Bí quyết đạt học bổng du học Anh và thủ khoa đầu ra thạc sỹ của cô gái Bắc Ninh

03/03/2022 06:56
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2016, Bích Phương tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với danh hiệu thủ khoa, 5 năm sau cô có điểm tổng kết cao nhất ở bậc học thạc sỹ khi du học Anh.

Năm 2020, Vương Thị Bích Phương (sinh năm 1994, Bắc Ninh) nhận được tin vui khi trúng tuyển mức học bổng cao nhất của University of Sussex tương đương với 50% học phí và 2,000 bảng Anh để theo học ngành Banking and Finance (Ngân hàng và tài chính).

Theo bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) năm 2022, University of Sussex xếp thứ 151 đại học tốt nhất thế giới.

Ngoài học bổng của University of Sussex, Phương còn đạt được học bổng của Bournemouth University với 3,500 bảng Anh, University of East Anglia và University of Lincoln với mức 5,000 bảng.

Vương Thị Bích Phương tại University of Glasgow (Scotland) trong một lần du lịch tại Scotland. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vương Thị Bích Phương tại University of Glasgow (Scotland) trong một lần du lịch tại Scotland. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chia sẻ về quá trình giành học bổng của mình, Bích Phương kể bản thân có dự định du học từ năm hai đại học.

Phương bắt đầu tham gia các nhóm tìm học bổng trên mạng xã hội. Cô gái Bắc Ninh tâm sự lúc đó mình chưa thực sự theo đuổi ước mơ đó.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với điểm GPA 3.79, Phương trở thành thủ khoa đầu ra của chuyên ngành Ngân hàng.

Sau 4 năm công tác ở nhiều ngân hàng lớn. Tại đây Phương gặp được nhiều đồng nghiệp rất giỏi và du học từ nhiều nước khác nhau, cô quyết định thực hiện ước mơ còn dang dở.

Chia sẻ về lý do chọn nước Anh là điểm đến, Bích Phương cho biết: “Tuy học phí và mức sinh hoạt ở quốc gia này khá đắt đỏ, nhưng với bậc thạc sỹ mình chỉ mất một năm để hoàn thành khóa học.”

Ngoài ra, Phương là fan của những tập truyện như: Harry Potter, Sherlock Holmes. Ở Anh, Phương cũng có thể đi du lịch ở các nước châu Âu.

Năm 2020, Phương lên đường sang Anh để theo học bậc thạc sỹ tại University of Sussex chuyên ngành Banking and Finance. Một năm sau, cô gái Bắc Ninh xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra với điểm tổng kết 75/100.

Thời gian đầu ở Anh, Bích Phương gặp khó khăn về ngôn ngữ. Cô chia sẻ dù học tiếng Anh khá lâu, nhưng do chưa có điều kiện để giao tiếp thường xuyên, cộng thêm việc ở lớp mọi người nói chuyện với nhau bằng nhiều ngữ điệu khác nhau, dùng tiếng lóng.

Để khắc phục này, Bích Phương bày tỏ với giảng viên qua email mong thầy cô giảng chậm lại, là sinh viên quốc tế nên ban đầu chưa quen với nhịp độ của lớp học.

Cô gái Bắc Ninh chia sẻ: “Việc giấu dốt, tự ti sẽ gây chỉ gây hại cho bản thân. Mình nhờ thầy cô giảng lại bài cho. Từ đó, dần dần cải thiện bản thân”

Thêm vào đó, khoảng thời gian đầu sang Anh do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bích Phương được học online. Thầy cô ghi lại bài giảng nên Phương xem và có phần phụ đề tự động. Tuy chưa được chính xác hoàn toàn nhưng nữ sinh có thể dựa vào nó để hiểu ý của thầy cô.

Chia sẻ kinh nghiệm đạt kết quả cao trong học tập, Bích Phương cho rằng trước những buổi học, giảng viên sẽ gửi slides bài giảng và danh mục những tài liệu cần đọc. Người học có thể xem trước để nắm bắt được kiến thức.

Phương lưu ý vì số lượng tài liệu có thể rất nhiều nên người không nên đọc từng chữ một mà chỉ xem để nắm bắt ý chính. Như vậy khi thầy cô giảng bài mình sẽ dễ bắt kịp với tốc độ của bài học hơn.

Ngành Bích Phương học thiên về tính toán nên cô thường chép tay các công thức toán học và làm lại bài tập trên lớp mà giảng viên đã chữa. Theo Phương việc này giúp cô ghi nhớ được công thức và biết cách áp dụng chúng vào trong bài thi.

Bích Phương trong một lần ở Oxford Street (London, Anh). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bích Phương trong một lần ở Oxford Street (London, Anh). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đối với môn tự luận, Phương thường vạch ra các ý chính để lên cấu trúc, dàn ý cho bài viết. Vì phong cách viết học thuật của Anh khác với Việt Nam nên người học nên viết câu chủ đề lên đầu, sau đó chia nhỏ các đoạn ra để phân tích. Khi chấm bài, giảng viên có thể hiểu ngay ý mình định diễn đạt và đỡ gây bực mình cho người đọc, bởi vì thầy cô phải đọc rất nhiều bài.

Về phần từ vựng cho bài luận, Phương nhận thấy vốn từ của mình khó có thể phong phú như các bạn sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ nên cô dùng những từ đơn giản để tránh việc sử dụng không đúng với ngữ cảnh.

Việc dùng từ đơn giản, viết đúng cấu trúc ngữ pháp và đủ ý bài luận của mình vẫn sẽ được đánh giá cao.

Ngoài những phương pháp kể trên, Bích Phương cho rằng làm việc nhóm với những bạn cùng chung chí hướng sẽ giúp học tập hiệu quả hơn.

Phương lý giải trong một nhóm sẽ có bạn học tốt môn này, và bạn học tốt môn khác. Làm việc nhóm sẽ giúp các thành viên bổ sung kiến thức cho nhau, kiến thức cũng sẽ sâu và chắc hơn.

Ví dụ mình là người hướng dẫn các bạn một môn thì mình phải hiểu được nguồn gốc, gốc rễ vấn đề. Việc giảng bài cũng sẽ giúp mình nhớ kiến thức kỹ hơn.

Làm việc nhóm sẽ giúp các bạn hình thành và phát triển các kỹ năng như: Lãnh đạo, cách phân tích, trình bày vấn đề, cách điều tiết các xung đột.

Cô gái Bắc Ninh chia sẻ việc đi làm trước khi du học bậc thạc sỹ giúp chúng ta thẩm thấu kiến thức nhanh hơn, hiệu quả hơn. Ví dụ có những nội dung liên quan đến công việc của mình như: Chính sách lãi suất, chính sách điều chỉnh vốn nội bộ trong ngân hàng, …

Người học có thể áp dụng những tri thức mình đã tích lũy được trong quá trình làm việc. Từ những vấn đề bản thân đã từng giải quyết, chúng ta có tầm nhìn sâu và rộng hơn.

Bích Phương chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 giúp mình biết cách lập ra các kế hoạch, ứng phó với các tình huống và xây dựng phương án dự phòng cho những công việc đó.

Thay vì lập các mục tiêu dài hạn, mình lập các mục tiêu ngắn hạn để dễ thay đổi và thích nghi với các tình huống.”

Hiện Bích Phương đang làm quản lý cân đối vốn tại một ngân hàng ở Anh. Để làm việc tại đây cô gái Bắc Ninh đã vượt qua 3 vòng phỏng vấn.

Nhật Tân