Còn độ vênh nhau giữa các luật thì tự chủ đại học chưa thể thực hiện hoàn thiện

22/04/2023 06:35
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đó là ý kiến của của Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phát biểu và có tham luận gửi tới Hội thảo khoa học quốc gia về tự chủ đại học với chủ đề “Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/4, Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông đã chia sẻ về sự cần thiết đổi mới tư duy trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú cho biết, chúng ta có Văn Miếu, trường đại học từ thời Lý, đã 1.000 năm trước, là trường đại học thuộc lớp lâu đời nhất thế giới, trường Đại học Boloqua Italia 929 năm, Đại học Oxford (Anh) 921 năm, Trường đại học Paris (Pháp) 857 năm. Vậy nhưng đến hôm nay nước ta vẫn chỉ có một ít trường nằm trong tốp 1.000 trường đại học tốt nhất của thế giới? Chúng ta đều biết rằng: con người làm nên tất cả và giáo dục tạo nên con người. Do vậy nếu giáo dục phát triển thì xã hội phát triển.

Nền văn hóa đất nước phát triển thì yêu cầu lớp người có văn hóa, có trí thức cao và sáng tạo luôn luôn là yêu cầu hàng đầu. Giáo sư Hoàng Tụy từ năm 2010 đã nói: “Giáo dục Việt Nam chưa phát triển vì tư duy tiểu nông, bóc ngắn cắn dài”.

“Tôi nghĩ tư duy đầu tiên chúng ta cần xác định để phát triển đúng vai trò của nó, đó là: Đại học là lâu đài của trí thức, là nơi chuyển giao văn hóa nhân loại, cũng là nơi bảo tồn trí thức và phát triển tri thức. Với nhận thức đó chúng ta càng thấy việc đổi mới tư duy phát triển giáo dục đại học là việc làm rất cần thiết và rất cấp bách”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu.

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú (thứ 2 từ phải qua trái)- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ về sự cần thiết đổi mới tư duy trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam tại Hội thảo khoa học quốc gia về tự chủ đại học với chủ đề “Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/4 (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú (thứ 2 từ phải qua trái)- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ về sự cần thiết đổi mới tư duy trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam tại Hội thảo khoa học quốc gia về tự chủ đại học với chủ đề “Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/4 (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đại học nước ta sau bao năm đổi mới đã có những bước chuyển biến, tuy nhiên nhìn đúng bản chất thì vẫn còn nhiều bất cập, có nơi còn coi lập trường đại học là để địa phương mình có vai vế đại học. Có đại học ra đời nhưng không có giáo viên cơ hữu. Mức lương của giảng viên đại học vẫn chỉ ở mức một viên chức nên rất khó thu hút giảng viên tài năng. Chất lượng đào tạo yếu, nên không có uy tín đào tạo, dẫn đến đầu vào thiếu sinh viên, phải hạ điểm chuẩn đến mức khó nghĩ nên đại học Việt Nam chưa quan tâm tính sáng tạo, tính chủ động của sinh viên. Vẫn là cách truyền thống nhồi nhét, thuộc bài (?). Việc nghiên cứu khoa học vẫn chưa phát triển đúng tầm… Tình hình đó không thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển và hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập cao.

Nghị quyết số 29-NQ/TW đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam của Trung ương Đảng sau đó là Nghị quyết số 19-NQ/TW, là những Nghị quyết có tầm quan trọng bậc nhất và mang tính quyết định của một cuộc cải cách – nói đúng hơn là cuộc cách mạng của thời đại về đào tạo con người Việt Nam.

Trong đổi mới đó, tự chủ đại học là xu thế tất yếu, tự chủ là bản chất của đại học. Nếu không có tự chủ thì đại học không phát triển, nói cách khác là chưa có đại học đúng nghĩa. Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói đó là “phổ thông kéo dài”, là “phổ thông cấp 4” chứ chưa phải đại học. Bởi vì không có tự chủ thì đại học không khai mở, không sáng tạo và chỉ đào tạo ra lớp người biết thừa hành.

Lịch sử xác nhận rằng từ khi có đại học xuất hiện đã có tự chủ, đó là những quyết định độc lập của người thầy. Dạy những gì và dạy như thế nào? Và ờ nhiều nước từ rất lâu đã thực hiện việc tự chủ học thuật, tự chủ đại học.

Tự chủ hiểu rộng ra là một cách mở rộng dân chủ. Dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ, tự chủ đây có nghĩa là trường được làm chủ. Hội đồng trường là cơ quan lãnh đạo cao nhất, nhà nước quản lý theo pháp luật và không cần có cơ quan chủ quản nữa. Tuy nhiên phải cần thấy: Tự chủ thì phải có 2 vế: Nhà nước cho cơ chế tự chủ và nhà trường phải biết làm chủ. Đó là sự quản lý toàn diện đưa nhà trường vươn xa đạt tầm quốc tế và có trách nhiệm rất minh bạch trước cộng đồng, xã hội và pháp luật.

