20 năm hợp tác hữu nghị giữa Na Uy và Đại học Nha Trang

20/11/2016 06:51
Thùy Linh
(GDVN) - Với sự hỗ trợ của Chính phủ Na Uy, năng lực nghiên cứu của Trường Đại học Nha Trang đã thay đổi và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ngày 25 tháng 11 năm 1971 là thời khắc đáng nhớ trong mối quan hệ Việt Nam – Na Uy. Ngày này 45 năm trước hai nước đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức. 

Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, môi trường, biến đổi khí hậu, quản trị năng lượng, thủy sản, quyền con người và bình đẳng giới. 

Bức ảnh chụp trong lễ khai giảng
Bức ảnh chụp trong lễ khai giảng

Điểm sáng trong mối thâm tình giữa hai nước phải kể tới quan hệ hợp tác về giáo dục đào tạo giữa Trường Đại học Nha Trang và Chính phủ Na Uy cũng như các cơ sở nghiên cứu giáo dục có uy tín của Na Uy như Đại học Tromso, Đại học Bergen và Đại học Khoa học Công nghệ Na Uy. 

Quan hệ hợp tác này nhằm mục đích đưa Đại học Nha Trang trở thành trung tâm học thuật có thế mạnh, một cơ sở đào tạo và phát triển năng lực chất lượng cao về kinh tế biển. 

Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Trường Đại học Nha Trang từ một cơ sở đào tạo chuyên về thủy sản đã từng bước vươn lên trở thành trường đại học đa ngành, một trong những trung tâm đào tạo uy tín của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. 

Có thể nói, sự hỗ trợ to lớn của chính phủ Na Uy dành cho trường chính là nhân tố cốt lõi, quan trọng dẫn tới những thành tựu phát triển và hội nhập quốc tế của Trường hôm nay.

Nhiều cán bộ, sinh viên và giảng viên của Trường đã và đang tham gia các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ cũng như các khóa tập huấn ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo uy tín của Na Uy về những chủ đề như kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học, và công nghệ đánh bắt. 

Năm 1997, Trường chỉ có 9 giảng viên có trình độ tiến sĩ, sau khi được phía Na Uy hỗ trợ, trường đã có thêm 17 tiến sĩ và 39 thạc sĩ được đào tạo tại Na Uy. 

Lấy cảm hứng từ những tiến bộ trong bình đẳng giới của Na Uy, Đại học Nha Trang đã lồng ghép yếu tố giới vào mọi chương trình chuyên môn của mình.

Số học viên nữ trong các chương trình thạc sĩ, tập huấn ngắn hạn và các đề án nghiên cứu đã tăng đáng kể, Trường sẽ tiếp tục nhân rộng chủ trương này.

20 năm hợp tác hữu nghị giữa Na Uy và Đại học Nha Trang ảnh 2
Hội thảo phát triển nghề nghiệp nữ giới. Ảnh KT

Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Na Uy, Nhà trường cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nghề nghiệp cho giảng viên nữ. 

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Na Uy, năng lực nghiên cứu của Nhà trường cũng đã thay đổi và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hàng trăm bài báo khoa học đã được đăng trên các tạp chí quốc gia và quốc tế hàng năm. Cùng với năng lực nghiên cứu, khả năng đào tạo của Trường cũng được tăng cường. 

Đáng mừng hơn, trong khuôn khổ hợp tác với Na Uy, Nhà trường đã xây dựng thành công Trung tâm giống và dịch bệnh hiện đang hoạt động rất hiệu quả và đã nhân giống thành công giống cá chẽm nổi tiếng trong và ngoài nước.

Na Uy đã trở thành người bạn đồng hành của Đại học Nha Trang trong quá trình phát triển của trường cũng như của ngành thủy sản Việt Nam.

Việt Nam và Na Uy đều là các nước sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới, cả hai quốc gia đều có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. 

Tới đây, ngày 23/11, Đại sứ quán Na Uy và Innovation Norway sẽ bàn về các tiềm năng này tại một hội thảo tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề chủ đề Kinh tế Biển. 

Công nghệ tiên tiến và các trình độ chuyên ngành của Na Uy cũng như kinh nghiệm của Đại học Nha Trang sẽ được chia sẻ tại Hội thảo này. 

Với tinh thần hợp tác bền chặt, các đối tác của Na Uy và Trường Đại học Nha Trang đã vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức để thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp lâu dài  hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Đây chính là cơ sở vững chắc để Nhà trường tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác mới, và để tiếp tục hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam. 

Thùy Linh