Cục trưởng Cục nhà giáo lý giải vì sao đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi mức 10% và 5%

08/06/2023 06:39
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo TS Vũ Minh Đức, đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi nếu được Bộ Tài chính thống nhất thì đây là tin vui, tạo động lực cho đội ngũ GV trước thềm năm học mới.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ và thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non là 10%, bậc tiểu học là 5%. Phương án này đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.

Để tìm hiểu thêm về quá trình làm việc giữa các Bộ, ngành về nội dung này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Ảnh: Doãn Nhàn

_____
Phóng viên: Xin hỏi, quá trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành liên quan đã diễn ra như thế nào để thống nhất mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo này?

Tiến sĩ Vũ Minh Đức: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng các Bộ, ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 và Nghị quyết số 75 của Quốc hội khóa XV và thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ.

Để thống nhất về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với việc đề xuất xây dựng Nghị định khi chưa thực hiện tổng thể chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính.

Sau khi có đầy đủ ý kiến của các Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định.

_____
Phóng viên: Vì sao là con số 10% và 5%, thưa Cục trưởng?

Tiến sĩ Vũ Minh Đức: Trong thời gian gần đây, trong quá trình triển khai thực hiện phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sửa đổi. Bên cạnh đó, theo thống kê, lương và phụ cấp ưu đãi nghề chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo đời sống cho giáo viên. Thu nhập của giáo viên (bao gồm lương và phụ cấp) thấp là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, không yên tâm công tác.

Trên tinh thần kế thừa những quy định đã và đang phù hợp, không có vướng mắc trong thực tiễn đã được quy định, khắc phục những khó khăn, vướng mắc theo quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất mức phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo để phù hợp với đặc thù của ngành học, cấp học và phù hợp với quy định về trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp với mức phụ cấp và lương đề xuất khi thực hiện tổng thể chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Cụ thể:

Với cấp mầm non: Đề xuất điều chỉnh thêm 10% đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và 50% (không điều chỉnh đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non hiện đang hưởng mức 70%). Trung bình mỗi giáo viên mầm non sau khi điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi khoảng 440.000 đồng/tháng.

Với cấp tiểu học: Đề xuất điều chỉnh thêm 5% đối với cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học đang hưởng mức 35% và 50% (không điều chỉnh đối với cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học hiện đang hưởng mức 70%). Trung bình mỗi giáo viên tiểu học sau khi điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi khoảng 270.000 đồng/tháng.

Việc đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cấp mầm non, tiểu học như trên là phù hợp với mức phụ cấp và tiền lương khi thực hiện tổng thể chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đồng thời phù hợp với thực tiễn ngân sách nhà nước trong điều kiện hiện nay.

_____
Phóng viên: Thưa ông, nếu đề xuất mới này được Bộ Tài chính thông qua thì sẽ tạo thêm động lực như thế nào cho đội ngũ nhà giáo?

Tiến sĩ Vũ Minh Đức: Trước đây, năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và ban hành Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244.

Sau hơn 17 năm thực hiện, chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập và bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình, qua đó chất lượng giáo dục cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên cấp mầm non, cấp tiểu học với mức tăng từ 5-10% nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non và giáo dục học sinh tiểu học.

Nếu được Bộ Tài chính thống nhất thì đây là tin vui, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo trước thềm năm học mới 2023-2024.

_____
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Doãn Nhàn