Sáng ngày 10/12, tọa đàm “Nâng cao chuẩn đại học với Thông tư 01 - Gỡ khó hay gặp khó” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Tập đoàn EQuest tổ chức đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, lãnh đạo, đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Tham dự tọa đàm, về phía Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Về phía Tập đoàn EQuest có sự tham dự của bà Đàm Bích Thủy - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập, Tập đoàn Giáo dục EQuest và một số cán bộ của Tập đoàn EQuest.
Về phía khách mời, tọa đàm có sự tham gia của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; chuyên gia độc lập uy tín trong lĩnh vực giáo dục - Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Kim Phụng và Cộng sự cùng lãnh đạo, đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước như Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Hòa Bình, Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kiên Giang,...
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ, đồng hành cùng các cơ sở giáo dục đại học, trong tháng 10/2024 vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thành công 2 tọa đàm về “Kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài và trong nước” và “Trường đại học khó tìm “tiến sĩ ngành phù hợp” để mở ngành”.
Tổng hợp ý kiến của các thầy cô tham gia tọa đàm, Tạp chí đã có kiến nghị gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, và ngay sau đó đã nhận được phản hồi từ Bộ.
“Tiếp nối thành công đó, hôm nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nâng cao chuẩn đại học với Thông tư 01 - Gỡ khó hay gặp khó” để ghi nhận các ý kiến các cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia để có căn cứ, nội dung cụ thể kiến nghị về mặt chính sách tới Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giảm bớt áp lực (về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên…) cho các trường mà vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy và nghiên cứu”, Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Bình bày tỏ.
Lo ngại lãng phí lực lượng lao động có trình độ khi yêu cầu giảng viên chủ trì ngành phải trong độ tuổi lao động
Tháng 2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 22/3/2024.
Theo Thông tư, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí với 28 chỉ số là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ sở giáo dục đại học phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.
Mặc dù chuẩn cơ sở giáo dục đại học đã chính thức được ban hành và có hiệu lực thi hành, tuy nhiên, theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học cho biết, có một số tiêu chuẩn, tiêu chí đặt ra trong bộ chuẩn “rất khó để đạt được” như tiêu chuẩn về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, diện tích đất trên người học (25m2/sinh viên) và “ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt”…
Trao đổi tại tọa đàm, bà Đàm Bích Thủy - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập, Tập đoàn Giáo dục EQuest - một trong những tổ chức giáo dục tư nhân lớn nhất Việt Nam với 25 đơn vị thành viên, đào tạo hơn 362.000 học viên theo học mỗi năm tại hệ thống các trường phổ thông; trường đại học, cao đẳng và dạy nghề; trung tâm đào tạo tiếng Anh và tư vấn du học; và các nền tảng công nghệ giáo dục đã có những chia sẻ về việc thực hiện Thông tư 01.
Theo bà Đàm Bích Thuỷ, Tập đoàn Giáo dục EQuest có một trường đại học đặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế là Trường Đại học Phú Xuân.
Hiện Trường Đại học Phú Xuân có 3 khu vực để triển khai các hoạt động đào tạo, về cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn về diện tích đất và diện tích giảng dạy trên đầu sinh viên. Tuy nhiên, theo bà Thuỷ, việc áp dụng quy định về diện tích tối thiểu 25m2 trên 1 sinh viên vẫn là một thách thức lớn đối với những cơ sở giáo dục đóng tại các thành phố lớn.
“Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ giáo dục, nên chăng chúng ta cần xem xét lại việc liệu cơ sở vật chất có nhất thiết phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng đào tạo hay không, hay những vấn đề về công nghệ, đầu tư cho giảng viên hay các trải nghiệm của sinh viên”, bà Đàm Bích Thuỷ đặt vấn đề.
Đồng thời, đại diện Tập đoàn EQuest cũng bày tỏ: “Mặc dù đây không phải là vấn đề chính của Tập đoàn EQuest tại thời điểm này, nhưng chúng tôi rất mong muốn có cơ hội trao đổi sâu hơn về bài toán diện tích đất của các cơ sở giáo dục đại học khi phát triển”.
Về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, bà Đàm Bích Thuỷ cho biết đây là thách thức lớn với Tập đoàn EQuest hiện nay. Ngay cả khi có khả năng về kinh phí để tuyển giảng viên, nhưng để tuyển đủ giảng viên theo đúng tiêu chí của Thông tư 01 là vẫn một thách thức lớn. Bà Thuỷ cho rằng đây cũng là thách thức với các cơ sở giáo dục đại học có địa bàn giảng dạy không nằm ở các thành phố lớn.
