Bé “hạt mít” vượt qua nghịch cảnh giành học bổng du học

16/08/2016 07:42
Thủy Phan
(GDVN) - Quyên đã vượt qua rất nhiều thí sinh để giành học bổng nữ sinh tài năng trẻ do Bộ Ngoại giao Ấn Độ hỗ trợ du học.

Vượt qua nghịch cảnh để trở thành du học sinh của trường đại học Niilm, Quyên chỉ có ước mơ giản dị là được cống hiến cho xã hội. Thế nhưng em luôn trăn trở, không biết có thực hiện ước mơ đó hay không, vì ngoại hình tàn tật, sức khỏe yếu...

Vương Thị Quyên (SN 1989), quê ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, (Quảng Bình), hiện đang là sinh viên năm thứ 3 - Đại học Niilm (Ấn Độ).

Vượt lên số phận

Tôi gọi là cô bé “hạt mít” vì năm nay đã 27 tuổi, nhưng trọng lượng cơ thể Quyên chỉ nặng vọn vẹn 28 kg.

Quyên mang trong mình di chứng chất độc da cam nên cơ thể còi cọc. Không chỉ thế, em lại còn “khoác” sau lưng túi ung bướu to quá cỡ, cảm giác như người em bị co lại.

Vương Thị Quyên (áo hồng) và các bạn du học sinh ở Đại học Miilm
Vương Thị Quyên (áo hồng) và các bạn du học sinh ở Đại học Miilm

Vương Thị Quyên là con gái út trong gia đình có 4 anh chị em. Bố mẹ Quyên là ông Vương Quốc Thuấn và bà Hoàng Thị Quế.

Ông Thuấn (SN 1953), nhập ngũ vào tháng 8/1972, trong đội hình Nam tiến thuộc Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ; tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ở cánh phía đông: Xuân Lộc, Long Khánh, Biên Hòa...

Năm 1977, ông Thuấn tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia đến năm 1980 thì phục viên về quê.

Theo ông Thuấn, cả 3 người con trai đầu của ông sinh ra đều lành lặn, Quyên lúc sinh cũng bình thường như những đứa trẻ khác.

Thế nhưng năm lên 9 tuổi, mọi người mới phát hiện có một khối u đằng sau lưng Quyên, mới đầu chỉ bằng nắm tay, rồi sau cứ to dần theo độ tuổi của Quyên.

“Kết luận từ các bệnh viện thì Quyên bị hiện tượng lệch xương, khối u chính là hệ thống xương sườn bị biến chứng, phát triển thành u. Chất dinh dưỡng được bao nhiêu khối u hấp thụ hết, còn cơ thể Quyên còi cọc, nhỏ lại”, ông Thuấn cho biết.

Dù số phận nghiệt ngã, nhưng Quyên chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận, suốt 12 năm học Quyên luôn đạt thành tích khá, giỏi.

Sau đó em tốt nghiệp trung cấp tin học (Trường đại học Quảng Bình) và được nhận vào làm tại Hội nạn nhân chất độc màu da cam huyện Quảng Trạch.

Năm 2014, Quyên đã vượt qua rất nhiều thí sinh trong dịp phỏng vấn của Bộ ngoại giao Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Việt Nam để giành học bổng nữ sinh tài năng trẻ do Bộ Ngoại giao Ấn Độ hỗ trợ du học Ấn Độ, kinh phí trọn gói  5.500 euro.

Quyên bây giờ đã là nữ sinh viên năm thứ ba, Khoa Báo chí - Truyền thông, đại học Niilm, thành phố Kaithal, bang Haryana nằm phía bắc Ấn Độ.

Ước mơ giản dị

Ở đại học Niilm, phần lớn sinh viên du học đến từ các nước châu Phi, châu Á... họ đều là con em quan chức đang công tác trong ngành ngoại giao.

Cả trường chỉ có 3 sinh viên Việt Nam và duy nhất Quyên là nạn nhân chất độc màu da cam.

“Các bạn sinh viên quốc tế chẳng biết thảm họa da cam Việt Nam, nạn nhân chất độc da cam là gì đâu. Họ đón nhận em bằng sự ngạc nhiên, bằng sự khâm phục”, Quyên tâm sự.

Chia sẻ về hành trình du học của mình, Quyên kể, giai đoạn đầu em hoàn toàn thua kém bạn bè vì không biết tiếng Anh, trong khi tất cả giáo trình, giao tiếp, giảng dạy đều sử dụng tiếng Anh.

Vì vậy, Quyên  đã phải nỗ lực gấp đôi để đuổi theo các bạn. Được sự giúp đỡ của hai chị sinh viên đồng hương, Quyên học đêm học ngày, ngoài thời gian lên giảng đường, thời gian còn lại đều giành học ngoại ngữ.

Cuối năm thứ nhất, em đọc thông, viết thạo, giao tiếp tiếng Anh bình thường như mọi người. Từ 60 điểm bình quân các môn học năm học đầu tiên (hệ thống giáo dục Ấn Độ xét theo thang điểm 100), bước sang năm học thứ hai, điểm bình quân của Quyên đạt gần 70.

Không chỉ khó khăn về ngôn ngữ, về việc học, Quyên cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn khác khi sinh sống ở nước ngoài như khí hậu và cách ăn uống.

Khí hậu Ấn Độ rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng đến 48 độ C, nhưng mùa đông nhiệt độ xuống thấp 1 đến 2 độ, thậm chí dưới âm.

Ở bang Haryana, phần lớn cư dân theo đạo Hindu, hay ăn chay. Vì vậy, dù đã sinh sống ở đó 2 năm, nhưng Quyên vẫn không thể nào sử dụng được thức ăn của họ. Quyên phải nhờ người đi chợ mua thực phẩm về, tự mình chế biến.

“Sắp bước vào năm thứ 3, năm học cuối cùng, hai người chị đồng hương gắn bó với mình đã về nước, bây giờ cả trường chỉ có em người Việt Nam. Lo lắm!”, Quyên bày tỏ.

Nói về ước mơ sau này của mình, Quyên bảo: “Ước mơ thì nhiều lắm! Sống trong cuộc đời ai cũng có quyền ước mơ. Bây giờ mình được gia đình, người thân, cộng đồng tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để có điều kiện đi du học thành tài.

Sau này, mình mong muốn được cống hiến cho xã hội như những người bình thường. Chưa bao giờ mình bi quan nhưng ngoại hình tàn tật, sức khỏe yếu kém như mình, ước mơ ấy khó trở thành hiện thực...”, Quyên trăn trở.

Thủy Phan