Có lúc trợ lý, thư ký “qua mặt” sếp thật, nhưng cũng cần xem lại lãnh đạo

24/04/2023 06:32
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, có những trường hợp “ở trên chỉ đạo nghiêm nhưng ở dưới lại qua mặt”, nhưng để xảy ra tiêu cực, lãnh đạo cũng thiếu trách nhiệm.

Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Theo đó, 54 bị can bị cáo buộc phạm 5 tội danh khác nhau, gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số này, 21 bị can bị truy tố tội nhận hối lộ.

Người nhận hối lộ nhiều nhất là bị can Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên với 253 lần nhận hối lộ.

Cáo trạng xác định, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch...

Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xin ý kiến về chuyến bay, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế phân công Cục Y tế dự phòng, trong đó Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là đơn vị nghiên cứu, đề xuất. Sau đó, Cục Y tế dự phòng duyệt dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Kiên yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đồng - 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 triệu đồng - 15 triệu đồng/khách lẻ.

Từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, bị can Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và 62 đoàn khách lẻ, với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.

Bị can Phạm Trung Kiên cùng 17 bị can khác cùng bị truy tố về tội nhận hối lộ, theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 354 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. [1]

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Trong thực tế, vẫn còn có tình trạng “vòi vĩnh” trục lợi ở một bộ phận công chức nhà nước. Và trong một bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp như vậy, một số cán bộ lại lợi dụng tình hình để cơ hội, nhận hối lộ “làm đầy túi” mình.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Giữa một tình hình như thế, đặc biệt trong lúc nhân dân đứng trước nguy cơ, cần được hỗ trợ, cần được giải cứu, các “chuyến bay nhân đạo” chưa từng có trong lịch sử... vậy mà phía sau lại trở thành công cụ để “kiếm chác”, những cán bộ lợi dụng để “làm tiền” như vậy, thực sự không thể chấp nhận được... Theo tôi, lần này, phải xử lý thực sự nghiêm minh, thậm chí là tử hình một số kẻ, bởi những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại quá lớn”.

Nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng chỉ ra: “Tất nhiên, trong thực tế cũng có những trường hợp “ở trên chỉ đạo nghiêm nhưng ở dưới lại qua mặt”. Nhiều khi trợ lý, thư ký lại “qua mặt” lãnh đạo trực tiếp, lợi dụng lãnh đạo bận rộn nhiều công việc, có khi đợi đến khi lãnh đạo gần hết giờ làm việc hoặc sát giờ đi công tác thì lại đưa văn bản ra cho ký, với những trường hợp ấy, quả thực không sát sao được hết...

Bởi vậy, quan trọng nhất là điều kiện con người, là nhân sự. Cái cần nhất hiện nay là phải có bộ phận trợ lý, giúp việc thật sự tâm phúc, hết lòng hỗ trợ cho lãnh đạo thực hiện các công việc.

Tuy nhiên, theo tôi, đã là lãnh đạo trực tiếp, thì khi xảy ra tiêu cực, cũng không thể nào nói không có trách nhiệm. Để xảy ra nhiều tiêu cực, theo tôi một phần là việc thiếu trách nhiệm của lãnh đạo, đã không kịp thời kiểm soát, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình...”.

Liên quan đến nội dung này, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng: “Đối với những người lãnh đạo trực tiếp, chỉ có thể nhắc nhở, đôn đốc nhưng nếu cấp dưới, những người thân cận vẫn tính cách để “làm sau lưng” thì rất khó để phát hiện, thậm chí có những người lợi dụng cả danh tiếng của lãnh đạo để “làm bậy”, thì thực sự rất khó nói...”.

“Bởi vậy, điều mà chúng ta còn đang phải băn khoăn nhiều nhất, chính là làm sao để chọn được cán bộ tốt. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, khi chọn cán bộ đã được làm rất cẩn thận, thẩm tra, thẩm định rất nhiều, chọn được cán bộ có đức có tài, tức là bản thân cán bộ ở thời điểm đó rất tốt... nhưng sau một thời gian, lại biến chất, trở thành người có tiêu cực.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trinh Phúc.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trinh Phúc.

Như vậy, điều quan trọng không phải chỉ nằm ở khâu tuyển chọn cán bộ nữa, mà phải chú trọng ở “cái gốc” của công tác cán bộ. Làm sao có thể đào tạo, bồi dưỡng, quản lý như thế nào để bản thân cán bộ phải luôn có đạo đức, phải luôn biết bản thân làm gì, luôn giữ mình trong sạch, luôn tuân thủ pháp luật để tránh các tình trạng thoái hóa, biến chất, không vướng vào sai phạm, tiêu cực, tham nhũng...

Đồng thời, trong trường hợp cán bộ sai phạm, phải xử lý hết sức nghiêm minh” - Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Trao đổi thêm về vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thuyền nhắc lại quan điểm trong một lần phát biểu trên nghị trường trước Quốc hội. Cụ thể, ông cho rằng, yếu tố con người và yếu tố niềm tin là rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ, ông nhớ lần đi kiểm tra ở một cơ sở chỉ có một quản gia nhưng kiểm kê tài sản người này giữ từ năm 1949 đến 1975 không thiếu một cái gì. Tuy nhiên, đến thời kỳ sau, mỗi lần đi kiểm tra có rất nhiều con dấu nhưng tài sản vẫn mất dần, mất mòn.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh, phải xây dựng lòng tin cho nhân dân: “Tôi nhớ lại một lãnh đạo trả lời trên truyền hình rằng, cán bộ chưa bao giờ đòi hỏi nhận hối lộ nhưng tại dân cứ đưa. Thế nhưng vì sao dân lại cứ đưa, đại biểu cho rằng cần phải xem lại cán bộ. Phải xem lại cán bộ mình tại sao dân lại cứ đưa. Bởi vì dân không còn niềm tin với cán bộ nên mới phải đưa như vậy...”.

Theo ông phân tích, nếu không xây dựng lòng tin của dân với cán bộ thì tham nhũng còn diễn biến khó lường. Đừng để người dân luôn trong tâm không tin nên buộc lòng phải đưa tiền. Do đó, trong đấu tranh chống tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thuyền đề nghị, ngoài việc xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm thì phải xây dựng lòng tin với dân.

Thành An