Phân tích thêm, bà Đàm Bích Thuỷ dẫn thực tế khi hiện nay để đào tạo tiến sĩ mất rất nhiều thời gian, trong khi đó, Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi quy định liên quan đến ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ quy định giảng viên chủ trì ngành phải nằm trong độ tuổi lao động.
“Như vậy, chúng ta đã loại ra nhiều các giảng viên đã cống hiến nhiều năm, mà thực ra trong học thuật tuổi đời và kinh nghiệm cống hiến tỉ lệ thuận với nhau, chứ không phải tỷ lệ nghịch như nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, nên chăng cần xem lại quy định này, nếu không chúng ta đã loại ra một lực lượng lao động rất có trình độ, tình yêu và tâm huyết với nghề để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, bà Đàm Bích Thuỷ nói.
Ngoài ra, bà Đàm Bích Thuỷ cũng đề xuất cần xem xét lại quy định ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí diện tích và bàn ghế làm việc riêng biệt tại cơ sở giáo dục đại học (tối thiểu 6m2/người), bởi có thể gây lãng phí khi giảng viên không sử dụng hết công suất.
Đặc biệt, bà Đàm Bích Thuỷ nhấn mạnh đề xuất, thay vì đầu tư quá nhiều vào cơ sở vật chất, có thể dành một phần kinh phí để đầu tư vào công nghệ, như kết nối internet tốc độ cao, mua tài liệu điện tử, hay dành nguồn lực hỗ trợ giảng viên trong hoạt động nghiên cứu.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến khác cũng bàn luận sôi nổi về các tiêu chí giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính được đặt ra tại Thông tư số 01; đặc biệt nhận diện những thách thức, khó khăn đối với các cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực đặc thù như nghệ thuật, hay các trường ở khu vực nội thành, các trường tư thục,...
Đề xuất xây dựng quỹ cho phát triển hạ tầng
Chia sẻ thực tế tại Trường Đại học Ngoại thương, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường có 3 cơ sở tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh.
Diện tích đất/sinh viên hiện nay của Trường Đại học Ngoại thương là 5,3m2/sinh viên. Tuy nhiên, đến năm 2030, nhà trường phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 01 (dù hệ số vị trí của khuôn viên đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương được tính = 2,5) thì Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Hiền nhận định, điều này đặt ra bài toán về quỹ đất, là thách thức không nhỏ với Trường Đại học Ngoại thương.
Thực tế, đây cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở giáo dục đại học nằm ở khu vực đô thị. Theo cô Hiền, hiện nay Trường Đại học Ngoại thương đang tích cực tìm kiếm quỹ đất phù hợp để cải thiện điều kiện về cơ sở vật chất, song việc này không hề đơn giản bởi có không ít thách thức liên quan đến quỹ đất và thủ tục pháp lý.
Hiện các trường chỉ còn thời gian 5 năm để cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Thông tư 01. Phó giáo sư Vũ Thị Hiền nhận định, thời gian 5 năm, đối với các tiêu chí khác có thể là khoảng thời gian đủ dài để cải thiện, song với tiêu chí về đất đai là rất khó.
Đó là những khó khăn đến từ việc giá cả đất ngày càng leo thang, quỹ đất lại có hạn, chưa kể còn phải cạnh tranh với nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm triển khai vận hành 3 cơ sở, lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, quỹ đất phù hợp còn phải đảm bảo có hệ sinh thái đủ mạnh (bao gồm các dịch vụ tiện ích hỗ trợ học tập, giải trí, kết nối doanh nghiệp,...). Đây đều là những bài toán đặt ra khi tìm quỹ đất mới mà các cơ sở giáo dục đại học phải tính toán kĩ lưỡng.
Để giải quyết những khó khăn về quỹ đất, Phó giáo sư Vũ Thị Hiền kiến nghị nhà nước cần có chính sách ưu tiên quỹ đất cho giáo dục, và phải được cụ thể hóa trong quy hoạch của các địa phương, thậm chí quy hoạch trong ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, cần có chính sách cho phát triển hạ tầng với sáng kiến xây dựng các quỹ vốn, phân bổ theo cơ chế cạnh tranh để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, các tổ chức tài trợ, các doanh nghiệp,... với tiêu chí minh bạch, rõ ràng để đánh giá.
Cuối cùng, Phó giáo sư Vũ Thị Hiền nhấn mạnh, bản thân các cơ sở giáo dục đại học cũng cần chủ động tìm kiếm quỹ đất. Trước mắt, trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề quỹ đất chưa được giải quyết, các trường cần có giải pháp sử dụng hiệu quả quỹ đất vốn có như xây dựng các khu phức hợp đa năng.