Bức tranh nửa sáng nửa tối về thị trường Việt Nam

14/04/2012 08:25
Đào Phương Lâm
(GDVN) - “Bức tranh nửa sáng nửa tối về thị trường Việt Nam” đang khiến nhiều người băn khoăn không xác định được Việt Nam là nền kinh tế gì.
Mơ hồ về nền kinh tế
Ngày 13/4, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng thế giới (WB) và Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam đã tiến hành hội thảo công bố kết quả khảo sát “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường Việt Nam 2011” (CAMS 2011). CAMS 2011 được tiến hành điều tra đối với hơn 1000 người thuộc các nhóm đối tượng như chủ doanh nghiệp, cán bộ các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí, đại sứ quán một số nước tại Việt Nam.
Một trong những kết quả quan trọng của cuộc khảo sát này chỉ ra rằng, đa phần người dân chưa thực sự cảm nhận được rõ ràng về nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 25% số người được hỏi cho rằng kinh tế Việt Nam đã hoàn toàn là kinh tế thị trường, một tỷ lệ tương tự số người trả lời rằng Việt Nam vẫn là một nền kinh tế Nhà nước.

Các đơn vị phối hợp tiến hành khảo sát chủ trì hội thảo (Ảnh: Đào Lâm)
Các đơn vị phối hợp tiến hành khảo sát chủ trì hội thảo (Ảnh: Đào Lâm)
Cũng theo kết quả của CMAS 2011, 87% số người cho rằng mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn các mô hình kinh tế khác. Chỉ có 7% cho rằng mô hình kinh tế nhà nước là ưu việt, 6% không mấy quan tâm đến mô hình kinh tế hiện nay là kinh tế thị trường hay kinh tế nhà nước.
Một thông tin không mấy vui về thị trường Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là tính minh bạch không cao. Chỉ 17% số người trả lời CAMS 2011 cho rằng quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Việt Nam có tính minh bạch cao, trong khi có tới 35% số người nhận định quá trình này là khép kín, tức không thực sự minh bạch.

Nhận xét về những kết quả này, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng đây là một thực tế phản ánh “Bức tranh nửa sáng nửa tối về thị trường Việt Nam”.

Mâu thuẫn trong nhận thức và mong muốn

Mặc dù đa số (87%) người được hỏi cho rằng nền kinh tế thị trường là ưu việt, song, một “thông điệp đáng ngạc nhiên” được đưa ra trong cuộc khảo sát là người dân vẫn muốn nhà nước can thiệp vào giá cả thị trường, điều này đi ngược với suy nghĩ tích cực về nền kinh tế thị trường, vốn không phải là “đất” để bàn tay của Nhà nước điều khiển yếu tố giá cả.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, nguyên nhân dẫn đến mong muốn nhà nước can thiệp giá cả là vì người dân lo ngại hệ quả xấu từ việc các doanh nghiệp lớn độc quyền các mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu, ngoại tệ, vàng, đất đai, tài nguyên cơ bản, vận tải… sẽ độc quyền về giá nếu không có sự điều tiết của nhà nước. Ngoài ra, cách truyền tải thông tin của các cơ quan truyền thông đại chúng cũng dẫn thị trường đến suy nghĩ rằng giá cả thay đổi chủ yếu là do nhà nước điều tiết (chẳng hạn như các quy định về trần giá xăng dầu).

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trình bày báo cáo tại hội thảo (Ảnh: Đào Lâm)
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trình bày báo cáo tại hội thảo (Ảnh: Đào Lâm)

Sự mâu thuẫn trong suy nghĩ của người dân còn thể hiện ở kết quả khảo sát về tính hiệu quả của chương trình bình ổn giá. Khi “ủng hộ” việc nhà nước can thiệp giá cả trên thị trường, nhưng có tới hơn một nửa (57%) số người được hỏi lại đánh giá chương trình bình ổn giá của nhà nước là không hiệu quả.
 
Câu hỏi được đặt ra ở đây là nếu như nhận thấy sự can thiệp giá của nhà nước, mà chương trình bình ổn giá là một ví dụ điển hình, không hiệu quả, vậy tại sao người dân vẫn muốn nhà nước can thiệp vào thị trường. Về khía cạnh này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cấp cao, phân tích rằng chương trình bình ổn giá không đạt được hiệu quả vì nó thực sự không phục vụ cho lợi ích của đại đa số, chỉ một số ít (các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế khi tham gia chương trình này) là “vui mừng” với việc thực hiện chương trình.

Những tín hiệu đáng mừng

Bên cạnh những kết quả không mấy tích cực về “Bức tranh nửa sáng nửa tối” và “Mâu thuẫn trong nhận thức và mong muốn”, CAMS 2011 cũng phản ánh những mặt tích cực của thị trường Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trước hết đó là việc người dân đang vui mừng với những tiến bộ đạt được của thị trường. Đánh giá này được đưa ra dựa trên kết quả đa phần các nhóm đối tượng tham gia khảo sát đều đồng ý với nhận định “Tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay tốt hơn so với 5 năm trước”. Một kết quả tương tự cũng được dành cho các nhận định; “Về tổng thể, tôi hài lòng với tình hình hiện tại của nền kinh tế” và “Trẻ em hiện nay rồi sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ chúng tôi”.

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, CAMS 2011 đã phản ánh đúng suy nghĩ của những đối tượng được điều tra. Báo cáo này còn được đánh giá là một nguồn bổ sung hữu ích cho công tác thống kê kinh tế xã hội của Việt Nam, vốn không được đánh giá cao; và nó cũng đóng vai trò là một thông điệp truyền đạt cho các cơ quan quản lý nhà nước về suy nghĩ và nhận thức của người dân về tình hình kinh tế cũng như quá trình hoạch định chính sách của Nhà nước, từ đó có những thay đổi phù hợp trong công tác này.

Các đại biểu hy vọng CAMS sẽ tiếp tục được tiến hành trong những năm tiếp theo với các các cải tiến như có thêm các đối tượng là nông dân và công nhân, đại biểu cho đa số người dân Việt Nam, sửa đổi những câu hỏi và phương án trả lời phù hợp hơn (như đưa ra thêm mô hình kinh tế “2 bàn tay” điều khiển là Nhà nước và Thị trường).
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi“Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Đào Phương Lâm