Cộng tác viên báo chí- một nghề “làm thêm” rất đặc biệt của một số thầy cô giáo

24/01/2020 06:44
THANH AN
(GDVN) - Bạn đọc cả nước không khó để nhận ra những người “làm báo tay trái” là những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường.

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo trên cả nước làm thêm nghề tay trái thì có rất nhiều. Người dạy thêm, người buôn bán nhỏ, người bán hàng online, người chạy xe ôm, người làm ruộng, chăn nuôi…Việc làm thêm nghề tay trái để nuôi nghề tay phải là tình trạng chung của nhiều nhà giáo hiện nay.

Trong những nghề làm thêm ấy, có một nghề "làm thêm" rất đặc biệt là làm cộng tác viên báo chí. Nghề này, ngoài sự đam mê cộng với các kỹ năng báo chí còn là sự chấp nhận cả những rủi ro (có thể) xảy ra với mình.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đang có rất nhiều cộng tác viên là những thầy cô giáo (Ảnh chỉ minh họa, nguồn: infonet.vn)

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đang có rất nhiều cộng tác viên là những thầy cô giáo 

(Ảnh chỉ minh họa, nguồn: infonet.vn)

Những cộng tác viên quen thuộc của mục Giáo dục 24h trên giaoduc.net.vn

Điểm qua trên các mặt báo, chúng ta dễ dàng nhận ra, bên cạnh những bài viết của đội ngũ phóng viên đã phản ánh những sự kiện xã hội đến với công chúng thì cũng có rất nhiều những bài viết của các thầy cô giáo đang giảng dạy ở các nhà trường. 

Lúc đầu, họ cũng từng cộng tác với một số tờ báo khác nhau nhưng sau một thời gian thì thường “neo lại một bến đỗ” mà mình cảm thấy ưng ý và phù hợp nhất.

Thầy cô giáo…viết báo nghe có vẻ lạ nhưng mà lại quen bởi những bài viết rất thật từ cơ sở. Chính vì thế, nhiều tờ báo đã xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên là giáo viên và những bài viết của họ xuất hiện thường xuyên, nhiều cái tên đã  trở nên quen thuộc với bạn đọc.

Trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam- một tờ báo có nhiều bài viết rất thực về đời sống giáo dục nước nhà và những bài viết này được đội ngũ giáo viên trên cả nước yêu thích, đa phần các bài viết được chia sẻ lại ở rất nhiều trang báo khác, các trang facebook của giáo viên.

Bạn đọc cả nước không khó để nhận ra những người “làm báo tay trái” là những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường.

Những thầy cô đã cộng tác với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì có rất nhiều nhưng “trụ lại” lâu dài trong nhiều năm và trở nên quen thuộc với bạn đọc có thể kể đến thầy Đỗ Tấn Ngọc, cô Phan Tuyết, thầy Nguyễn Cao…

Trong khoảng gần đây, có 3 cộng tác viên cũng thường xuyên xuất hiện hàng ngày là các thầy: Sơn Quang Huyến, Phan Thế Hoài, Lê Đức Đồng…

Một điểm chung khá thú vị của các thầy cô đang cộng tác thường xuyên trên giaoduc.net.vn mà chúng tôi tìm hiểu được là họ đều sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đầu miền Trung nhưng lại đang công tác ở các tỉnh phía Nam của đất nước.

Cộng tác viên báo chí- một nghề “làm thêm” rất đặc biệt của một số thầy cô giáo ảnh 2Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam "xa mà gần gũi"

Thầy Đỗ Tấn Ngọc, cô Phan Tuyết, thầy Nguyễn Cao đều sinh ra ở quê hương Thanh Hóa. Thầy Ngọc vào Nam từ nhỏ, còn cô Phan Tuyết và thầy Nguyễn Cao thì sau khi ra trường mới…Nam tiến.

Thầy Sơn Quang Huyến, thầy Lê Đức Đồng sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nghệ Tĩnh và cũng đã vào Nam mấy chục năm trời.

