Dịch giã phức tạp vẫn có phòng GD tổ chức các cuộc thi phải chăng vì kinh phí?

15/01/2022 06:57
KIM THU
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các cuộc thi cấp trường thì đầy đủ thành phần, ban bệ,… nhưng kết quả thì gần như 100% học sinh hoặc giáo viên đều đạt.

Hiện nay ngành giáo dục đang bội thực các hội thi của giáo viên và học sinh. Thật ra bản chất, mục đích của hội thi nhằm nhân rộng gương điển hình, phổ biến những giải pháp hay, giao lưu trao đổi kinh nghiệm,… góp phần tăng cường khả năng tự học, sáng tạo của giáo viên và học sinh cả nước.

Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều hội thi trong đó đa phần là chạy theo chỉ tiêu, bệnh thành tích đã gây áp lực không nhỏ lên thầy và trò, khiến giáo viên và học sinh mất quá nhiều thời gian, kinh phí, công sức và có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe,… nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.

Vì sao các trường, phòng giáo dục tăng cường tổ chức các hội thi giáo viên và học sinh dịp cuối năm?

Do dịch giã hiện nay vẫn còn phức tạp nên đa số các cuộc thi tổ chức thi ở cấp sở đều được dừng lại. Tuy nhiên các trường, các phòng giáo dục thì lại rất “siêng” tổ chức các hội thi của giáo viên và học sinh mặc dù có nhiều nơi vẫn còn học trực tuyến như:

Đối với học sinh thì thi vẽ tranh cổ động phòng chống Covid; an toàn giao thông; khoa học kỹ thuật; học sinh giỏi văn hóa; thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng,….

Đối với giáo viên thì có các cuộc thi: Giáo viên giỏi văn hóa; giáo viên chủ nhiệm giỏi; thi văn nghệ; thi viết sáng kiến kinh nghiệm; đồ dùng dạy học; văn nghệ ngành;… cấp trường, cấp huyện.

Thực tế các trường chỉ cần chờ văn bản, kế hoạch tổ chức thi cấp huyện (do phòng giáo dục tổ chức) thì các trường lập tức ban hành kế hoạch tổ chức thi cấp trường và chuẩn bị thi cấp huyện.

Ảnh minh hoạ: Baoquangngai.vn

Ảnh minh hoạ: Baoquangngai.vn

Các trường thì do bộ phận chuyên môn tham mưu hiệu trưởng tổ chức các hội thi cấp trường và chọn để thi cấp huyện do phòng giáo dục tổ chức.

Các cuộc thi cấp trường thì đầy đủ thành phần, ban bệ,… nhưng kết quả thì gần như 100% học sinh hoặc giáo viên đều đạt. Do đó việc tổ chức Hội thi cấp trường rất hình thức chưa thi mà gần như đã biết trước kết quả là sẽ đạt.

Khi có kế hoạch hội thi thì sẽ thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo cấp trường (Hiệu trưởng là trưởng ban, phó hiệu trưởng là phó ban); ở cấp huyện thì Trưởng phòng là trưởng ban, các Phó trưởng phòng là phó ban và các thành viên trong Ban tổ chức, Ban giám khảo,…

Dịch giã phức tạp nhưng các trường và các phòng giáo dục đều rất “siêng” tổ chức các Hội thi giáo viên và học sinh vì mục đích chính đó là kinh phí từ các hội thi là không nhỏ như kinh phí chi cho việc thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo, kinh phí chi ra đề thi, kinh phí tổ chức, khen thưởng,… nên kinh phí tổ chức mỗi Hội thi cấp trường, huyện kinh phí có thể lên đến hàng chục triệu đồng.

Trong đó kinh phí khen thưởng cho người tham gia là giáo viên và học sinh không là bao nhiêu nhưng kinh phí tổ chức và kinh phí chi cho các ban bệ là con số lớn.

Cán bộ quản lý, thành viên phòng giáo dục, trường học khi tổ chức các hội thi đều nhận phần kinh phí không nhỏ của Ban tổ chức, Ban giám khảo, kinh phí tổ chức, kinh phí ra đề, duyệt đề, công tác phí,…

Bên cạnh đó khi chấm thi thì cán bộ quản lý cũng tham gia với tư cách là thành viên của ban giám khảo nên càng tổ chức nhiều hội thi thì họ sẽ càng có nhiều kinh phí nên họ rất “siêng” tổ chức các hội thi khiến giáo viên và học sinh vô cùng vất vả, mệt mỏi và bất chấp có khả năng bị ảnh hưởng do dịch bệnh phức tạp.

Do đó, dịp cuối năm công việc giáo viên do dạy trực tuyến hoặc trực tiếp khi giãn cách vô cùng vất vả, mệt mỏi nhưng bắt buộc vẫn phải tham gia, hướng dẫn học sinh tham gia các Hội thi khiến giáo viên, phụ huynh bức xúc.

Giáo viên và học sinh thì vất vả nhưng người hưởng lợi nhiều nhất chính là cán bộ quản lý phòng giáo dục, trường học nên họ rất “siêng” tổ chức các Hội thi dịp cuối năm là vì lý do trên.

Mỗi một kỳ thi do áp lực chỉ tiêu, thành tích khiến giáo viên và học sinh vô cùng vất vả, giáo viên không còn tập trung vào công việc giảng dạy thực chất trên lớp nên gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đối với giáo viên và học sinh.

Nhiều trường hợp giáo viên thi giáo viên giỏi thì “diễn” tốt đạt danh hiệu giáo viên giỏi nhưng khi về giảng dạy thì dạy “tàng tàng”, không hiệu quả nên cuộc thi không thực chất, việc đánh giá giáo viên qua 1 tiết dự giờ, “diễn” 1 tiết là không còn phù hợp trong tình hình hiện nay, tăng thêm bệnh hình thức trong giáo dục.

Giáo viên dạy giỏi hay tốt là cả một quá trình mà chỉ có cán bộ quản lý, đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh ghi nhận và cũng không cần danh hiệu nào.

Thông qua bài viết, người viết có 2 kiến nghị gửi đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một là trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên tạm dừng các Hội thi của giáo viên và học sinh trong năm học này để giáo viên tập trung vào soạn giảng, học tập, bồi dưỡng chuyên môn (cùng với việc bồi dưỡng chương trình mới), hai là đánh giá lại hiệu quả các hội thi hiện nay, hội thi nào mang tính chất hình thức, thành tích, không thực chất thì mạnh dạn loại bỏ.

Giảm được áp lực các hội thi của giáo viên và học sinh thì giáo viên sẽ chuyên tâm vào giảng dạy thực chất hơn, học sinh tập trung vào học tập hơn thì chất lượng đương nhiên sẽ từng bước được nâng lên một cách ổn định và vững chắc, việc đổi mới chương trình sẽ dễ thành công hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM THU