Tự chủ đại học có 3 khâu chủ yếu như tự chủ quản trị đại học (bao gồm bộ máy con người, qui chế quản lý); tự chủ học thuật đào tạo để có chất lượng cao và tự chủ tài chính.

Năm 2014, Chính phủ có Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm tự chủ giáo dục đại học nhằm khuyến khích các cơ sở đại học công lập chủ động khai thác sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực của trường để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho ngân sách. Đầu tiên là 4 trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó mở rộng 23 trường được thí điểm tự chủ.

Với các trường thí điểm tự chủ phải để họ đủ điều kiện mạnh dạn, sáng tạo đột phá thậm chí là “xé rào” để thực hiện 3 yếu tố trên bằng kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm các nước đã thành công. Thí điểm tự chủ là bước đi đầu tiên chưa có tiền lệ nên rất cần nhìn nhận bằng tư duy mới phù hợp thời đại.

Đổi mới đúng nghĩa là bỏ cái cũ đổi bằng cái mới và cái mới đó phải tiên tiến, phải tốt hơn cái cũ. Ta đổi mới giáo dục đại học nhưng luật và cơ chế chưa điều chỉnh đồng bộ nên việc cho thí điểm tự chủ là sự quyết tâm và cách làm sáng tạo của Chính phủ.

Vì vậy, Chính phủ cần sớm tổng kết việc thí điểm tự chủ đại học cho từng trường đại học đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm tự chủ để rút ra những điều tốt, những điều chưa tốt. Nếu tổng kết thấy sai thì sửa, thấy vi phạm dừng lại, nếu lợi dụng thí điểm để trục lợi, tư túi thì xử lý theo pháp luật. Cũng từ việc tổng kết đó có thể thấy sự cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh luật và cơ chế, qui định phù hợp cho các trường đại học nói chung và sẽ giúp các trường đại học thí điểm tự chủ tiếp tục phát triển.

Những gì các trường đại học thí điểm tự chủ đã làm được mà thế giới và xã hội công nhận là kết quả nổi trội trong việc thực hiện sáng tạo Nghị quyết 29, Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng và Luật 34/2018 của Quốc hội cũng như các chủ trương cụ thể của Chính phủ. Những mô hình này, kết quả này cần được bảo vệ và đúc kết để nhân rộng ra.

Chúng ta có đến gần 500 trường đại học, cao đẳng nghĩa là nhà nước mỗi năm chi cho các trường công lập lên đến cả trăm ngàn tỷ. Cần có tư duy đúng ở chỗ này. Việc cấp kinh phí nên theo yêu cầu đổi mới và trên cơ sở hiệu quả của đổi mới. Nên lấy việc tự chủ quản trị, tự chủ học thuật làm gốc, vì từ đó uy tín và thương hiệu của nhà trường được nâng lên. Tự chủ không có nghĩa cắt kinh phí. Nhà nước cần đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất, cấp kinh phí cho việc đào tạo giáo viên và nghiên cứu khoa học.

Phần còn lại nhà trường tự trang trải. Trường có uy tín sẽ có nhiều sinh viên và nguồn tài chính sẽ phong phú. Trường công lập nào nhận ít kinh phí hoặc không nhận kinh phí nhà nước thì đó là một bước đột phá quan trọng. Nếu có cơ chế tốt, các trường có thể đảm bảo tài chính mà không cần ngân sách nhà nước. Bởi nhà trường biết chắt chiu, biết sử dụng có hiệu quả từ đồng tiền làm ra, việc trả lương xứng đáng cho cán bộ, giảng viên sẽ thu hút được giảng viên có trình độ cao. Khi đó trường không chỉ có thầy giỏi mà trường có uy tín, có sức hút và sẽ có nhiều sinh viên.

Ông Dilip Parajuli - đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam có tư vấn cho giáo dục đại học Việt Nam rằng cho các trường công lập nên phân bố tài chính dựa trên hiệu quả hoạt động của trường và theo ông Dilip như vậy tài chính sẽ có động lực cho nhà trường phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo. Từ các đại học thí điểm tự chủ có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm cho việc tự chủ, cho việc vươn lên ngang tầm đại học quốc tế và cả việc tự chủ tài chính. Trường nào chất lượng đào tạo, uy tín cao sẽ có nhiều sinh viên, đó chính là nguồn thu lớn của trường. Chuyện xảy ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một mẫu hình về sự va đụng của tư duy, sự va đụng của tự chủ và bao cấp. Nói cách khác là mâu thuẫn giữa tư duy cũ và mới, là sự mâu thuẫn tất yếu việc đấu tranh mâu thuẫn để tiến tới điều rất cần là có cơ chế phù hợp.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Nghị quyết 14/2005/NQ-CP trong đó đã nêu lên sự cần thiết: “Xây dựng vài trường đẳng cấp quốc tế” và Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội”. “Có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nhân sự và tài chính”. “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản

11 năm sau, tháng 10 năm 2016 Nghị quyết 89/NQ-CP của Chính phủ phần nói về cơ chế tự chủ các cơ sở giáo dục đại học công lập có nêu:

Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính…”

Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (Hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (Hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp nhà nước; quy định hội đồng trường là cấp có thực quyền, phân định rõ trách nhiệm giữa hội đồng trường với Ban Giám đốc (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng quyền của tập thể cán bộ, giảng viên”.

Điều này cho thấy, những cụm từ “giảm mạnh” và “tiến tới” ở Nghị quyết 89 so với Nghị quyết 2005 là “xóa bỏ”, là “có quyền”, là “bảo đảm quyền tự chủ”…là một bước lùi. Vì sao lại như vậy?

Để tự chủ thật sự là phép màu, là cây gậy thần của nền giáo dục đại học Việt Nam, từ Nghị quyết số 29-NQ/TW, Giáo sư Trình Quang Phú thấy cần đề xuất một số nội dung như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần có qui định cụ thể về Hội đồng trường, qui định này là một văn bản pháp qui dưới luật, trong đó có quy định rõ tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng trường, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường phải do Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo phê chuẩn. Có như vậy Hội đồng trường mới thật sự có vai vế, đủ tầm là cơ quan chủ quản của trường đại học.

Thứ hai, trên tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW và Luật Giáo dục đại học (Luật 34/2018) là đã đủ điều kiện, đã đến lúc tiến hành bỏ cơ quan chủ quản. Hầu hết các trường đại học là đa ngành, trong khi mỗi Bộ chỉ quản lý một vài ngành, vậy nên nếu tiếp tục duy trì cơ quan chủ quản rõ ràng là kéo dài lực cản với các trường đại học. Còn cơ quan chủ quản là cơ chế xin cho, còn chế độ bao cấp rất nên với các trường đào tạo đơn ngành thì cần có cơ quan chủ quản như Quốc phòng, Công an, Ngoại giao hoặc ngành đặc thù… Còn các trường đạo tạo đa ngành thì Chính phủ giao Bộ Giáo dục Đào tạo hoặc Ủy ban nhân dân các thành phố lớn trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước theo qui định của pháp luật. Việc này Thủ tướng Chính phủ từ năm 2005 đến nay đã nhiều lần có chủ trương, đã rất đủ độ chín để thực hiện.

Thứ ba, việc thí điểm tự chủ đã được 6-7 năm. Cần cho tổng kết sâu từng trường, và cuối cùng là tổng kết chung cho việc thí điểm, có tổng kết mới rút ra được cái tốt, cái chưa tốt, thậm chí là sai phạm cần sửa. Cái tốt sẽ được khẳng định, mô hình tốt sẽ được nhân ra từ việc tổng kết “Thí điểm tự chủ”. Chúng ta sẽ có đủ cơ sở khoa học báo cáo Bộ chính trị, Quốc hội, Chính phủ về những bất cập, sự vênh nhau về luật, sự thiếu đồng bộ của các văn bản. Từ đó xúc tiến điều chỉnh các luật, Nghị định, Quyết định, Nghị quyết cho phù hợp với tự chủ đại học.

Thứ tư, Đảng cũng cần qui định rõ vai trò Đảng ủy trong trường để phù hợp với trường đại học, để phối hợp đồng bộ với Hội đồng trường, qui trình bổ nhiệm cán bộ của Đảng cũng phải có đặc thù cho các trường đại học tự chủ để phù hợp với Luật 34…

Thứ năm, có thể thấy rằng: hoàn thiện được cơ chế, chính sách là khâu nền tảng rất quan trọng để tự chủ đại học phát triển. Các qui định dưới luật phải chi tiết, rõ ràng và tạo điều kiện để các trường thực thi trọn vẹn. Khi cơ chế và luật pháp không đồng bộ, còn độ vênh nhau giữa các luật, thì tự chủ đại học chưa thể thực hiện hoàn thiện được. Muốn hoàn thiện thì phải có tư duy đổi mới, từ cấp cao đến các bộ ngành và cả các chuyên viên. Tư duy không đổi mới thì chỉ là "bình mới rượu cũ".

"Tự chủ chính là động lực mạnh mẽ và toàn diện cho sự đổi mới đại học Việt Nam. Chủ nhân cho ngày mai của đất nước là ở lớp sinh viên đại học hôm nay. Chỉ có tự chủ toàn diện đại học nước ta mới làm tròn nhiệm vụ đào tạo lớp người có chất lượng, có trí tuệ, có năng lực chủ động sáng tạo ngang tầm quốc tế cho hôm nay và cho mai sau.", Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhắn nhủ.

Linh An