Có phải vì “nghề cao quý” nên giáo viên thấy lương mình thấp?

13/12/2021 06:50
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đã đến lúc, giáo viên phải hành động thay vì than vãn; chấp nhận cuộc sống hiện tại, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao GDP...

Bài viết “Nghịch lý sinh viên SP miễn học phí, giáo viên học nghiệp vụ phải đóng tiền” của tác giả Sơn Quang Huyến đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được bạn đọc chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Cùng với đó, là những bình luận, chia sẻ của cả nhà giáo và người ngoài ngành giáo dục; nhìn chung, có nhiều bình luận cho rằng, nghịch lý như thế sao mà giờ mới có người kêu?

Nghịch lý sinh viên đi học nhận trợ cấp cao hơn lương giáo viên đi dạy

Hiện nay sinh viên sư phạm đào tạo theo “đơn đặt hàng” hay sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục, đều được miễn học phí, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Theo đó, tại điều 4 của của Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.

Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Người viết không có ý phân bì mức trợ cấp để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường cho sinh viên sư phạm, bởi thực tế, với mức hỗ trợ đó, tại các thành phố đắt đỏ như Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên cũng sống chật vật.

Một giáo sinh mới ra trường, công tác tại trường công lập, có mức lương hàng tháng hiện nay như sau:

Ảnh chụp màn hình lương khởi điểm bậc 01 của từng hạng tương ứng đối với giáo viên mới ra trường. (Nguồn: Thukyluat.vn)

Ảnh chụp màn hình lương khởi điểm bậc 01 của từng hạng tương ứng đối với giáo viên mới ra trường. (Nguồn: Thukyluat.vn)

Như vậy, nếu coi mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường là “lương” sinh viên sư phạm, rõ ràng “lương” sinh viên sư phạm cao hơn hẳn tiền lương giáo viên mới ra trường công tác. Theo người viết, điều này là một nghịch lý.

Có phải vì “nghề cao quý” nên giáo viên thấy lương mình thấp?

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, giáo viên thường phàn nàn về mức lương thấp, không đủ sống. Câu hỏi “Bao giờ giáo viên sống được bằng lương” đã và đang được dư luận quan tâm, bàn luận trên diễn đàn giáo dục và mạng xã hội.

Trong khi không ít người ngoài vẫn nhìn giáo viên với một ánh mắt thiếu đồng cảm, thậm chí là quá khắt khe. Không khó để bắt gặp những lời nhận xét như: "chê lương giáo viên thấp sao không chuyển nghề?", "có ai bắt phải đi làm giáo viên đâu?", hay "nghề nào cũng khổ, sao chỉ có giáo viên kêu than?", "Nhà giáo kêu lương thấp nhưng sao vẫn thấy đi xe SH, nhà cao cửa rộng?"... và còn rất nhiều những ý kiến gay gắt như vậy mỗi khi người ta nói về câu chuyện tăng lương giáo viên. [1]

Phải chăng vì chúng ta vẫn nói giáo viên là “nghề cao quý'” nên thấy lương giáo viên thấp? Xã hội chưa đánh giá đúng vai trò của giáo viên, nên chưa tăng lương cho giáo viên?

Thật ra theo góc nhìn của người viết, bất kỳ nghề nghiệp nào hợp pháp và bảo vệ, phục vụ cho sự phát triển của xã hội cũng đều cao quý như nhau, không có nghề nào cao quý hơn nghề nào, mà chỉ có con người cao quý, làm cho nghề mình cao quý; sự hy sinh thầm lặng của nhà giáo, đóng góp của các thế hệ nhà giáo cho lịch sử đấu tranh, xây dựng đất nước mới tạo nên sự cao quý.

Ý kiến “giáo viên chê lương thấp sao không đổi nghề” trong cơ chế thị trường hiện nay không phải không có lý; vì mức lương giáo viên đã được công khai, minh bạch, giáo viên đã biết trước khi chọn nghề, đã chọn rồi thì đừng chê.

Động cơ ngành sư phạm để không phải đóng học phí, được hưởng trợ cấp khi học, có cuộc sống ổn định vì được biên chế, cần phải cân nhắc; vào ngành sư phạm để sau này dạy thêm, làm giàu, cần phải lên án.

Học sinh muốn vào nghề sư phạm cần biết rõ mức lương, đãi ngộ của xã hội; chấp nhận cuộc sống hy sinh, cống hiến, xây dựng, “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”, dân giàu, nước mạnh, chắc chắn cuộc sống nhà giáo sẽ nâng lên; để chấp nhận cuộc sống thanh bạch.

Theo một nghiên cứu về lương trung bình nghề giáo dục so với GDP bình quân đầu người, Luxembourg trả lương giáo viên cao nhất (trung bình 101.000 USD mỗi năm, tức khoảng 2,3 tỷ đồng). Trong khi ở châu Á, Hàn Quốc cũng nằm trong nhóm những quốc gia có lương giáo viên cao (54.740 USD mỗi năm). Tiếp sau là Ấn Độ và Thái Lan (12.000 USD mỗi năm).

Còn Việt Nam đứng cuối về thu nhập của giáo viên trung học phổ thông, tính theo GDP bình quân đầu người với trung bình gần 1.800 USD một năm.[2]

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 2.786 USD/người [3]; như vậy thu nhập của giáo viên trung học phổ thông bằng 64.61% GDP bình quân đầu người.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Theo Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD.[4]

Nếu theo tỷ lệ lương giáo viên bằng 64.61% GDP, hy vọng, sắp tới đây, giáo viên sẽ được tăng lương, thu nhập trung bình của giáo viên sẽ đạt 3.037 USD/năm.

Đã đến lúc, giáo viên phải hành động thay vì than vãn; chấp nhận cuộc sống hiện tại, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao GDP, nâng cao thu nhập cho bản thân.

Ai không chấp nhận cuộc sống hiện tại, mức lương hiện tại, nên đổi nghề; đừng tìm mọi cách kiếm tiền trong giáo dục, làm xấu xí hình ảnh người giáo viên nhân dân, cản đường phát triển của dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vnexpress.net/ngo-nhan-tang-luong-giao-vien-vi-nghe-cao-quy-4400425.html

[2] https://vnexpress.net/bat-cong-voi-luong-giao-vien-4397392.html

[3] https://solieukinhte.com/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-viet-nam/

[4]https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/phan-dau-nam-2025-gdp-binh-quan-dau-nguoi-dat-khoang-4.700-den-5.000-usd.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai