và ứng viên cần kể câu chuyện đằng sau.

“Ví dụ em từng tham gia cuộc thi International Trade Challenge của Junior Achievement Singapore và FedEx Express và lọt Top 20 National Finalist. Mình chọn hoạt động này để ghi vào bài luận vì nó liên quan đến lĩnh vực và là điểm sáng”, nữ sinh chia sẻ.

Em trình bày những gì em đã làm được, học được và bài học rút ra cho bản thân qua hai thành tích đó.

Nữ sinh khuyên ứng viên nên đan xen thành tích cá nhân với những yếu tố khác để chứng minh với hội đồng tuyển sinh mình là một người quyết tâm, kiên trì và đam mê với ngành học.

Thêm vào đó, trong bài luận ứng viên nên trình bày kế hoạch tương lai của mình là gì, lý giải tại sao mình lại không học trong nước và cần thể hiện được sự hiểu biết về nước mà ứng viên dự định du học.

Khánh An lý giải mỗi nước có tinh thần giáo dục khác nhau. Ví dụ Thụy Điển hướng đến sự sáng tạo và những những giá trị bền vững, còn Hungary thiên về truyền thống văn hóa.

Theo tìm hiểu của nữ sinh các học bổng của Mỹ, Úc, Canada thường chú trọng ứng viên có tinh thần Leadership (lãnh đạo). Nhưng châu Âu lại quan tâm nhiều đến điểm số, tâm lý mình làm được gì cho trường, mình có khả năng gì, ...

Vì vậy cần nắm rõ tiêu chí từng loại học bổng của quốc gia mà ứng viên dự định du học và yêu cầu của trường.

Tìm cho mình người hướng dẫn

Bên cạnh yếu tố hiểu rõ tiêu chí của học bổng, An cho rằng việc tìm người hướng dẫn bài luận đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ứng viên có thể nhờ sự giúp đỡ từ những người đã từng giành được học bổng du học hoặc sử dụng dịch vụ ở các trung tâm du học.

Việc này sẽ giúp ứng viên biết cách viết bài luận và viết các loại giấy tờ khác, giúp làm nổi bật các thế mạnh trong hồ sơ của mình.

Với những ứng viên tự chuẩn bị hồ sơ giành học bổng thì cần phải chủ động trong việc xin kinh nghiệm của những người đã được học bổng tương tự hoặc là những người có nhiều kinh nghiệm và họ sẵn sàng giúp đỡ mình.

Cô gái Hà thành tâm sự để làm được việc này là điều không hề dễ dàng. Bản thân An là người chọn cách tự chuẩn bị hồ sơ xin học bổng. Nữ sinh đã chủ động nắm bắt cơ hội khi còn học ở Trường Đại học Ngoại thương, em được cô giáo hướng dẫn, góp ý làm bài luận.

Khánh An chụp hình khi mặc áo tấc (cổ phục Việt Nam) bên sông Danube (Hungary). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khánh An chụp hình khi mặc áo tấc (cổ phục Việt Nam) bên sông Danube (Hungary). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vị giảng viên hướng dẫn An đã giành nhiều học bổng để đi nghiên cứu, học bậc tiến sỹ ở Mỹ.

Ứng viên có thể tham khảo cách viết bài luận giành học bổng trên Internet. Tuy nhiên để toát lên tinh thần và thông điệp mà mình muốn truyền tải đến hội đồng tuyển sinh qua bài luận thì nó lại không dễ một chút nào cả.

Nữ sinh nhận thấy vấn đề mà rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam khi viết bài luận đó là mọi người viết tiếng Anh nhưng tư duy bằng tiếng Việt. Nghĩa là ứng viên viết các ý lớp lang, sử dụng lối dẫn truyện gián tiếp, hình ảnh hiện lên mỹ miều nhưng không thực sự trúng trọng tâm.

Ứng viên nên triển khai theo lối dẫn trực tiếp giúp hội đồng tuyển sinh không phải đoán, hay mất thời gian suy luận rằng bài luận có ý nghĩa như thế nào…

Điều khiến An nhớ nhất trong khoảng thời gian làm bài luận là vào ngày 30 Tết, lúc đó cô giáo hướng dẫn nữ sinh đang ở Mỹ, đã là buổi đêm nhưng cô vẫn gọi điện, góp ý những điểm chưa tốt và gợi ý cách cải thiện.

Khánh An và cô giáo mất 7 lần để sửa bài luận, trau chuốt câu từ để viết đúng trọng tâm, tiêu chí mà học bổng yêu cầu.

Nữ sinh chia sẻ nhờ những lần sửa chữa và học hỏi, nữ sinh có thêm nhiều kỹ năng để viết luận. Điều này giúp ích cho An trong rất nhiều dạng bài luận như: thực tập, cơ hội việc làm sau này.

Khi ứng viên nắm được tinh thần chung rồi, thì việc viết luận sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng để làm được điều đó thì mình cần có người hỗ trợ giúp mình định hướng xem sẽ phát triển ý ở bài luận như thế nào.

Khánh An cho rằng vai trò của người thầy, người hướng dẫn bài luận là không thể thiếu được. Khi làm hồ sơ nộp học bổng, ứng viên nên tìm cho mình những người chỉ dẫn nhiệt tình và có nhiều kinh nghiệm.

Nhật Tân