Có nên quy đổi theo thang điểm thay vì số lượng bài báo khi mở đào tạo Ths, TS?

13/12/2024 06:17
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để triển khai hiệu quả việc mở ngành đào tạo ThS, TS theo quy định của Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT, cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thông tư này có hiệu lực từ 05/01/2025.

Một trong những điểm mới của Thông tư là bổ sung yêu cầu về bài báo, báo cáo khoa học của tổng số giảng viên mở ngành đào đào trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong 5 năm gần nhất, trong khi quy định hiện hành không đặt ra yêu cầu này.

Theo đó, tổng số giảng viên mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ phải công bố ít nhất 20 bài báo, báo cáo khoa học; tổng số giảng viên mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.

Yêu cầu về bài báo khoa học góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ

Đánh giá về điểm mới này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thanh An - Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, việc đưa ra yêu cầu về tổng số bài báo, báo cáo khoa học với giảng viên tham gia mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là hợp lý.

Yêu cầu này cũng phù hợp với quy định về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ được đề cập trong Tiêu chí 2.3 thuộc Tiêu chuẩn 2 của Thông tư 01/2004/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Ngoài ra, thầy An nói thêm: "Các cơ sở giáo dục đại học có thể sẽ gặp phải một số khó khăn bước đầu khi thực hiện yêu cầu trên, kế hoạch phát triển chương trình đào tạo sẽ có thể chậm lại.

Do đó, các đơn vị phải có những giải pháp trong việc tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Vì đội ngũ này sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác nghiên cứu và công bố khoa học".

Dưới góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính: "Quy định trên giúp nâng cao khả năng nghiên cứu, công bố khoa học của giảng viên, từ đó tăng năng lực giảng dạy, hướng dẫn của họ đối với các học viên, nghiên cứu sinh.

Đồng thời, yêu cầu này cũng động lực thúc đẩy giảng viên tích cực nghiên cứu khoa học. Nhà trường, khoa, bộ môn cũng sẽ chủ động xây dựng lộ trình, có cơ chế hỗ trợ giảng viên, đảm bảo đáp ứng quy định để mở ngành đào tạo. Bởi vậy, đây không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm của tập thể".

Thầy Thiều thông tin, ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Học viện Tài chính đã có kế hoạch cho các khoa, phân bổ, giao chỉ tiêu, có cơ chế về tài chính để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, trong đó có yêu cầu về công bố bài báo, báo cáo khoa học.

PGS TS Nguyễn Mạnh Thiều.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính. Ảnh: NVCC.

Cân nhắc quy đổi theo thang điểm thay vì số lượng bài báo khoa học

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Quang Khang - Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tiêu chuẩn với đội ngũ giảng viên phải ngày càng được nâng cao.

Hiện tại, giảng viên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất cơ bản đáp ứng được theo quy định trong Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT, nhà trường cũng có cơ chế khuyến khích đội ngũ nghiên cứu, công bố bài báo, báo cáo khoa học.

"Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà trường trong việc mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có chăng nên xem xét việc quy định riêng về số lượng bài báo theo lĩnh vực hoặc nhóm ngành. Vì đối với một số ngành không dễ để có thể đáp ứng được số lượng trên.

Bên cạnh đó, cũng nên cân nhắc việc quy ra tổng số điểm thay vì số lượng 20 hay 50 bài. Ví dụ, trong 5 năm, các giảng viên tham gia mở ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cần phải đạt tối thiểu số điểm quy định.

Ngoài ra, giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành cùng các đề tài nghiên cứu khoa học cũng nên được tính cùng bài báo, báo cáo khoa học.

Điều này sẽ tạo thuận lợi, tăng tính khả thi và linh hoạt hơn cho các nhà trường trong việc tiến hành thủ tục mở ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ" - thầy Khang chia sẻ.

Xem xét sử dụng giảng viên một số ngành gần

Đề cập thêm đến những khó khăn trong việc mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Quang Khang cho biết: “Với một số ngành mới, chúng ta không dễ để tính toán kịp về đội ngũ cơ hữu, nếu áp dụng thêm yêu cầu về bài báo, báo cáo khoa học như trên sẽ càng khó khăn.

Bởi vậy, chúng ta có thể xem xét sử dụng giảng viên của một số ngành, nhóm ngành, lĩnh vực gần để mở ngành sau đó có lộ trình bổ sung cán bộ cơ hữu đúng ngành để đáp ứng công tác đào tạo sau đại học”.

PGS TS Lương Quang Khang.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Quang Khang - Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: NVCC.

Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Trần Thanh An, để triển khai hiệu quả việc mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo quy định của Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT, cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể sau:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển chương trình đào tạo trong 5, 10 năm. Từ đó rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên phục vụ phát triển chương trình đào tạo, đặc biệt là giảng viên có khả năng nghiên cứu và công bố khoa học.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường hợp tác với các cá nhân, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, đẩy mạnh và nâng cao vai trò của các nhóm nghiên cứu mạnh nhằm tạo môi trường thuận lợi tham gia nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, giao chỉ tiêu công bố khoa học cụ thể cho các đơn vị, cá nhân để đáp ứng điều kiện mở ngành; đưa tiêu chí kết quả nghiên cứu khoa học vào đánh giá, phân loại cán bộ, viên chức, người lao động hàng năm.

Thứ tư, cơ sở giáo dục đại học cũng cần có những chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích kịp thời để thu hút đội ngũ có trình độ tiến sĩ từ bên ngoài về công tác tại trường cũng như đội ngũ giảng viên trong trường có khả năng nghiên cứu và công bố khoa học.

Tiến sĩ Trần Thanh An - Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Trần Thanh An - Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC.

Được biết, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải có nhiều cơ chế nhằm giúp giảng viên có môi trường, thời gian, nguồn lực, tài chính để nghiên cứu khoa học và công bố các bài báo trong nước và quốc tế.

Nhiều nhóm nghiên cứu mạnh theo từng lĩnh vực nghiên cứu được thành lập.

Nhà trường hỗ trợ tác giả có bài báo công bố trên các tạp chí uy tính tối đa lên tới 50.000.000 đồng/bài; hỗ trợ 100% học phí với giảng viên làm nghiên cứu sinh.

Ngoài ra, nếu giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ trước hạn sẽ được thưởng từ 30.000.000 đến 70.000.000 đồng tuỳ theo thời gian hoàn thành; giảng viên được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư được hỗ trợ 150.000.000 đồng, chức danh phó giáo sư được hỗ trợ 70.000.000 đồng.

Ban giám hiệu Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên đi học tập, nghiên cứu cũng như tham gia các dự án hợp tác với các tổ chức và cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước.

Hồng Linh