Để bổ nhiệm, xếp hạng, xếp lương cho giáo viên không còn rối bời

02/06/2022 06:38
Vũ Hoàng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh những ưu điểm, dự thảo thông tư 01-04 sửa đổi, vẫn còn một số điểm cần cụ thể hoá để tránh đi vào “vết xe” đổ của chùm thông tư cũ.

Chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên sau khi ra đời đã vướng phải nhiều bất cập.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến của nhà giáo cả nước để sửa đổi, bổ sung các thông tư để khắc phục những bất hợp lí, tạo thuận lợi cho giáo viên.

Vẫn còn những băn khoăn trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT

Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Những giáo viên tôi gặp đều vui mừng vì Dự thảo sửa đổi nhiều quy định theo hướng có lợi cho giáo viên, song còn có những băn khoăn.

Ngoài những điểm mới như bỏ xếp hạng đạo đức giáo viên, bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng, không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ, giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm, giáo viên không cần nộp minh chứng cho tiêu chuẩn nhiệm vụ của các hạng, thời gian giữ hạng… vẫn còn một số điểm cần cụ thể hoá trong thông tư để tránh đi vào “vết xe” đổ của chùm thông tư cũ.

Ảnh minh họa: CTV/Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: CTV/Giaoduc.net.vn

Thứ nhất, trong cả 4 thông tư ở “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” dự thảo vẫn giữ nguyên các yêu cầu của chùm thông tư cũ.

Theo đó, như Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT tại điểm đ và e, khoản 4, Điều 5. Giáo viên tiểu học hạng I - Mã số: V.07.03.27, quy định:

4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

đ) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng I và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao;

e) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;

Thực tế triển khai vừa qua tại điểm đ và e, khoản 4, điều 5 này, khi chuyển xếp, bổ nhiệm, giáo viên đã bị “hành lên hành xuống”, mỗi nơi mỗi cách hiểu, cách làm khác khiến nhiều giáo viên bị rớt hạng oan.

Ở điểm đ, nhiều địa phương yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nộp để minh chứng.

Vậy là giáo viên nhộn nhịp đi học, đi thi để có chứng chỉ nộp mới mong được giữ hoặc thăng hạng. Lại nhiêu khê, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc của giáo viên còn hơn đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Còn đối với nội dung ở điểm e: “Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên” đã gây tranh cãi và nhiều cơ sở giáo dục địa phương lại có nhiều cách triển khai thực hiện khác nhau.

Nơi “vịn” vào thời gian giữ hạng là 6 năm hoặc 9 năm để công nhận thành tích đó phù hợp, nơi lại công nhận thành tích đó giáo viên đã đạt được ở thời gian trước khi bổ nhiệm, xếp hạng.

Ví dụ: Có địa phương hiệu trưởng thực hiện là giáo viên phải đạt các danh hiệu, thành tích, giáo viên giỏi trong thời gian giữ hạng là 6 năm với hạng II hoặc năm liền kề mới được tính thăng hạng I. Những thành tích trước đó không được công nhận. Có hiệu trưởng công nhận danh hiệu, thành tích từ lúc mới ra trường đến thời điểm bổ nhiệm, xếp hạng.

Như vậy là nơi làm đúng, nơi không, nơi “thoáng” nơi lại “co”. Chỉ 1 điểm nhỏ này mà giáo viên nhiều địa phương bị thiệt thòi quyền lợi, không được giữ hạng mà bị tụt hạng.

Thứ hai, tại điểm h, khoản 3, Điều 4. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28 tại Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định:

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

h) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;

Theo điểm này, có sự thiếu công bằng trong xếp hạng trong giáo viên và giáo viên Tổng phụ trách. Giáo viên dạy lớp chỉ cần đạt giáo viên giỏi cấp trường còn giáo viên Tổng phụ trách phải đạt giỏi từ cấp huyện trở lên. Giáo viên Tổng phụ trách cho rằng quy định này đã làm thiệt thòi lớn cho mình.

Để bổ nhiệm, xếp hạng, xếp lương cho giáo viên không còn rối bời

Người viết cho rằng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung nếu được ra đời sẽ có lợi rất nhiều cho giáo viên. Thế nhưng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh vấn đề còn tồn tại như đã nói ở trên.

Bên cạnh đó khi Thông tư được chính thức điều chỉnh Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn chi tiết cho các địa phương thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán, thống nhất trong cả nước.

Tôi xin góp ý về việc chỉnh sửa 2 vấn đề bất cập của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT như sau:

Vấn đề thứ nhất, tại điểm đ và e, khoản 4, Điều 5. Giáo viên tiểu học hạng I - Mã số: V.07.03.27, quy định:

4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

đ) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng I và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao;

e) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;

Điểm đ cần quy định cụ thể là giáo viên không cần phải có minh chứng bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Điểm e nên sửa đổi và quy định rõ: e) Đã được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;

Vấn đề thứ hai, tại điểm h, khoản 3, Điều 4. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28 tại Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT cần bổ sung quy định “3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” là “hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên” thay bằng “hoặc được công nhận đạt các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên”.

Ở đây, thay vì giáo viên chỉ đạt một trong hai danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên bằng phải đạt cả hai danh hiệu này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Vũ Hoàng