Thầy Phan Thế Hoài ít tuổi hơn các thầy cô còn lại, thầy Hoài sinh ra ở Quảng Trị nhưng bây giờ cũng đang công tác tại phía Nam.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cả 6 thầy cô “chia đều” tại 3 khu vực ở các tỉnh phía Nam. Thầy Ngọc, cô Tuyết ở Nam Trung Bộ; thầy Huyến, thầy Hoài ở Đông Nam Bộ; thầy Cao, thầy Đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hàng ngày, các bài viết của các thầy cô này vẫn thường xuất hiện trên các trang Giáo dục 24h; Tiêu điểm; Văn hóa của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là trang Giáo dục 24h.

Những cộng tác viên không ngại những vấn đề gai góc của xã hội

Ngoài những câu chuyện giáo dục, những thực tế công tác được phản ánh từ cơ sở thì những thầy cô cộng tác viên trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng không ngại những vấn đề gai góc.

Chẳng hạn như chương trình VNEN đã có rất nhiều bài viết đi đến tận cùng vấn đề từ những bất cập trong giảng dạy, giá sách giáo khoa, cách bán sách giáo khoa và cả khi công bố báo cáo Đánh giá tác động VNEN của Ngân hàng Thế giới (WB).

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Chương trình môn học cũng không báo nào mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng từng môn học như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam với hàng trăm bài viết và phản ánh từ những ngày đầu.

Bên cạnh những bài viết của phóng viên về các sự kiện là những bài viết phân tích tỉ mỉ từng vấn đề nhỏ để đến khi chương trình chính thức thông qua đã có nhiều những thay đổi so với phần dự thảo ban đầu.

Cộng tác viên báo chí- một nghề “làm thêm” rất đặc biệt của một số thầy cô giáo ảnh 3Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của thầy Trần Sơn

Vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cũng có hàng trăm bài viết của đội ngũ cộng tác viên và nhận được sự đồng tình lớn của bạn đọc cả nước

Ngoài ra, chuyện sáng kiến kinh nghiệm, hội thi giáo viên giỏi các cấp, hồ sơ sổ sách, dạy thêm, học thêm …cũng liên tục được cập nhật và Bộ cũng đã có những điều chỉnh cụ thể trong thời gian qua.

Bên cạnh những vấn đề hóc búa thì cũng liên tục xuất hiện những bài viết ca ngợi những tấm gương giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học ở các nhà trường. Đồng thời, cũng liên tục có những bài viết phản ánh những cái hay, cái mới, những ưu điểm của ngành giáo dục.

Trong số các thầy cô cộng tác quen thuộc trên giaoduc.net.vn, chúng ta thấy mỗi người một văn phong, cách tiếp cận các vấn đề khác nhau. Có khi gay gắt, có lúc mềm dẻo, sâu sắc nhưng cũng có khi lại trào phúng đến độ bạn đọc phải đọc đi, đọc lại vài lần mới thấy cái thâm thúy trong các tầng nghĩa của bài viết…

Đôi lúc lại có những bài viết chậm để hoài niệm về những ngày xưa cũ, cái thời xa lắc lơ mà chan chứa nghĩa tình.

Trong lúc các thông tin được phản ánh đa dạng trên các mặt báo, mạng xã hội như hiện nay thì Báo điện tử Giáo dục Việt Nam luôn tạo được một phong cách rất riêng của mình.

Ban biên tập của báo sâu sát, tin tưởng đội ngũ cộng tác viên, đội ngũ cộng tác viên chỉn chu trong từng bài viết để những sản phẩm tốt nhất có thể đến được với bạn đọc cả nước.

Một năm mới lại bắt đầu và bạn đọc cả nước chỉ mong muốn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam luôn có nhiều những bài viết chất lượng của đội ngũ phóng viên, của cộng tác viên.

Trong những ngày này, chúng tôi gửi tới Ban biên tập, phóng viên, cộng tác viên và đặc biệt là bạn đọc của Báo một năm mới thành đạt và hạnh phúc. Chúc cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ mãi là người bạn đồng hành của đội ngũ giáo viên trên cả nước.

THANH AN